Trung Quốc “bớt húng” chi tiêu quân sự do gặp khó kinh tế

Trong bối cảnh kinh tế ngày càng nhiều khó khăn, Trung Quốc buộc phải giảm bớt mức tăng chi tiêu quân sự trong năm nay, đúng vào lúc chủ tịch Tập Cận Bình muốn tiến hành một cuộc cải tổ sâu rộng nhất từ nhiều thập niên qua trong quân đội nước này.
Kinh tế khó khăn đã buộc Trung Quốc phải cắt giảm chi tiêu quân sự
Kinh tế khó khăn đã buộc Trung Quốc phải cắt giảm chi tiêu quân sự

Theo bản báo cáo về ngân sách được công bố ngày 5/3, tại buổi khai mạc kỳ họp của quốc hội Trung Quốc, Bắc Kinh dự trù là chi tiêu quân sự của nước này trong năm 2016 sẽ tăng 7,6%, mức tăng thấp nhất từ một thập kỷ qua.

Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc trong năm 2016 sẽ là khoảng 954 tỷ nhân dân tệ (146 tỷ USD). Con số này cho thấy là sau nhiều năm liên tục gia tăng mạnh ngân sách để hiện đại hóa Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, gây lo ngại cho các nước láng giềng, nay Bắc Kinh  phải giảm bớt nhịp điệu tăng chi tiêu quân sự. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc vẫn tăng với tỷ lệ trên 10%, chẳng hạn như năm ngoái  đã tăng 10,1% lên đến hơn 886 tỷ nhân dân tệ.

Tờ Hoàn Cầu biện minh rằng giảm mức tăng quân sách quốc phòng là phù hợp với «nhu cầu kinh tế». Tờ báo này biện bạch rằng chính phủ Trung Quốc «không muốn gây khó chịu cho các quốc gia khác và gây ra một cuộc chạy đua vũ trang». Hoàn Cầu còn nói thêm rằng về đối nội chính phủ cũng «không muốn làm cho người dân lo lắng, như thể là sắp xảy ra xung đột quân sự lớn».

Nhưng chính Tân Hoa Xã hôm 5/3 nhìn nhận rằng, mức tăng của chi tiêu quân sự chậm lại như vậy là do tình hình kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn ngày càng nhiều và cũng do quân đội Trung Quốc sẽ phải cắt giảm mạnh quân số.

Chủ tịch Tập Cận Bình, với tư cách tổng tư lệnh tối cao của quân đội, vào tháng 9/2015 đã thông báo cắt giảm 300.000 quân, trên tổng quân số 2,3 triệu người của quân đội Trung Quốc, quân đội lớn nhất thế giới hiện nay. Việc cắt giảm quân số là nằm trong khuôn khổ một kế hoạch cải tổ sâu rộng nhất trong quân đội Trung Quốc từ nhiều thập kỷ qua.

Kế hoạch do ông Tập Cận Bình đề ra chủ yếu là nhằm thống nhất các bộ tư lệnh binh chủng hải, lục, không quân và lực lượng tên lửa trong một bộ chỉ huy hỗn hợp theo kiểu của Mỹ, để quân đội này có thể bảo vệ tốt hơn chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc và lợi ích của quốc gia này ở nước ngoài.

Phát biểu ngày 5/3 tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội Trung Quốc, thủ tướng Lý Khắc Cường cũng đã nêu lên các yêu cầu đối với quân đội nước này, đó là phải đẩy mạnh hiện đại hóa và đi theo đúng các chuẩn mực của quốc tế, đồng thời bảo đảm vững chắc an ninh cho Nhà nước. Nhưng ông Lý Khắc Cường cũng không quên nhấn mạnh đến «nguyên tắc căn bản», đó là đảng nắm vai trò lãnh đạo tuyệt đối quân đội.

Tuy mức tăng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc có chậm lại trong năm nay, nhưng Bắc Kinh tuyên bố sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh hải và các quyền của nước này trên biển, giữa lúc tranh chấp Biển Đông ngày càng gay gắt và căng thẳng khu vực gia tăng do việc Trung Quốc đẩy mạnh quân sự hóa các đảo nhân tạo.