Một tài xế taxi ở Trịnh Châu cho biết: “(Tôi) tốn thêm 15-16 NDT (50-53,4 nghìn VND) mỗi ngày, và thêm 400-500 tệ (1,3 triệu – 1,65 triệu VND) mỗi tháng cho việc sạc điện”. Một tài xế taxi khác nói: “Một lần sạc, chi phí mất một bao thuốc lá".
Không chỉ ở Trịnh Châu, mà cả ở Thượng Hải, Thanh Đảo, Trùng Khánh…chi phí sử dụng sạc điện đều tăng cao, mức tăng cao nhất ở một số nơi thậm chí lên tới 87%.
So với các xe sử dụng nhiên liệu, một trong những ưu điểm của xe ô tô điện là chi phí bổ sung năng lượng thấp. Khi chi phí sử dụng các cọc sạc tăng lên, lợi thế chi phí của các xe điện liệu có thể kéo dài được bao lâu?
Giá điện và dịch vụ đều tăng
Được biết, giá tính phí cho việc sạc điện của ô tô hiện tại bao gồm hai phần: giá bán điện và phí dịch vụ tính theo kWh. Trong số đó, giá bán đề cập đến chi phí để người vận hành mua điện từ lưới điện, được cập nhật động thái. Đồng thời, giá mua của các doanh nghiệp khác nhau sẽ có sự khác biệt nhỏ trong giá bán điện và thường áp dụng hai chiến lược là giá điện bình quân và giá điện cao nhất, thấp nhất.
Gần đây, phí dịch vụ sạc đã tăng lên và sự biến động của giá điện đã ảnh hưởng đến chi phí bổ sung năng lượng của các chủ sở hữu xe ô tô điện. Về lý do tăng chi phí sạc, một số người trong ngành nói với phóng viên Caijng: "Quan điểm khá thống nhất là chính sách điện công nghiệp và thương mại đã được điều chỉnh".
Theo thông báo do Ủy ban cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc ban hành vào tháng 5 năm nay, phương án giá điện mới được thực hiện từ ngày 1/6. “Theo đó, sẽ từng bước phân làm 3 loại giá điện sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và điện công nghiệp - thương mại (trừ giá điện sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp). Các trạm sạc sẽ được quy vào loại điện công-thương, giá cao hơn điện dân dụng và điện nông nghiệp.
Ngoài ra, ở góc độ phụ tải điện, do năm nay thường xuyên xảy ra thời tiết nắng nóng, nhất là sau khi vào hè phụ tải điện nhiều khu vực tăng đáng kể. Một số nhà phân tích cho rằng dù là Thượng Hải, Trịnh Châu hay một số khu vực ở Đồng bằng Hoa Bắc, phụ tải điện sẽ tăng đáng kể khi thời tiết có nhiệt độ cao. Trong thời gian cao điểm phụ tải, giá điện cũng sẽ tăng đáng kể.
Về phí dịch vụ điện, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia đã ban hành chính sách giá điện đối với xe điện vào năm 2014, yêu cầu trước năm 2020, phải thực hiện quản lý giá theo hướng dẫn của chính phủ đối với phí dịch vụ sạc và đổi pin xe điện. Hạn mức trên của phí dịch vụ do cơ quan quản lý giá cấp tỉnh hoặc đơn vị được ủy quyền xây dựng và điều chỉnh. Kể từ đó, việc thu phí dịch vụ dần dần mang tính thị trường và giá phí dịch vụ tăng lên rõ rệt.
Trong đợt tăng phí dịch vụ lần này, một số khu vực đã chứng kiến phí dịch vụ điện tăng cao. Ví dụ, vào ngày 12/7, phí dịch vụ sạc ở khu vực Trịnh Châu đã được điều chỉnh từ 0,42 NDT/kWh lên 0,6 NDT/kWh (1.400 – 1.980 VND), tăng 43%; phí dịch vụ sạc ở Thanh Đảo và những nơi khác cũng tăng ở các mức độ khác nhau.
