Trang tin Hoa ngữ Đa Chiều ngày 23/4 đã đăng bài với tựa đề “Có phải Trung Quốc đã chiến thắng dịch bệnh nhưng lại thua thế giới” bàn về vấn đề này.
Bài báo viết, mặc dù Trung Quốc trong nước vẫn phải đối mặt với nguy cơ dịch bệnh COVID-19 từ nước ngoài xâm nhập, nhưng xét về tổng thể, việc phòng ngừa và kiểm soát của Trung Quốc đã đạt được kết quả khá rõ ràng. Đến ngày 21/4 số người bị bệnh chỉ còn 1.651; số lượng các ca bệnh mới tiếp tục ít hơn số ca được chữa khỏi, việc phục hồi lao động và sản xuất đã được triển khai toàn diện. Tuy nhiên, khi mà cuộc sống của người dân Trung Quốc đang dần trở lại cảnh bình thường trước khi xảy ra dịch bệnh, sự lây lan của dịch bệnh toàn cầu đã đưa hình ảnh của Trung Quốc lâm vào một cục diện bị động khác thường.
Hơn 2,5 triệu người trên thế giới đã bị mắc COVID-19, tình hình dịch ở Mỹ và châu Âu nghiêm trọng nhất (Ảnh: Reuters)
|
Gần đây, khi Hoa Kỳ bắt đầu khuyến khích các lời lẽ chống Trung Quốc, bao gồm “đòi Trung Quốc bồi thường”, không chỉ dấy lên sự suy đoán về “virus Made in China”, mà tất cả các nghi ngờ về vật tư y tế, dữ liệu dịch bệnh và các biện pháp phòng ngừa của Trung Quốc thời kỳ đầu được dồn vào Trung Quốc; trở thành các mối đe dọa về hình ảnh quốc tế và thậm chí ngoại giao. Vào ngày 20/4, tin tức về khoảng 10.000 công dân từ 40 quốc gia bao gồm Mỹ, Anh đã... đệ đơn tiến hành vụ kiện tập thể chống lại chính phủ Trung Quốc, dường như đã xác nhận rằng nhiều quốc gia trên thế giới đang tiến hành điều tra và đòi bồi thường chống lại Trung Quốc.
Hiện tại, trong cuộc thảo luận của các quốc gia muốn Trung Quốc chịu trách nhiệm về dịch bệnh; dư luận nước ngoài chủ yếu tập trung vào 3 điểm. Thứ nhất, nhiều quốc gia đã khởi xướng một cuộc điều tra về việc Trung Quốc ứng phó với dịch bệnh. Thứ hai, nhiều nước đã muốn rút chuỗi công nghiệp về vì họ cảnh giác với Trung Quốc. Thứ ba, tranh cãi về vụ phân biệt chủng tộc đối với người châu Phi ở Quảng Đông, Trung Quốc.
Qua xem xét rất nhiều dư luận tiêu cực, không chỉ Mỹ, có vẻ như các nước vốn có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc đang xem xét “thanh toán” Trung Quốc trong dịch bệnh, “tách rời” Trung Quốc trong thương mại và giữ khoảng cách với Trung Quốc trong quan hệ ngoại giao. Tuy nhiên, theo Đa Chiều, “đã có sự nhầm lẫn có chủ ý hoặc vô ý và sự liên tưởng một số vấn đề trong một số thông tin, cần được thảo luận với một cách nhìn tỉnh táo hơn”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump là người đi đầu trong làn sóng chỉ trích Trung Quốc trong dịch bệnh COVID-19 (Ảnh: AP).
|
“Điều tra virus” hay “điều tra Trung Quốc”
Sau khi sự bùng nổ dịch bệnh tại Mỹ và các nước châu Âu, những phát biểu về việc truy trách nhiệm Trung Quốc liên tục tăng lên. Vào ngày 18/4, các thành viên của đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ đã ký dự luật “Americans Act of 2020” cho phép người Mỹ kiện chính phủ Trung Quốc về dịch bệnh COVID-19. Sau đó, các nhà lập pháp đảng Cộng hòa đã đưa ra một dự luật hỗ trợ, “Stop China-Originated Viral Infectious Diseases (COVID) Act” (Đạo luật ngăn chặn bệnh truyền nhiễm do virus có nguồn gốc từ Trung Quốc (COVID)) để gây áp lực lên Bắc Kinh.
Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một cách tiếp cận mang tính tượng trưng ở cấp quốc hội. Ngày 18/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng “Nếu là Trung Quốc cố tình gây ra (dịch bệnh bùng phát), thì họ phải gánh chịu hậu quả”. Tuy chỉ có ý đe dọa, nhưng truyền thông chính thống Mỹ ngay lập tức đưa tin “Tổng thống Trump nói Trung Quốc có lẽ cố ý gây ra sự lây lan của virus” và “ông Trump cảnh báo Trung Quốc phải gánh chịu hậu quả”. Đa Chiều cho rằng, báo chí “có vẻ phóng đại thêm”.
Nếu Mỹ đe dọa điều tra Trung Quốc; thì việc Anh, Pháp, Đức và Australia đều “thảo phạt Trung Quốc” theo Mỹ, đều đáng xem xét hơn. Đặc biệt, phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne về việc kêu gọi điều tra độc lập về tình hình dịch bệnh, nói: “Chúng ta cần thông qua điều tra độc lập để xác nhận nguồn gốc của virus, phương pháp xử lý và ứng phó ban đầu, chia sẻ thông tin và sự tương tác giữa các nhà lãnh đạo của các quốc gia và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói trong cuộc phỏng vấn với Financial Times vào ngày 16/4: đừng ngây thơ tin rằng Trung Quốc đã ứng phó tốt với dịch bệnh (Ảnh: AP)
|
Theo Đa Chiều ngày 22/4, ông Josep Borrell, Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU, đã cho đăng một bài báo có tựa đề “Đại dịch COVID-19 và thế giới mới do nó đang tạo ra” trên trang web của Cơ quan hành động đối ngoại Liên minh châu Âu đặt câu hỏi về sự “khảng khái chính trị của Trung Quốc”.
Ông cho rằng một cuộc chiến toàn cầu về quyền phát ngôn đang diễn ra. Trung Quốc đang ra sức lan truyền một thông tin rằng, “khác với Mỹ, Trung Quốc là một đối tác có trách nhiệm và đáng tin cậy”. Trong cuộc chiến tranh giành quyền phát ngôn này, có người nào đó đã muốn hạ thấp danh tiếng của EU. Trong một số trường hợp, người châu Âu bị dán nhãn đáng xấu hổ, như thể mọi người đều là người mang virus.
Ngoài ra, Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 20/4 đã kêu gọi Trung Quốc minh bạch dịch về sự bùng phát dịch bệnh COVID-19: “Tôi tin rằng Trung Quốc càng minh bạch về nguồn gốc của loại virus này thì sẽ càng tốt cho thế giới”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times vào ngày 16/4, đừng ngây thơ tin rằng Trung Quốc đã ứng phó tốt với dịch bệnh. “Chúng ta không biết sự thật. Rõ ràng, có rất nhiều điều đã xảy ra, nhưng chúng ta đã không biết”.
Ngoài ra, Quyền Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Anh Dominic Raab ngày 16/4 cũng nói về Trung Quốc tại cuộc họp báo: “Chúng ta sẽ yêu cầu Trung Quốc trả lời một số câu hỏi khó. Đó là virus Corona mới xuất hiện như thế nào và tại sao nó không được chặn đứng kịp thời?”.
Quyền Thủ tướng Anh Dominic Raab: “Chúng ta sẽ yêu cầu Trung Quốc trả lời một số câu hỏi khó. Đó là virus Corona mới xuất hiện như thế nào và tại sao nó không được chặn đứng kịp thời?” (Ảnh: AP).
|
Bảo vệ chuỗi công nghiệp không có nghĩa là đối kháng Trung Quốc
Dịch bệnh đã gây nên sự thiếu hụt thiết bị y tế và thiết bị phòng hộ cá nhân trên toàn thế giới. Là một phần quan trọng của chuỗi công nghiệp toàn cầu, Trung Quốc đã chịu nhiều trách móc. Từ vấn đề về chất lượng vật tư y tế xuất khẩu của Trung Quốc, “chiến lược tuyên truyền” về tặng vật tư, đến giờ đây, Mỹ cáo buộc Trung Quốc tích trữ khẩu trang và các vật tư khác để bán với giá cao; ngày càng có nhiều quốc gia kêu gọi “tự cung tự cấp” trong việc duy trì các ngành công nghiệp và vật tư chiến lược quan trọng. Ấn Độ, Nhật Bản và châu Âu đang lo lắng về việc nước ngoài mua lại các công ty quan trọng trong nước trong tình hình dịch bệnh, điều này cũng được hiểu là nhắm vào tiền vốn của Trung Quốc.
