Trung Quốc: CPI thấp làm dấy lên quan ngại về giảm phát

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Lạm phát tiêu dùng rất thấp của Trung Quốc cùng giá sản xuất giảm trong tháng 5 tiếp tục làm dấy lên nhiều lo ngại về rủi ro giảm phát và cũng chỉ ra quan ngại về nhu cầu yếu.

Chỉ số PPI của Trung Quốc giảm 4,6% trong tháng 5 (Ảnh: SCMP)
Chỉ số PPI của Trung Quốc giảm 4,6% trong tháng 5 (Ảnh: SCMP)

Lạm phát tiêu dùng rất thấp của Trung Quốc cùng giá sản xuất giảm trong tháng 5 tiếp tục làm dấy lên nhiều lo ngại về rủi ro giảm phát và cũng chỉ ra quan ngại về nhu cầu yếu.

Cuộc tranh luận về rủi ro giảm phát cũng là một phép thử đối với các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc, khi họ ngày càng bị hối thúc phải đưa ra biện pháp hỗ trợ tài chính mạnh mẽ hơn, bao gồm giảm lãi suất và kích thích tài chính, nhằm củng cố sức mạnh nền kinh tế.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,2% trong tháng 5, so với năm trước đó, trong khi mức tăng trong tháng 4 là 0,1%, theo dữ liệu mà Cục Thống kê Quốc gia (NBS) công bố ngày 9/6. Con số này thấp hơn so với mức dự báo là 0,3%. Sau khi CPI Trung Quốc tăng trưởng 2% trong năm ngoái, Bắc Kinh đã đặt mục tiêu tăng trưởng CPI khoảng 3% trong năm 2023.

Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất (PPI), phản ánh sự thay đổi giá hàng hoá được bán bởi các nhà sản xuất, giảm 4,6% trong tháng 5, so với cùng kỳ năm ngoái, ít hơn so với mức giảm 3,6% trong tháng 4. Dữ liệu này cho thấy chỉ số PPI cũng thấp hơn con số kỳ vọng.

“Lạm phát CPI của Trung Quốc vẫn gần mức 0 trong tháng 5. Nguy cơ giảm phát vẫn còn”, Zhang Zhiwei, trưởng kinh tế gia đến từ hãng Pinpoint Asset Management, cho hay. “Các chỉ số kinh tế gần đây gửi đi tín hiệu rằng nền kinh tế đang giảm nhiệt. Chính phủ vẫn chưa phát tín hiệu rõ ràng về khả năng kích thích chính sách”.

Giá thực phẩm của Trung Quốc đã tăng 1% trong tháng 5, so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi mức tăng của tháng 4 là 0,4%. Các chỉ số giá phi thực phẩm vẫn ổn định trong tháng trước, so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi tăng 0,1% trong tháng 4.

Giá thịt lợn, mặt hàng chủ lực phổ biến trên các bàn ăn ở Trung Quốc, đã giảm 3,2% trong tháng 5, so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá hoa quả tăng 3,4% và giá rau củ giảm 1,7%.

Lạm phát tiêu dùng cơ bản của Trung Quốc, trừ giá thực phẩm và năng lượng, tăng 0,6% trong tháng 5, so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng giảm so với mức tăng 0,7% trong tháng 4.

“Trong tháng 5, nhu cầu của người tiêu dùng tiếp tục phục hồi, thị trường vận hành suôn sẻ, trong đó CPI giảm hàng tháng và tăng nhẹ so với một năm trước đó”, chuyên gia thống kê cấp cao Dong Lijuan đến từ NBS, cho hay.

“Trong tháng 5, giá hàng hoá quốc tế nói chung đã giảm, trong khi nhu cầu thị trường công nghiệp trong và ngoài nước suy yếu, cùng với cơ sở so sánh cao so với cùng kỳ năm ngoái, PPI tiếp tục suy giảm nếu xét cả theo tháng lẫn theo năm”, ông nói.

Theo SCMP