Dưới đây là nội dung chính của bài viết:
Kịch bản 1: ADIZ trên Quần đảo Hoàng Sa
Năm 1996, Trung Quốc đã tuyên bố các đường cơ sở xung quanh quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông. Bên cạnh đó, Điều khoản 2 trong Luật Thềm lục địa và Vùng đặc quyền kinh tế Trung Quốc năm 1998 qui định rằng Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của nước này kéo dài “200 hải lý tính từ đường cơ sở”.
Căn cứ theo những văn bản pháp lý này, người ta có thể thấy rằng Trung Quốc tuyên bố khu vực rộng 200 hải lý xung quanh quần đảo Hoàng Sa là thuộc EEZ và thềm lục địa của nước này. Do đó, khả năng ADIZ của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa có thể mở rộng ra ngoài vùng trời phía trên vùng lãnh hải rộng 12 hải lý mà Bắc Kinh tuyên bố xung quanh quần đảo này bao phủ toàn bộ khu vực EEZ và thềm lục địa do Trung Quốc tuyên bố quanh Hoàng Sa mà Trung Quốc đang chiếm giữ trái phép của Việt Nam.
Một ADIZ như thế có lẽ sẽ chồng lấn với không phận phía trên các EEZ và thềm lục địa của Việt Nam và Philippines. Đồng thời, ADIZ của Trung Quốc có thể cũng chồng lấn các Vùng thông tin bay (FIR) của Thành phố Hồ Chí Minh, Manila hay một số thành phố khác. ADIZ trên Hoàng Sa sẽ là một sự khẳng định chủ quyền phi pháp của Trung Quốc không chỉ đối với quần đảo này, mà còn đối với khu vực EEZ rộng 200 hải lý và thềm lục địa quanh Hoàng Sa, đồng thời có thể giúp Trung Quốc kiểm soát các hoạt động không lưu ở phía Bắc Biển Đông.
Kịch bản 2: ADIZ trên Quần đảo Trường Sa
Quần đảo Trường Sa trên Biển Đông là đối tượng tranh chấp chủ quyền của “5 nước-6 bên” (gồm 5 quốc gia Việt Nam, Brunei, Trung Quốc, Malaysia và Philippines cùng với Đài Loan). Trung Quốc có thể thiết lập một ADIZ trên Trường Sa nhằm củng cố các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với quần đảo này. Trong Công hàm CML/8/2011 đề ngày 14/4/2014, Trung Quốc khẳng định một cách dứt khoát rằng ADIZ sẽ giúp Trung Quốc khẳng định quan điểm đó. Tuy nhiên, Trung Quốc cần phải “cân nhắc điều hay lẽ dở” trước khi thiết lập một ADIZ trên quần đảo Trường Sa. Thứ nhất, một vùng nhận dạng phòng không như thế có thể chồng lấn lên FIR của Thành phố Hồ Chí Minh, Manila, Singapore và Kota Kinabalu (Malaysia), do đó có thể dẫn tới những chỉ trích mạnh mẽ từ phía Việt Nam, Philippines, Singapore và Malaysia. Bên cạnh đó, do Trường Sa lại nằm tại một khu vực có ý nghĩa chiến lược về hàng hải và hàng không, nên ADIZ của Trung Quốc sẽ đối mặt với sự chỉ trích kịch liệt của nhiều quốc gia khác, những nước có lợi ích hàng không trong khu vực này.
Hiện cũng có một vấn đề mang tính kỹ thuật đối với việc thiết lập ADIZ trên Biển Đông. Để thiết lập các tọa độ chính xác của ADIZ, Trung Quốc cần phải tuyên bố vùng lãnh hải xung quanh quần đảo Trường Sa hoặc quanh một thực thể nào đó thuộc quần đảo này. Tuy nhiên, một tuyên bố như thế sẽ dẫn tới một cuộc tranh cãi khác sau khi đã có những chỉ trích gay gắt nhằm vào hoạt động bồi đắp và xây dựng mới đây của Trung Quốc trên các thực thể ở Trường Sa của Việt Nam. Hơn nữa, Hải quân Mỹ đã triển khai tàu khu trục USS Lassen đi vào bên trong khu vực 12 hải lý xung quanh các thực thể mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Trường Sa để chứng tỏ nguyên tắc tự do hàng hải tại các vùng biển quốc tế.
Kịch bản 3: ADIZ trên “Đường lưỡi bò”
Trong Công hàm CML/17/2009 đề ngày 7/5/2009, Trung Quốc chính thức tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông trong “đường lưỡi bò” (đường 9 đoạn), được coi là cơ sở cho các ADIZ tiềm tàng của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy vậy, ADIZ trên đường lưỡi bò sẽ không thích hợp bởi chính “đường 9 đoạn” là thứ mơ hồ và phi lý. Trung Quốc chưa hề giải thích các cơ sở pháp lý cho “đường 9 đoạn” và cũng không công khai các tọa độ địa lý chính xác của “đường 9 đoạn”. Nếu Trung Quốc tuyên bố thiết lập ADIZ trên “đường 9 đoạn”, Bắc Kinh cần công bố các tọa độ chính xác vì máy bay nước ngoài phải tuân thủ các qui định trong ADIZ của Trung Quốc, điều mâu thuẫn với chính sách "mập mờ" của Trung Quốc. Và nếu theo tấm bản đồ “đường 9 đoạn” mà Bắc Kinh gửi đính kèm Công hàm CML/17/2009, một ADIZ trên “đường 9 đoạn” sẽ chồng lấn với các FIR của Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hong Kong, Manila, Singapore và Kota Kinabalu (Malaysia). Do vậy, giống với ADIZ thiết lập trên quần đảo Trường Sa, ADIZ trên “đường 9 đoạn” sẽ vấp phải sự chỉ trích của những bên đang có trách nhiệm điều hành các FIR trên Biển Đông.
Thêm vào đó, “đường 9 đoạn” cũng bị chỉ trích bởi một quốc gia không có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông như Indonesia, nên một hành động nữa liên quan tới tuyên bố chủ quyền sẽ phải đối mặt với sự lên án mạnh mẽ hơn của Jakarta. Đây sẽ là 1 thách thức pháp lý nữa đối với Trung Quốc mà Philippines sẽ đưa ra tại Tòa Trọng tài Thường trực ở The Hague (Hà Lan), chiểu theo Phụ lục VII Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS). Cho dù Trung Quốc nhiều lần bác bỏ thẩm quyền của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) trong vụ kiện của Philippines, Bắc Kinh sẽ không tiến hành bất kỳ hành động gây hấn mới nào liên quan tới “đường 9 đoạn”. Bất chấp lập trường của Bắc Kinh rằng phán quyết của PCA “không có tính ràng buộc pháp lý đối với Trung Quốc”, song nước này được cho là sẽ hoãn tuyên bố thiết lập ADIZ bên trên “đường 9 đoạn” cho tới khi PCA đưa ra phán quyết cuối cùng.
Tóm lại, dù Trung Quốc dường như đã sẵn sàng tuyên bố thiết lập một ADIZ trên Biển Đông, song Bắc Kinh cần cân nhắc vấn đề “thiệt-hơn” khi thiết lập. Kịch bản dễ xảy ra nhất sẽ là Trung Quốc tuyên bố thiết lập ADIZ trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Theo Báo Tin tức