Trung Quốc có thể dùng vũ khí siêu thanh diệt hệ thống THAAD triển khai ở Hàn Quốc?

VietTimes -- Trung Quốc có thể sử dụng radar cảnh báo sớm tầm xa để áp chế, thậm chí có thể nghiên cứu phát triển vũ khí siêu thanh tầm ngắn để tiêu diệt hệ thống THAAD triển khai ở Hàn Quốc.
Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao đoạn cuối (THAAD) Mỹ. Ảnh: Cankao
Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao đoạn cuối (THAAD) Mỹ. Ảnh: Cankao

Phát triển tên lửa siêu thanh tầm ngắn

Hãng tin Kyodo Nhật Bản ngày 26 tháng 2 cho hay Trung Quốc đang nghiên cứu phát triển vũ khí siêu thanh nhằm chọc thủng hệ thống phòng thủ tên lửa của Nhật Bản và các nước láng giềng Đông Á.

Theo tờ Kanwa Defense Review Canada, Lực lượng tên lửa Trung Quốc gần đây đã xây dựng chương trình vũ khí siêu thanh nhằm đối phó hệ thống phòng thủ tên lửa của Nhật Bản, Đài Loan và hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao đoạn cuối (THAAD) có kế hoạch triển khai ở Hàn Quốc.

Vũ khí siêu thanh là vũ khí tấn công cơ động thế hệ mới, lắp trên tên lửa đạn đạo, tốc độ bay có thể đạt 10 lần tốc độ âm thanh. Chúng bay và trượt theo rìa bầu khí quyển, nên rất khó bị vũ khí phòng thủ bắn rơi.

Nếu chương trình vũ khí siêu thanh do Bắc Kinh nghiên cứu phát triển đạt được tiến triển, hệ thống phòng thủ tên lửa của Nhật Bản sẽ có thể bị vô hiệu hóa.

Ở Nhật Bản, Lực lượng Phòng vệ Trên không đã triển khai tên lửa phòng không Patriot-3, tàu khu trục Aegis của Lực lượng Phòng vệ Biển đã trang bị vũ khí đánh chặn SM-3.

Đài Loan đã triển khai tên lửa phòng không Patriot-3, còn Hàn Quốc quyết định triển khai hệ thống THAAD tiên tiến ở trong nước để ứng phó tốt hơn với mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên.

Tên lửa phòng không Patriot của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (ảnh tư liệu)
Tên lửa phòng không Patriot của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (ảnh tư liệu)

Ngoài chương trình vũ khí siêu thanh của Lực lượng tên lửa, Bắc Kinh còn đang đi một con đường khác để phát triển vũ khí siêu thanh. Một doanh nghiệp nhà nước đang nghiên cứu phát triển loại vũ khí này, lắp cho tên lửa đạn đạo tầm xa, mục đích là chọc thủng hệ thống phòng thủ tên lửa ở lãnh thổ Mỹ.

Theo báo chí Mỹ, những năm gần đây, Trung Quốc đã tiến hành 7 cuộc thử nghiệm tên lửa chao lượn siêu thanh, trong đó có 6 lần thành công. Mặc dù Bắc Kinh đã thừa nhận những cuộc thử nghiệm này, nhưng trước đây mọi người không hề biết họ còn đang nghiên cứu phát triển vũ khí siêu thanh tầm ngắn cho các mục tiêu ở Đông Á.

Dùng radar phát sóng điện từ siêu mạnh

Trung Quốc tiến hành phản đối mạnh mẽ đối với việc Mỹ - Hàn triển khai hệ thống THAAD ở Hàn Quốc, chủ yếu là do nó tạo ra mối đe dọa cho Trung Quốc.

Theo chuyên gia Lý Bân chuyên nghiên cứu quan hệ quốc tế từ Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc, nếu triển khai THAAD ở bán đảo Triều Tiên thì Mỹ có thể dò tìm được tên lửa của Trung Quốc, các thông tin như phương pháp nhận biết thật giả đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc sẽ bị bộc lộ.

Tầm bắn của đạn đánh chặn thuộc hệ thống THAAD chỉ 200 km, nhưng khoảng cách dò tìm của radar thuộc hệ thống này có thể đạt 2.000 km, vươn tới một nửa Trung Quốc, là mối đe dọa lớn nhất.

Chính vì nguyên nhân này, Bắc Kinh rất bất mãn đối với việc triển khai THAAD ở Hàn Quốc. Ngoài áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Hàn Quốc, Bắc Kinh cũng có thể áp dụng các biện pháp đáp trả phi chiến tranh.

Tàu khu trục Aegis của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (ảnh tư liệu)
Tàu khu trục Aegis của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (ảnh tư liệu)

Chuyên gia quân sự Hồng Kông Lương Quốc Lương cho rằng về lý thuyết, ở trong thời kỳ hòa bình Trung Quốc sẽ không thể phá hủy hệ thống THAAD của Hàn Quốc, cũng không thể dùng vũ khí xung điện từ để phá hủy radar của hệ thống này. Nhưng, Bắc Kinh có thể đối phó khi sóng điện từ của đối phương xâm phạm.

Hiện nay, Trung Quốc đã có radar cảnh báo sớm tầm xa triển khai ở khu vực đông bắc, tương tự radar Pave Paws của Mỹ. Đây là một loại radar mảng pha cỡ lớn, có thể phát hiện mục tiêu có kích cỡ bằng quả bóng chày ở xa vài nghìn km, hơn nữa có thể tập trung phóng sóng điện từ siêu mạnh.

Khi cần thiết, Bắc Kinh có thể lấy lý do sóng điện từ của radar thuộc hệ thống THAAD xâm phạm, đẩy cao công suất phóng của radar cảnh báo sớm tầm xa, "đốt cháy" radar của hệ thống THAAD.

Một cách làm hợp lý và hợp pháp khác Trung Quốc có thể áp dụng là sử dụng sóng điện mạnh để áp chế đối phương, làm cho đối phương không thể dò tìm được hoạt động phóng thử tên lửa.

Bắc Kinh cũng có thể thu thập đặc trưng tín hiệu của Mỹ và hệ thống THAAD triển khai ở Hàn Quốc, phá vỡ mạng lưới phòng thủ tên lửa của Mỹ.

Hệ thống tên lửa phòng không Patriot của Quân đội Đài Loan (ảnh tư liệu)
Hệ thống tên lửa phòng không Patriot của Quân đội Đài Loan (ảnh tư liệu)