Một lý do khác khiến giá phí tăng cao ở nhiều nơi là do đại đa số các nhà khai thác cọc sạc hiện đang ở giai đoạn lãi ít, thậm chí lỗ. Lấy một công ty cọc sạc hàng đầu làm ví dụ, dữ liệu do họ công bố cho thấy từ năm 2020 đến năm 2022, công ty đạt doanh thu lần lượt là 1,577 tỉ NDT, 3,104 tỉ và 4,570 tỉ NDT, với các khoản lỗ lần lượt trong các năm là 37,8649 triệu, 51,32 triệu và 26 triệu NDT.
Giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho các công ty kinh doanh cọc sạc
Quy mô của thị trường xe ô tô điện đang tăng nhanh và tỷ lệ các loại xe điện đạt 27,6% trên thị trường xe chở khách vào năm 2022. Tuy nhiên, tỷ lệ vẫn chưa đến 5% xét về quyền sở hữu trên thị trường ô tô. Đối với các công ty cọc sạc, vẫn chưa bước vào giai đoạn tiêu hóa hết hàng tồn kho.
Ngoài ra, một trong những lý do khiến việc thương mại hóa các doanh nghiệp kinh doanh cọc sạc không diễn ra thuận lợi là mô hình lợi nhuận đơn lẻ. Có thể hiểu nguồn thu nhập của các doanh nghiệp cọc sạc có thể chia làm 3 phần: phí dịch vụ kWh, chênh lệch giá điện và các dịch vụ giá trị gia tăng. Hiện thu nhập từ thu phí dịch vụ chiếm hơn 90% tổng thu nhập của hầu hết các công ty cọc sạc
Điều đáng chú ý là ngành công nghiệp xe ô tô điện của Trung Quốc vẫn đang trong giai đoạn phát triển nhanh chóng, đang mở rộng từ người dùng ở các thành phố hạng nhất và hạng hai sang người dùng ở các thành phố hạng ba và hạng bốn và khu vực nông thôn, một tỷ lệ đáng kể người dùng mới là các nhóm nhạy cảm về giá.
Có quan điểm cho rằng nếu hiện tượng chi phí cọc sạc tiếp tục tăng mạnh, người tiêu dùng có thể xa lánh xe ô tô điện, điều này sẽ gây ra những thách thức cho việc mở rộng thị trường của ngành công nghiệp ô tô điện. Điều này cũng khiến ngành bắt đầu suy nghĩ về việc liệu có cách nào khác để cải thiện lợi nhuận của các doanh nghiệp cọc sạc ngoài việc điều chỉnh phí dịch vụ hay không.
Theo các chuyên gia, phương án tích hợp lưu trữ và sạc sử dụng điện mặt trời (quang điện) được cho là phương thức khả thi sẽ thu được lợi nhuận từ giá điện trong tương lai, đây cũng được coi là một cách khả thi để cải thiện lợi nhuận của kinh doanh cọc sạc. Theo CITIC Securities, hệ thống tích hợp - lưu trữ và sạc điện mặt trời là một mô hình sạc xanh. Nguyên lý hoạt động là lợi dụng ánh sáng mặt trời để phát điện, lượng điện dư thừa được lưu trữ rồi đảm bảo cung cấp nguồn điện cho cọc sạc.
Ưu điểm cốt lõi của hệ thống tích hợp - lưu trữ - sạc điện mặt trời là nó sử dụng thiết bị lưu trữ để lưu trữ năng lượng điện trong thời điểm giá điện thấp và sử dụng năng lượng điện được lưu trữ vào thời điểm cao điểm tiêu thụ điện, tránh việc sử dụng trực tiếp điện lưới giá cao trên quy mô lớn, có thể giúp giảm chi phí vận hành của doanh nghiệp, đạt được chênh lệch giá điện cao điểm và thấp nhất. Các chuyên gia cho rằng sau khi nhất thể hóa tích hợp lưu trữ và sạc bằng điện mặt trời trong tương lai, các công ty kinh doanh cọc sạc sẽ kiếm được lợi nhuận từ giá điện.
Theo Caijing