Thị trường xe điện Trung Quốc bước vào vòng loại trực tiếp, hàng loạt doanh nghiệp "bật xới"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Trung Quốc đại lục, thị trường xe điện lớn nhất thế giới, đang dần loại bỏ các doanh nghiệp mới cồng kềnh ra khỏi cuộc cạnh tranh khốc liệt để tồn tại.

Chính phủ trợ cấp khiến ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc bùng nổ trong 10 năm qua (Ảnh: Reuters).
Chính phủ trợ cấp khiến ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc bùng nổ trong 10 năm qua (Ảnh: Reuters).

Trong 10 năm qua, chính phủ Trung Quốc đã trợ cấp rất nhiều cho ngành công nghiệp xe điện (EV), dẫn đến sự bùng nổ trong toàn ngành. Có hàng trăm nhà sản xuất xe điện thuần túy và xe hybrid mới ra đời. Mặc dù số lượng nhà sản xuất đăng ký hiện tại đã giảm đáng kể so với khoảng 500 công ty vào năm 2019, nhưng có vẻ cuối cùng sẽ chỉ còn lại vài chục nhà sản xuất.

Giai đoạn củng cố khả năng cạnh tranh

Thị trường xe điện vốn là một cuộc cạnh tranh kiểu "cắt cổ", tuy nhiên, theo chỉ số chuyên nghiệp Herfindahl Index về mức độ tập trung thị trường, từ quý 1 năm nay thị trường đã bắt đầu có dấu hiệu ấm lại và tập trung hóa. Các nhà sản xuất hàng đầu như BYD, Tesla… đã củng cố năng lực của họ.

Ông Vương Hán Dương, nhà phân tích tại Công ty Chứng khoán 86 Thượng Hải, cho biết: "Nếu chúng ta tính toán dựa trên số lượng các công ty khởi nghiệp đã nhận được trợ cấp từ đầu, thì hiện đã có tới 80% số công ty khởi nghiệp về xe điện đã hoặc đang biến khỏi thị trường".

Tất nhiên, đây không phải là tin tốt cho những công ty vẫn đang gặp khó khăn như NIO. Doanh số bán hàng của NIO đã giảm mạnh, gần đây công ty tuyên bố chính phủ Abu Dhabi sẽ rót vốn vào và mua 7% cổ phần. NIO trước đó đã thoát khỏi tình trạng gần như tuyệt vọng và sống sót nhờ được chính quyền thành phố Hợp Phì ở An Huy bơm một khoản tiền khổng lồ.

BYD hien chiem thi phan lon nhat.jpg
Xe ô tô điện BYD hiện đang giữ vị trí số 1 tại thị trường Trung Quốc (Ảnh: Caijing).

Chỉ số Herfindahl Index cho thấy trong vài năm qua, ngành công nghiệp xe điện ở Trung Quốc tiếp tục xu thế sáp nhập và nhiều công ty khởi nghiệp đã nhận được trợ cấp của chính phủ hoặc các ưu đãi khác. Quá trình đào thải trong ngành ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn theo thời gian, một số doanh nghiệp ở vị trí thống lĩnh thị trường không ngừng củng cố vị trí của họ, trong khi những công ty nhỏ hơn đang phải vật lộn để tồn tại. Trong quý I năm nay, tổng thị phần của 4 hãng xe lớn đã tăng lên 60%, tăng đáng kể so với mức 44% của 3 năm trước.

Vị thế thống trị của BYD

Mặc dù chính quyền Trung Quốc đã gia hạn thời gian cắt giảm thuế cho người tiêu dùng mua xe năng lượng mới đến năm 2027, nhưng mọi dấu hiệu cho thấy chính phủ sẽ không tiếp tục hỗ trợ các các công ty đang gặp khó khăn trong kinh doanh. Ông Tân Quốc Bân, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin, cho biết xu hướng sáp nhập hợp nhất được thúc đẩy bởi các lực lượng thị trường và cơ chế của chính phủ sẽ giúp các nhà sản xuất còn tồn tại có khả năng cạnh tranh quốc tế cao hơn.

BYD va Tesla.jpg
Biểu đồ cho thấy BYD (đỏ) vượt lên và bỏ xa Tesla về thị phần xe điện ở Trung Quốc (Nguồn: Bloomberg).

