Trung Quốc đưa chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" sang thị trường chứng khoán

Chiến dịch "đả hổ đập ruồi" chống tham nhũng ở Trung Quốc đang chuyển hướng khi ông Tập Cận Bình "đả hổ"trong lĩnh vực chứng khoán. Trương Dục Quân, Phó chủ tịch Ủy ban Điều tiết chứng khoán TQ (CSRC) vừa bị cáo buộc vi phạm kỷ luật nghiêm trọng (thuật ngữ ám chỉ tham nhũng).
Việc “đả” Phó chủ tịch Ủy ban Điều tiết chứng khoán Trung Quốc CSRC Trương Dục Quân đã phát đi tín hiệu rằng chiến dịch chống tham nhũng đang tập trung đánh vào lĩnh vực tài chính
Việc “đả” Phó chủ tịch Ủy ban Điều tiết chứng khoán Trung Quốc CSRC Trương Dục Quân đã phát đi tín hiệu rằng chiến dịch chống tham nhũng đang tập trung đánh vào lĩnh vực tài chính

Trương là quan chức cấp cao nhất của hệ thống điều tiết tài chính Trung Quốc, gồm Ngân hàng Nhân dân, Ủy ban Điều tiết ngân hàng và Ủy ban Điều tiết chứng khoán. 

Theo ông Trang Đức Thủy, Phó chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu phòng chống tham nhũng thuộc Đại học Bắc Kinh, việc điều tra Trương một mặt cho thấy chiến dịch chống tham nhũng vẫn đang được tiến hành ráo riết và toàn diện trên nhiều lĩnh vực, mặt khác cũng thể hiện lĩnh vực tài chính đang là “trọng điểm mới” của chiến dịch này.

Trọng điểm mới của chiến dịch

Từ khi chiến dịch chống tham nhũng được phát động, đã có 4 quan chức thuộc hệ thống cơ quan điều tiết chứng khoán, tính cả Trương, bị điều tra. Điều này cho thấyông Tập Cận Bình "đả hổ" trong lĩnh vực chứng khoán. 

Ngày 31.7.2014, Giả Dân Tụ, cựu Phó thanh tra Cục Điều tiết chứng khoán tỉnh Sơn Tây thuộc CSRC, bị miễn chức, khai trừ đảng và đưa sang cơ quan tư pháp xử lý do có dấu hiệu phạm tội.

Ngày 1.12.2014, Trường Xuân Lượng, nguyên Cục trưởng Cục Bảo hộ nhà đầu tư thuộc CSRC, bị điều tra. Ngày 7.8.2015, Trường cũng bị miễn chức, khai trừ đảng và đưa sang cơ quan tư pháp xử lý do vi phạm  kỷ luật nghiêm trọng.  

Ngày 20.6. 2015, đến lượt Lý Chí Linh, nguyên Trưởng ban Phát hành cổ phiếu của CSRC bị miễn chức,đưa sang cơ quan tư pháp xử lý do kinh doanh chứng khoán bất hợp pháp và có dấu hiệu phạm pháp.

Ngày 16.9.2015, đến lượt Trương Dục Quân bị Tập Cận Bình “đả", theo trang tin của Ủy ban Kiểm tra, kỷ luật trung ương (CCDI). 

Ông Trang Đức Thủy nhận định chính sự biến động của thị trường chứng khoán trong 2 năm nay đã khiến chiến dịch “đả hổ đập ruồi” phải tập trung chú ý đến các cơ quan điều tiết chứng khoán.

Ngoài những quan chức của cơ quan điều tiết chứng khoán bị xử lý thì nhiều quan chức cấp cao của các công ty chứng khoán cũng bị sa lưới.

Từ cuối tháng 8.2015, Công ty chứng khoán Trung Tín CITIC đã có 8 lãnh đạo bị bắt điều tra về cáo buộc công ty này thao túng thị trường, giả mạo chứng từ và thực hiện “giao dịch ngầm” trái pháp luật, trong đó có 3 lãnh đạo cấp cao là 2 Giám đốc điều hành Từ Cương, Cát Hiểu Ba; Chủ nhiệm Ban quản lý thị trường tài chính Lưu Vỹ.

Sau đó, lại đến Tổng giám đốc CITIC Trình Bá Minh; người đứng đầu hoạt động môi giới Vu Tân Lực; Phó giám đốc Trung tâm công nghệ thông tin Uông Cẩm Lĩnh và nhiều cán bộ khác của công ty bị tiến hành điều tra.

Tính đến nay, đã có một nửa thành viên của Ban điều hành công ty CITIC bị điều tra.