Trong thời gian dịch bệnh, nhiều nước phương Tây phát hiện ra rằng các loại thuốc và vật tư y tế quan trọng phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc và các nước khác trong chuỗi cung ứng, vì vậy các nhà lãnh đạo đều tới tấp bày tỏ mong muốn tăng cường năng lực sản xuất các vật tư chiến lược và thậm chí khuyến khích các doanh nghiệp chuyển chuỗi công nghiệp về nước. Đây là một phản ứng bình thường trong thảm họa, mục đích là để tự bảo vệ chính mình. Tương tự, mục đích lớn nhất của việc ngăn chặn đầu tư nước ngoài cũng là để bảo vệ các doanh nghiệp của chính họ. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là “đối kháng Trung Quốc”.
Ví dụ, Liên minh châu Âu đã ban hành hướng dẫn vào cuối tháng 3 để cảnh báo về nguy cơ gia tăng của các nhà đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe hoặc các công ty liên quan. Đức vào tháng 4 tuyên bố rằng họ sẽ thắt chặt các quy định về các công ty nước ngoài mua lại các công ty trong nước, tất cả đều nhắm vào các nước ngoài EU; quy định này cũng áp dụng cả với Mỹ. Tuy nhiên, giới truyền thông đã mô tả nó là “thế giới đang thức tỉnh trước việc mua lại ác ý của Trung Quốc”, mang đậm sắc thái xung đột về địa chính trị.
Thủ tướng Đức Angela Merkel: “Tôi tin rằng Trung Quốc càng minh bạch về nguồn gốc của loại virus này thì sẽ càng tốt cho thế giới” (Ảnh: AP).
|
Bên cạnh đó, Ấn Độ ngày 17/4 ban hành sửa đổi các quy tắc FDI, quy định rằng các thực thể quốc gia giáp với Ấn Độ, hoặc các doanh nghiệp có người hưởng lợi đầu tư là công dân của các quốc gia đó, chỉ có thể đầu tư thông qua kênh chính phủ.Hay Nhật Bản đầu tháng 4 đã chi 2,2 tỷ USD để giúp ngành công nghiệp trong nước, giúp các công ty đa dạng hóa cơ sở sản xuất và chuyển chuỗi công nghiệp trở về nước, tỏ rõ khuynh hướng nhắm vào Trung Quốc. Mặc dù vậy, điều đó không có nghĩa là hai nước này sẽ “gia nhập Hoa Kỳ và tách khỏi Trung Quốc”.
Trung Quốc bị rơi vào tình cảnh khốn đốn ngoại giao do dịch bệnh?
Không thể chối cãi rằng dư luận của cộng đồng quốc tế đã chĩa mũi dùi vào Trung Quốc trong tình hình dịch bệnh. Trung Quốc ban đầu hy vọng sẽ nâng cao hình ảnh quốc tế của họ nhờ kết quả phòng chống dịch bệnh và cung cấp vật tư, nhưng bây giờ có vẻ như Trung Quốc đang ở vị trí bị động. “Thuyết đòi bồi thường” sẽ tiếp tục gia tăng, như tạp chí Bild của Đức, đang khẩu chiến chống Trung Quốc.
Theo Daily Express của Anh vào ngày 19/4, Đức đã gia nhập hàng ngũ của Anh, Pháp và Mỹ, tiến hành một cuộc công kích hiếm hoi vào Trung Quốc. Trước đó, Đức cáo buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về dịch bệnh COVID-19 trên toàn cầu mới, thậm chí đã đưa ra “hóa đơn” trị giá 149 tỷ euro, khiến Bắc Kinh giận dữ.