BYD, được nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett hỗ trợ, đã nhanh chóng gia tăng địa vị chủ đạo trên thị trường trong 2 năm qua. Hiện tại, cứ 3 chiếc xe năng lượng mới được bán ở Trung Quốc thì có 1 chiếc là sản phẩm của BYD. Nhìn lại cuối năm 2020, khi doanh số hàng tháng của BYD bắt đầu vượt quá 100.000 xe, thị phần của nó chỉ là 15%.

Thành công của BYD tiếp tục gây áp lực lên Tesla, hãng xe đứng ở vị trí thứ 2. Thị phần của Tesla đã giảm dần trong 2 năm qua và mãi đến quý 1 năm nay mới chấm dứt được đà giảm. Hiện tại, thị phần của Tesla là 11%, trong khi tổng thị phần của BYD và Tesla là gần 50%.

Một số nhà sản xuất lặng lẽ biến mất

Một số nhà sản xuất từng tỏa sáng trong những ngày đầu của ngành công nghiệp xe năng lượng mới đã lặng lẽ biến mất. Nhiều nhà sản xuất xe điện ban đầu chủ yếu sản xuất các loại xe đáp ứng các tiêu chuẩn trợ cấp của chính phủ và đạt các yêu cầu quy định, thường không có thiết kế và hiệu quả chất lượng cao.

Ông Seibert, chuyên gia của JSC Automotive Consultants ở Singapore, nói: "Chúng tôi gọi những chiếc xe điện này là xe hơi tiêu chuẩn". Ông nói rằng những chiếc xe điện này chủ yếu được bán theo lô cho các đội xe và chỉ được thiết kế để đáp ứng các quy định về tiêu thụ nhiên liệu nhằm được giảm thuế và nhận được khoản trợ cấp cho các nhà sản xuất. "Điều quan trọng duy nhất là những chiếc xe này chạy bằng điện". Tuy nhiên, khi các tiêu chuẩn quy định tăng lên, các đối thủ cạnh tranh xuất hiện và thị trường xe đạt đến mức bão hòa, nhu cầu đối với loại này sẽ bắt đầu giảm.

Xe hoi WM.jpg
Xe điện của WM từng được quảng cáo mạnh nay đang dần biến mất trên thị trường
(Ảnh: UDN).

Chẳng hạn, Công ty xe điện Zhidou ở huyện Ninh Hải, tỉnh Chiết Giang từng được Lý Thư Phúc, người sáng lập kiêm chủ tịch Tập đoàn Geely Chiết Giang hỗ trợ. Tổng cộng, Zhidou từ năm 2015 đến 2017 đã bán được khoảng 100.000 xe điện. Loại xe chỉ chạy được tối đa 100 km mỗi lần sạc. Đến năm 2018, khi chính phủ tăng tiêu chuẩn trợ cấp lên 150 km/lần sạc, nhà máy sản xuất ô tô điện cỡ nhỏ này liền nhanh chóng mất đà.

Công ty ô tô năng lượng mới Bắc Kinh (Beijing Electric Vehicle Co., Ltd), một công ty con của Tập đoàn ô tô BAIC thuộc sở hữu nhà nước, trong hơn 5 năm chủ yếu cung cấp sản phẩm cho các đội xe; nhưng sau khi chính phủ cắt giảm trợ cấp, công ty bắt đầu xuất hiện tình trạng thua lỗ và buộc phải thay đổi chiến lược kinh doanh.

Weltmeister Motor sa thải gây sốc toàn ngành

Một ví dụ khác là Byton Motors, được cựu giám đốc của BMW bỏ vốn thành lập, nhưng đã buộc phải ngừng hoạt động trước khi công ty bàn giao chiếc xe đầu tiên; Công ty SINGULATO Thượng Hải từng dự định niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2019, nhưng năm 2022 đã ở bên bờ vực phá sản.

Tuy nhiên, đối với những nhà sản xuất lấy mục tiêu chính là thu hút khách hàng hơn là đáp ứng các tiêu chuẩn quy định, thì việc tồn tại trên thị trường xe điện Trung Quốc thực sự rất khó khăn. Tình hình gần đây của Weltmeister Motor (WM) Thượng Hải là một cú sốc. WM, được tập đoàn công nghệ khổng lồ Baidu hỗ trợ, vào tháng 1 năm nay đã thông báo sẽ được niêm yết tại Hong Kong thông qua một vụ sáp nhập ngược; nhưng chỉ một tháng rưỡi sau, tin tức về việc công ty cắt giảm lương và sa thải nhân viên đã xuất hiện, và doanh số tiêu thụ cũng giảm mạnh.

So luong xe tieu thu cua WM.jpg
Biểu đồ về số lượng xe WM bán được trên thị trường Trung Quốc đạt đỉnh vào quý 4/2021 rồi sụt giảm nghiêm trọng (Nguồn: Trung tâm nghiên cứu xe hơi TQ).

Một phụ nữ đến từ thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc là một trong những chủ sở hữu sớm nhất của chiếc SUV Weltmeister EX5. Vào tháng 4 năm nay, do sự cố về ắc quy, cô phải chia tay chiếc ô tô 4 tuổi rưỡi của mình, vì đại lý cho biết do công ty gặp khó khăn về tài chính nên không có ắc quy để thay.

Không phải chỉ mình cô gặp tình huống này. Cô nói rằng pin giờ đây phải mua từ bên thứ ba và giá cao hơn cả giá xe sau khi trợ giá ban đầu. Cô đã nhiều lần cố gắng liên hệ với Thẩm Huy, Giám đốc điều hành của WM thông qua mạng xã hội, nhưng không thành công, vì vậy cô đành phải mua một chiếc ô tô chạy bằng xăng giá rẻ khác để đi lại và hy vọng một ngày nào đó WM có thể phục hồi.

Cô nói rằng lý do quan trọng khiến cô đặt hàng trước khi nhìn thấy chiếc xe thật là Weltmeister Motor đưa ra sự đảm bảo về tuổi thọ của pin. Ai có thể nghĩ rằng một ngày nào đó công ty này lại đứng bên bờ vực phá sản?

Sự đảo ngược kinh doanh của WM đến khá đột ngột. Công ty từng được đánh giá cao và từ năm 2018 đến nay, nó đã hai lần được xếp hạng trong số 5 công ty hàng đầu về đầu tư vào các dự án kinh doanh xe điện vào các năm 2020 và 2021. Các nhà đầu tư của nó bao gồm các ngân hàng quốc doanh lớn và các công ty công nghệ.

Khach hang tham quan gian hang BYD thang 4.png
Khách hàng tham quan gian hàng của BYD tại Triển lãm xe hơi Thượng Hải tháng 4/2023 (Ảnh: Xinhua).

Xu hướng thị trường đang thay đổi

Liệu xu hướng hợp nhất của thị trường xe điện Trung Quốc có tiếp tục? Dựa trên đà mua EV mạnh mẽ của người tiêu dùng nước này, khó có thể đưa ra kết luận. Theo dữ liệu mới nhất từ ​​Hiệp hội Thông tin Thị trường xe du lịch Trung Quốc, doanh số bán lẻ xe điện ở Trung Quốc đã tăng lên 580.000 chiếc trong tháng 5, nhưng vẫn chỉ chiếm 1/3 tổng lượng xe được giao.

Seibert, chuyên gia của JSC Automotive Consulting, dự báo các tính năng tự lái, tích hợp sẵn màn hình lớn, thậm chí cả hệ thống hát karaoke của làn sóng xe điện trước đây sẽ bị thay thế bằng tính an toàn, hiệu suất và độ bền. Sự thay đổi này có thể khiến các nhãn xe cũ như Volkswagen chiếm ưu thế. Ông nhấn mạnh "5 năm tới sẽ là thời kỳ quyết định sự tồn tại của các nhãn xe điện Trung Quốc".

China Business News đưa tin, thị trường xe điện ở Trung Quốc ngày càng cạnh tranh khốc liệt, nhiều nhà sản xuất ô tô mới nổi đang chịu áp lực và liên tục điều chỉnh chiến lược. Hãng tin dẫn lời một số người trong ngành phân tích rằng trong vài năm tới, thị trường ô tô sẽ phải đối mặt với một cuộc cạnh tranh đào thải khốc liệt. Trong đó, năm 2025 sẽ là mốc thời gian then chốt.

Theo Nhật báo Kinh tế