Ông Mao Chiếu Huy, Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu tham nhũng và chính sách phòng chống (thuộc Đại học Nhân dân TQ) nhận định trong ngân hàng, bảo hiểm và chứng khoán -ba bộ phận lớn của lĩnh vực tài chính, thì chứng khoán là lĩnh vực có khả năng sinh lời cao nhất, vì vậy cũng dễ phát sinh tham nhũng, đặc biệt là tham nhũng ở mức độ nghiêm trọng.

Do đó, nếu muốn chỉnh đốn nền tài chính, chống tham nhũng phải đánh mạnh vào lĩnh vực chứng khoán, theo ông Mao.

Chống tham nhũng toàn diện từ công ty tới cơ quan quản lý

Là người luôn theo dõi hoạt động chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế TQ, ông Mao cho biết “đả hổ trong lĩnh vực tài chính” đã được chính quyền nước này thực hiện từ năm 2013.

Trong cuộc họp vào tháng 1.2013, CCDI nhấn mạnh “phải đánh cả hổ lẫn ruồi”, có thể thấy chiến dịch chống tham nhũng sẽ không chừa một ai.

Ông Mao nhận xét, theo những động thái gần đây, chiến dịch “đả hổ đập ruồi” hiện nhắm vào những quan chức cấp cao của các tỉnh, cũng như của các cơ quan quản lý tài chính.

Về lý do lĩnh vực tài chính trở thành “trọng điểm mới” trong chiến dịch chống tham nhũng, ông Mao cho rằng Bí thư CCDI Vương Kỳ Sơn đã từng có thời gian công tác trong hệ thống các cơ quan tài chính (từng làm việc tại Ngân hàng Nhân dân và Ngân hàng Xây dựng) nên hiểu rất rõ các quy định cũng như tiêu cực trong ngành. 

Do đó, việc Bí thư Vương chọn lĩnh vực tài chính để “đả hổ đập ruồi” cũng không có gì lạ.

Trong đợt điều chỉnh nhân sự mới vào tháng 3.2014, CCDI tăng biên chế thêm 12 cán bộ, trong đó có 4 người được điều đến Phòng kiểm tra kỷ luật số 4 (phụ trách kiểm tra ngành tài chính).

Ngay sau đợt điều chỉnh này, đã có nhiều quan chức ngành ngân hàng bị “ngã ngựa”.

Theo thống kê của phóng viên Nhật báo pháp chế (TQ), trong năm 2014 đã có tổng cộng 11 quan ngân hàng bị điều tra, trong đó có nhiều chủ tịch và giám đốc các ngân hàng. Dù có nhiều lãnh đạo ngân hàng sa lưới, nhưng điều bất thường là không hề có quan tham nào trong hệ thống cơ quan quản lý tài chính bị bắt. 

Vì vậy, công tác điều tra tham nhũng đã phải điều chỉnh lại, nhắm vào hệ thống các cơ quan quản lý tài chính, mà “phát pháo đầu tiên” chính là tiến hành điều tra Trường Xuân Lượng. 

Bắt đầu từ ngày 11.2.2015, cơ quan thanh tra TQ báo cáo hoàn thành việc kiểm tra các doanh nghiệp trọng điểm và các công ty tài chính.

Tính đến nay, đoàn kiểm tra trung ương cũng đã hoàn thành 2 lần thanh tra các cơ quan nhà nước cùng cơ quan quản lý tài chính trong năm 2015, nhưng danh sách các cơ quan, quan chức vi phạm vẫn chưa được công bố.

Đối với việc này, học giả Nhậm Kiến Minh thuộc Trung tâm Giáo dục và nghiên cứu tham nhũng (ĐH Hàng không Bắc Kinh) cho biết tài chính là một lĩnh vực đặc biệt, vì có ảnh hưởng lớn đến sự ổn định của xã hội và nền kinh tế toàn quốc. 

Tham nhũng trong lĩnh vực này “ẩn giấu rất sâu”, lực lượng tham nhũng phía sau cũng rất lớn khiến không có chính sách “vạn năng” nào có thể một lần xử lý hết, nên không thể bừa bãi “xuất kích”.

Do đó, nên tiến hành chống tham nhũng theo kiểu “vây đánh”, nghĩa là đầu tiên nên tiến hành xử lý các lĩnh vực liên quan, sau đó mới đánh vào tài chính, theo học giả Nhậm Tiến Minh.

Tuy nhiên, giáo sư Trang Đức Thủy thuộc ĐH Bắc Kinh lại cho rằng “chiến dịch chống tham nhũng đã tiến hành được 2 năm trên nhiều lĩnh vực, hiện tại cũng đã đến lúc đẩy mạnh chống tham nhũng trong lĩnh vực tài chính, cụ thể là chứng khoán. 

Cẩm Bình - Theo Sina, Một thế giới