Ngoại trưởng Australia Marise Payne kêu gọi điều tra độc lập về tình hình dịch bệnh COVID-19 nhằm vào Trung Quốc (Ảnh: AP) .
|
Tờ Bild có lượng phát hành lớn nhất nước Đức đã đăng một bài viết gây sốc, bày tỏ sự tức giận về vai trò của Trung Quốc trong đại dịch COVID-19.
Bài báo liệt kê một danh mục 149 tỷ euro và đưa ra một “hóa đơn” mà Bắc Kinh nợ Berlin. Danh sách “hóa đơn” bao gồm khoản thất thu 27 tỷ euro về du lịch, ngành công nghiệp điện ảnh Đức mất 7,2 tỷ euro; hãng hàng không Lufthansa thiệt hại 1 triệu euro mỗi giờ và các doanh nghiệp nhỏ của Đức mất 50 tỷ euro.
Tiêu đề của bài báo này là “Trung Quốc nợ chúng ta những gì”. Bài báo tính toán rằng nếu tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức giảm xuống 4,2%, có nghĩa là mỗi người Đức bị thiệt hại 1.784 euro.
Đa Chiều dẫn bài viết của Bloomberg của Mỹ ngày 21/4 nói năm nay đáng lẽ là năm ngoại giao Trung Quốc - EU. Thay vào đó, người châu Âu bắt đầu cảnh báo về các vết nứt có tính phá hoại mối quan hệ này.
Các nhà ngoại giao châu Âu nói các hành động của Trung Quốc trong thời gian đại dịch đã gây ra sự phẫn nộ ngày càng tăng, trong đó có một số người cho rằng các hãng cung cấp thiết bị y tế Trung Quốc đang đẩy giá lên và Trung Quốc coi thường thái độ của người ngoài đối với họ. Kết quả là, lẽ ra Bắc Kinh có cơ hội thể hiện vai trò lãnh đạo toàn cầu, thì cách xử lý khủng hoảng đã làm làm mất đi sự tín nhiệm của các quốc gia khác.
“Trong vài tháng qua, Trung Quốc đã để mất châu Âu”, ông Reinhard Buetikofer, nghị sĩ của Đảng Xanh Đức và là Trưởng phái đoàn Nghị viện châu Âu quan hệ với Trung Quốc, nói.
Ông chỉ ra rằng từ cách “quản chế sự thật” của Trung Quốc trong giai đoạn đầu của dịch bệnh, đến lập trường cực đoan quá khích của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tới sự “tuyên truyền cứng rắn” đều khiến người ta lo ngại.
Sau đại dịch COVID-19, cách nhìn của châu Âu đối với Trung Quốc có thể sẽ rất khác (Ảnh: AP).
|
Đại dịch COVID-19 lẽ ra tạo cơ hội cho sự đoàn kết (Trung Quốc với EU), nhưng điều này đã không kéo dài. Ông Joerg Wuttke, Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh Châu Âu tại Trung Quốc, cho rằng: “Bây giờ ở châu Âu, nếu liên quan đến Trung Quốc, bầu không khí sẽ rất tồi tệ”.
Tại cuộc họp của các Bộ trưởng Ngoại giao G7 ngày 25/3, tất cả các bên bày tỏ lo ngại về cách Trung Quốc hành động trong cuộc khủng hoảng và sau khi cuộc khủng hoảng lắng xuống. Một quan chức châu Âu thông thạo cuộc họp nói rằng các bộ trưởng được thông báo rằng châu Âu và G7 phải thận trọng vì Bắc Kinh có thể thực hiện các hành động mạnh mẽ hơn và tự tin hơn và lợi dụng ảnh hưởng của họ khi các quốc gia khác vẫn ở trong trạng thái bị phong tỏa.
Theo bài viết, trong những dịp công khai, giọng điệu của các quan chức Trung Quốc tương đối hòa dịu. Nhưng cách tiếp cận của Trung Quốc đã phản tác dụng ở hầu hết các khu vực của châu Âu. Hai nhà ngoại giao châu Âu tại Bắc Kinh nói Trung Quốc muốn nhận được lòng biết ơn và lời ca ngợi của công chúng khi họ cung cấp viện trợ. Điều này đã làm mất đi thiện chí mà họ có thể nhận được.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu