Trung Quốc định lập Vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông, Mỹ phản đối mạnh mẽ

VietTimes - Truyền thông quốc tế cho biết Trung Quốc đang chuẩn bị lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông và giới chỉ huy cấp cao của quân đội Mỹ đã đưa ra cảnh báo mạnh mẽ.
Gần đây, Trung Quốc đã đưa các máy bay báo động sớm KJ-500 và chống ngầm KQ-200 ra đá Chữ Thập, được giới quan sát coi là bước chuẩn bị cho việc lập ADIZ (Ảnh:hotbak.net)
Gần đây, Trung Quốc đã đưa các máy bay báo động sớm KJ-500 và chống ngầm KQ-200 ra đá Chữ Thập, được giới quan sát coi là bước chuẩn bị cho việc lập ADIZ (Ảnh:hotbak.net)

Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều ngày 25/6, Đại tướng Charles Brown Jr, Tư lệnh Không quân Thái Bình Dương của Mỹ ngày 24/6 đã tuyên bố tại một hội nghị điện thoại định kỳ do Trung tâm Truyền thông Châu Á Thái Bình Dương Bộ Ngoại giao Mỹ tổ chức: nếu Trung Quốc thiết lập Vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông, họ sẽ vi phạm trật tự quốc tế và nguyên tắc tự do và cởi mở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

 Tướng Brown nói: "Nếu Trung Quốc định thiết lập Vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông, sẽ ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia và cũng vi phạm quyền tự do bay và hàng hải trước đây theo luật pháp quốc tế ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mà tôi đã nói trước đây”.

Tướng Charles Brown: nếu Trung Quốc thiết lập Vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông, họ sẽ vi phạm trật tự quốc tế và nguyên tắc tự do và cởi mở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương (Ảnh: Reuters).
Tướng Charles Brown: nếu Trung Quốc thiết lập Vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông, họ sẽ vi phạm trật tự quốc tế và nguyên tắc tự do và cởi mở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương (Ảnh: Reuters).

Ông Brown cũng nhấn mạnh: "Động thái này xâm phạm một số không phận quốc tế, không chỉ ảnh hưởng đến không quân Mỹ ở Thái Bình Dương, mà tất cả các nước bản địa cũng sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, chúng tôi bày tỏ mối quan tâm về những sự kiện như vậy là rất quan trọng”.

Ông chỉ trích Trung Quốc đã tiến hành "các hoạt động mang tính cơ hội" trong lúc các nước đang bận đối phó với đại dịch COVID-19 và "tiến hành ép buộc các nước láng giềng khi đề xuất các yêu sách bất hợp pháp về chủ quyền hàng hải".

Ông nhắc lại rằng Mỹ nỗ lực bảo vệ tự do hàng không và hàng hải trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và nguyên tắc giải quyết hòa bình mọi tranh chấp. Ông nói: "Một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở là một khu vực an toàn, thịnh vượng và tự do cho tất cả các quốc gia, có thể mang lại lợi ích cho tất cả các quốc gia và cho phép tất cả các quốc gia bay, đi thuyền và hoạt động theo luật pháp quốc tế”.

Máy bay báo động sớm KJ-500 của Trung Quốc (Ảnh: Sina).
Máy bay báo động sớm KJ-500 của Trung Quốc (Ảnh: Sina).

Được biết, các báo South China Morning Post của Hồng Kông và The Economist của Anh gần đây đều đưa tin, nói Trung Quốc có thể thiết lập Vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông.

Tờ South China Morning Post ngày 31/5 dẫn lời một quan chức PLA (quân đội Trung Quốc) nói rằng kế hoạch của Trung Quốc thiết lập khu vực nhận dạng phòng không ở Biển Đông đã bắt đầu từ năm 2010 và đã được mười năm, khu vực này bao gồm các quần đảo Đông Sa (Pratas), Hoàng Sa và Trường Sa. Nguồn tin quân sự này tiết lộ rằng Trung Quốc hy vọng chờ thời điểm thích hợp để công bố.

Mới đây nhất, trong một cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào ngày 22/6, khi một phóng viên hỏi về vấn đề này. Ông Triệu Lập Kiên, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã trả lời rằng, mỗi quốc gia đều có quyền hoạch định các khu vực nhận dạng phòng không và quyết định có hay không thành lập các khu vực nhận dạng phòng không dựa trên mức độ đe dọa an ninh hàng không mà nước này phải đối mặt. Ông ta nói: “Phía Trung Quốc sẽ căn cứ các mối đe dọa an ninh hàng không phải đối mặt ở vùng biển có liên quan của Biển Đông và xem xét tổng hợp các nhân tố các mặt liên quan và thận trọng nghiên cứu vấn đề liên quan”.

Máy bay ném bom chiến lược tầm xa B-1B của Mỹ bay tuần tra trên Biển Đông (Ảnh: Xinghuozk).
Máy bay ném bom chiến lược tầm xa B-1B của Mỹ bay tuần tra trên Biển Đông (Ảnh: Xinghuozk).

Cũng theo Đa Chiều, một nguồn tin quân đội khác nói: "Bắc Kinh đã không thể tuyên bố việc thành lập ADIZ ở Biển Đông trong quá khứ do cân nhắc về kỹ thuật, chính trị và ngoại giao."

Lý Kiệt, một Đại tá quân đội nghỉ hưu, chuyên gia quân sự Hải quân ở Bắc Kinh nói: “Trong những trường hợp bình thường, các nước sẽ chờ thời điểm chín muồi để tuyên bố thành lập ADIZ; các điều kiện bao gồm có đầy đủ thiết bị phát hiện cần thiết, khả năng chiến đấu và các cơ sở hạ tầng đồng bộ để quản lý ADIZ”.

Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan hôm 4/5 cho biết ông đã nhận ra Trung Quốc đại lục có kế hoạch như vậy. Ngoài ra, tờ South China Morning Post dẫn lời Lu Li-Shih, cựu giảng viên của Học viện Hải quân Cao Hùng, Đài Loan nói, việc xây dựng hệ thống phòng không và radar của Đại lục đã diễn ra trong nhiều năm, bao gồm trên các đá san hô Chữ Thập, Subi và Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam mà họ đã chiếm giữ phi pháp và cải tạo thành đảo nhân tạo.

Việc Trung Quốc đưa máy bay quân sự tới đảo nhân tạo Chữ Thập là bước quan trọng trong quân sự hóa Biển Đông gây nên quan ngại của quốc tế (Ảnh: hotbak)
Việc Trung Quốc đưa máy bay quân sự tới đảo nhân tạo Chữ Thập là bước quan trọng trong quân sự hóa Biển Đông gây nên quan ngại của quốc tế (Ảnh: hotbak)

Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington và hình ảnh vệ tinh thu được, cho thấy Trung Quốc đã triển khai máy bay cảnh báo sớm phòng không KJ-500, hệ thống kiểm soát máy bay và máy bay tuần tra chống ngầm KQ-200 tại đá Chữ Thập.

Tuy nhiên, South China Morning Post cũng trích dẫn quan điểm của các chuyên gia cho rằng nếu Bắc Kinh định tuyên bố thành lập ADIZ ở Biển Đông, họ sẽ làm gia tăng căng thẳng quan hệ với Washington và gây ra những rạn nứt không thể khắc phục trong quan hệ với các nước láng giềng. Báo này cho rằng, Bắc Kinh có thể vẫn thận trọng trước phản ứng có thể xảy ra của Washington và các nước láng giềng Đông Nam Á.