Viện Nghiên cứu Phòng vệ, Bộ Quốc phòng Nhật Bản vừa công bố “Báo cáo an ninh Trung Quốc 2016” gồm 4 chương, phân tích, đánh giá về hiện trạng, triển vọng của lực lượng hải quân, không quân, tên lửa Trung Quốc và chiến lược tăng cường năng lực tác chiến tổng hợp của quân đội Trung Quốc.
1. Hải quân Trung Quốc: Hiện đang trong giai đoạn 3: i) 1950 - 1970: phòng vệ ven bờ, chuyển dần sang phòng vệ cận hải; ii) 1980 - 2000: phòng vệ cận hải; iii) từ đầu năm 2000 tới nay: duy trì phòng vệ cận hải, đẩy mạnh phòng vệ biển xa. Với sự phát triển kinh tế nhanh chóng, việc đảm bảo tuyến đường biển, bảo đảm khai thác tài nguyên đáy biển, bảo vệ lợi ích trên biển của Trung Quốc ngày càng trở nên quan trọng. Tám nhiệm vụ quan trọng của hải quân Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay là: (1) tham gia tác chiến quy mô lớn mang tính chiến lược; nếu xảy ra chiến tranh, khóa chặt vùng biển và bầu trời, ngăn chặn kẻ thù lớn can thiệp, giữ quyền chủ động hoàn toàn, chi phối chiến cuộc, giành thắng lợi giữ vững sự thống nhất đất nước;
(2) ngăn chặn xâm lược quân sự từ trên biển. Dự báo tương lai kẻ thù sẽ tấn công Trung Quốc bằng vũ khí chính xác cự ly trung, trường nên hải quân cần tiến ra biển xa, tấn công phủ đầu chiến lược; (3) bảo vệ chủ quyền và quyền lợi biển đảo. Trung Quốc cho rằng 1,5 triệu km2 biển và hơn 50 đảo đang bị nước ngoài chiếm đóng; (4) đảm bảo giao thông, vận tải trên biển; (5) bảo vệ quyền lợi quốc gia, người dân ở nước ngoài; (6) phản kích ngăn chặn bằng vũ khí hạt nhân; (7) chi viện cho chiến đấu trên bộ; (8) bảo vệ an ninh biển quốc tế.
Triển vọng hải quân Trung Quốc: trong thời gian tới, hải quân Trung Quốc sẽ tăng cường hiện đại hóa nhằm thực hiện 3 mục tiêu chính: (1) bảo đảm vị thế có lợi trong tranh chấp lãnh hải, lợi ích trên biển thông qua tăng cường hiện diện, xây dựng năng lực chế áp trên biển, chế áp trên không trong trường hợp xảy ra xung đột. Có thể Trung Quốc sẽ tăng cường sản xuất tàu hộ tống nhỏ (corvette) lớp Giang Đảo tương đối rẻ tiền để tăng cường tuần tra biển gần, đồng thời tăng cường máy bay chiến đấu hiện đại, máy bay cảnh báo sớm, máy bay tiếp dầu, với phía Nam Trường Sa, sẽ dùng tàu sân bay để chi viện đường không, có thể sẽ đẩy nhanh chế tạo tàu đổ bộ lớp 081, lớn hơn lớp 071; (2) tăng cường khả năng ngăn chặn quân Mỹ.
Mỹ có thể can thiệp quân sự vào Đài Loan hoặc Philippines nên Trung Quốc cần ngăn chặn được Mỹ can thiệp. Biện pháp đầu tiên là tăng cường khả năng răn đe hạt nhân, Trung Quốc sẽ tìm cách cho tàu ngầm hạt nhân lớp Tấn tiến ra Thái Bình Dương để có thể tấn công Mỹ bằng tên lửa JL-2, đồng thời phát triển tàu ngầm mới êm hơn, tên lửa tầm bắn xa hơn; triển khai khu trục hạm Lữ Dương III chống máy bay trên hạm Mỹ; tăng cường năng lực thu thập thông tin, trinh sát, cảnh báo sớm bằng máy bay không người lái; phát triển tên lửa không đối hạm mới chống tàu Mỹ; (3) bảo vệ lợi ích của Trung Quốc ở nước ngoài. Theo đó tăng cường hoạt động ở biển xa, mở rộng cả lượng và chất sự hiện diện ở Ấn Độ Dương; có thể sẽ bố trí tàu sân bay tự chế tại Ấn Độ Dương trong tương lai để đảm bảo đường biển và uy hiếp Ấn Độ từ biển; đồng thời tăng cường năng lực chống ngầm.
Về tổng thể, Trung Quốc sẽ tăng cường mọi mặt hải quân. Tuy nhiên, do kinh tế giảm tốc, tài lực sẽ bị hạn chế nên Trung Quốc sẽ phải xem xét ưu tiên cho phòng vệ cận hải hay biển xa (cho máy bay chống ngầm cánh cố định để phòng vệ biển gần hay tàu sân bay cho phòng vệ biển xa).
2. Không quân Trung Quốc: Với sức mạnh tăng cường, nhập khẩu và tự phát triển thiết bị, không quân Trung Quốc đang chuyển chiến lược từ phòng vệ lãnh thổ sang “công phòng kiêm bị”, bao quát không gian rộng hơn lãnh thổ, tăng cường năng lực phòng không cơ động, tiến tới “không gian - vũ trụ nhất thể, công phòng kiêm bị”. Đặc biệt, tăng cường năng lực cảnh báo sớm, trinh sát, chế áp đường không, vận tải cự ly xa, tăng cường năng lực tấn công tầm xa chính xác bằng tên lửa. Không quân Trung Quốc tăng cường hoạt động ở Tây Thái Bình Dương, Trường Sa, xây dựng đường băng ở Trường Sa. Lý do không quân Trung Quốc thay đổi là do cách mạng khoa học công nghệ quân sự, cán cân không lực với Đài Loan và chiến lược tiến ra biển.
Trung Quốc tăng cường hiện đại hóa không quân, từ năm 1990 đến năm 2010, loại 70 máy bay chiến đấu cũ, tăng cường máy bay cảnh báo sớm (KJ-2000 và Y-8 cải tiến); tăng cường máy bay vận tải cỡ lớn và máy bay tiếp dầu, tăng bán kính hoạt động cho Su-30MKK và KJ-2000 lên gấp 2 lần, đẩy mạnh máy bay không người lái.
Về triển vọng, có lẽ Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy chiến lược “không gian - vũ trụ nhất thể, công phòng kiêm bị” trong 10 năm tới; chú trọng công nghệ tàng hình, không người lái, trí tuệ nhân tạo, vũ khí tấn công chính xác tầm xa. Theo Jiji Press, tới năm 2030, Trung Quốc sẽ tăng cường hoạt động tại Tây Thái Bình Dương, phát triển máy bay ném bom cỡ lớn mới, máy bay tấn công không người lái, tên lửa phòng không tầm siêu cao, tên lửa không đối hạm cao tốc. Không quân Trung Quốc sẽ phát triển theo các hướng: (1) khắc phục các nhược điểm trước đây, hướng tới tiêu chuẩn Mỹ đối với các máy bay tấn công, máy bay phòng vệ, máy bay hỗ trợ 2:1:1; đặc biệt gấp rút phát triển máy bay vận tải cỡ lớn Y-20, máy bay trinh sát, cảnh báo sớm; (2) tăng cường năng lực tấn công, phát triển J-20, máy bay tấn công không người lái tầm xa, bố trí tên lửa siêu âm CX-1; (3) tăng cường năng lực phòng không, phòng thủ tên lửa, phát triển ra-đa có thể phát hiện máy bay tàng hình; (4) trong tương lai xa, xây dựng năng lực tấn công, phòng thủ trong vũ trụ.
3. Lực lượng tên lửa Trung Quốc: Răn đe hạt nhân và phản kích hạt nhân. Từ những năm 1990, do sự phát triển của vũ khí siêu vượt âm tấn công nhanh toàn cầu (đặc biệt là Mỹ), Trung Quốc cần xem xét lại chiến lược hạt nhân và nâng cấp lực lượng hạt nhân. Nội bộ Trung Quốc đang thảo luận có nên tiếp tục giữ nguyên tắc không tấn công trước hay cho phép hủy bỏ kèm điều kiện. Sách trắng quốc phòng 2012 không có cụm từ “không tấn công trước”. Lý do nêu ra là: (i) cản trở chính sách răn đe mềm dẻo; (ii) không cần áp dụng do các căn cứ hạt nhân có thể bị tấn công bằng vũ khí thông thường chính xác cao; (iii) không cần áp dụng nếu nước ngoài can thiệp quy mô lớn vào Đài Loan. Tuy nhiên, việc hủy bỏ nguyên tắc này không đơn giản do sẽ phát sinh chi phí rất lớn. Đồng thời, trong thời gian tới, Trung Quốc cần tăng cường khả năng sống sót cho tên lửa hạt nhân và tăng khả năng cảnh báo sớm và khả năng phá vỡ hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương.
Trung Quốc tăng cường phát triển tên lửa thông thường, áp dụng học thuyết “đánh chiếm tiên cơ, đột kích trọng điểm”, tiến công phủ đầu trước các lực lượng khác, đánh địch lúc bất ngờ, không phòng bị. Trong đánh chiếm đảo, tên lửa cũng là chìa khóa để chế áp hàng không trước khi hải quân đổ bộ. Trung Quốc cũng chú trọng tăng cường độ chính xác cao của tên lửa nhằm chống tiếp cận (A2AD). Trung Quốc cũng phát triển và tăng cường trang bị tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình.
Về triển vọng lực lượng tên lửa Trung Quốc, vừa tăng cường chất lượng vũ khí hạt nhân, Trung Quốc tăng cường cả về lượng và chất tên lửa thông thường. Trong 10 năm tới, phương hướng phát triển của Lực lượng pháo binh 2 của Trung Quốc như sau: (1) bố trí DF-41; cải thiện chất lượng tàu ngầm nguyên tử chiến lược, phát triển máy bay ném bom chiến lược mới; (2) tăng cường phát triển tên lửa đạn đạo thông thường tầm trung (do tầm ngắn đã đủ số lượng); (3) tăng cường phối hợp, nhất thể hóa tên lửa hạt nhân và tên lửa thông thường; (4) nghiên cứu tăng độ chính xác của tên lửa Trung Quốc, giảm độ chính xác của tên lửa đối phương, phát triển vũ khí tấn công siêu vượt âm HGV; (5) điều chỉnh sự tham gia của Lực lượng pháo binh 2 khi tác chiến hỗn hợp như thế nào vì hiện nay Pháo binh 2 chịu sự chỉ huy trực tiếp của Quân ủy Trung ương.
4. Tăng cường năng lực tác chiến hỗn hợp: Giành thắng lợi cuộc chiến cục bộ trong điều kiện thông tin hóa. Theo đó, mục tiêu chiến đấu chủ yếu là dùng vũ khí chính xác cao tập trung phá hủy trái tim của hệ thống quân sự địch như máy móc chỉ huy, trung tâm chỉ huy, trung tâm thông tin… nhằm phá hủy năng lực chiến đấu của địch.
Nâng cao năng lực tác chiến một cách hệ thống. Trung Quốc tập trung nghiên cứu 5 lĩnh vực: (1) hệ thống trinh sát, cảnh báo sớm, kết nối hệ thống trinh sát của hải, lục, không quân và hàng không vũ trụ; (2) hệ thống chỉ huy, điều hành dựa trên công nghệ thông tin; (3) hệ thống hỏa lực dựa trên máy tính, thông tin số hóa và ra-đa, khai thác tối đa hiệu quả vũ khí, trang bị; (4) hệ thống đối kháng mạng, đối kháng điện từ; (5) hệ thống chi viện tổng hợp, sử dụng vệ tinh, máy tính để đo đạc, quan trắc, khí tượng … hỗ trợ hệ thống tác chiến tổng hợp.
Với chiến lược nêu trên, Trung Quốc sẽ ảnh hưởng lớn tới an ninh khu vực Đông Á trong 2 điểm lớn sau: (1) với sức mạnh quân sự tăng lên, Trung Quốc vẫn tiếp tục sử dụng biện pháp hòa bình, bình đẳng đối thoại với các nước láng giềng có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải hay sẽ sử dụng, đe dọa sử dụng sức mạnh quân sự; (2) làm rối loạn trật tự an ninh Đông Á với hành vi ngăn chặn, trở ngại tàu chiến, máy bay Mỹ, bố trí tàu ngầm hạt nhân chiến lược mới ở Trường Sa. Trật tự an ninh Đông Á hiện nay dựa trên sự hiện diện của quân Mỹ, nếu Mỹ tăng cường hành động sẽ gây căng thẳng Mỹ-Trung.
Báo cáo lần này tập trung phân tích về 3 lực lượng hải quân, không quân, tên lửa Trung Quốc, nhấn mạnh Trung Quốc đang tập trung phát triển 3 lực lượng này nhằm thúc đẩy chiến lược tiến ra biển, chống tiếp cận, giành thắng lợi trong cuộc chiến cục bộ. Nhật Bản cũng quan tâm việc Trung Quốc tăng cường năng lực đánh chiếm đảo. Báo cáo tỏ lo ngại chiều hướng phát triển của quân đội Trung Quốc, đặc biệt 3 lực lượng nêu trên sẽ gây ảnh hưởng tới trật tự an ninh khu vực.