Tờ Sankei Shimbun Nhật Bản ngày 24 tháng 2 cho rằng đối mặt với các hoạt động tuần tra ngày càng thường xuyên của tàu công vụ Trung Quốc ở vùng biển đảo Senkaku, Chính phủ Nhật Bản cảm nhận được nguy cơ tăng lên gấp bội.
Ngày 10 tháng 2, trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, nhà lãnh đạo hai nước Mỹ, Nhật Bản ra tuyên bố chung tái xác nhận đảo Senkaku được áp dụng cho Điều 5 của Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật.
Điều này có nghĩa là các lực lượng vũ trang Trung Quốc nếu tiến hành tấn công đối với Nhật Bản ở vùng biển đảo Senkaku thì Mỹ sẽ điều quân chi viện cho Nhật Bản.
Bài viết cho rằng Trung Quốc sẽ không vì điều này mà từ bỏ yêu sách về "lợi ích cốt lõi" - chủ quyền của đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư).
Trái lại, Trung Quốc sẽ thường xuyên gây sức ép và khiêu khích hơn đối với Nhật Bản trong phạm vi ảnh hưởng của họ để chiếm lấy quyền kiểm soát thực tế đối với đảo Senkaku. Tàu công vụ Trung Quốc sẽ đóng vai trò chính trong các hoạt động này.
Hiện nay, Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản đã điều động 12 tàu tuần tra thành lập nên "lượng lượng chuyên trách đảo Senkaku" có khả năng tác chiến tinh nhuệ, ứng phó với tàu công vụ Trung Quốc trong mọi điều kiện thời tiết, tuyệt đối sẽ không để cho Trung Quốc có cơ hội lợi dụng.
So với 4 tàu công vụ Trung Quốc triển khai lâu dài ở vùng biển này, Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản hiện có ưu thế tuyệt đối. Nhưng, nếu số lượng tàu công vụ Trung Quốc tăng lên 5 - 6 chiếc, sức ép của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cũng sẽ tăng lên.
Trên thực tế, trong thời gian vài ngày, ở vùng biển đảo Senkaku, số lượng tàu tuần tra lớp nghìn tấn của Trung Quốc đã tăng gấp đôi. Đồng thời, Trung Quốc còn điều thêm tàu tuần tra vũ trang, tăng toàn diện khả năng tuần tra cả về chất và lượng.
Bài báo tiết lộ, tháng 12 năm 2016, Chính phủ Nhật Bản đã xác định rõ "phương châm tăng cường thể chế cảnh giới biển đảo Senkaku", nhưng hoàn toàn không làm rõ mục tiêu cụ thể về bố trí nhân viên và tàu tuần tra.
Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản từng tuyên bố rõ ràng rằng họ đang thực hiện nghiêm túc "cảnh giới lãnh hải và "cảnh giới" vùng biển đảo Senkaku.
Đối mặt với sức ép thường xuyên của Trung Quốc, Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản phải chăng có duy trì được ưu thế của mình hay không là một vấn đề cấp bách hiện nay. Một khi tình hình mất kiểm soát, Chính phủ Nhật Bản sẽ phải khẩn cấp bàn thảo đối sách.
Đảo Senkaku là một hòn đảo ở phía tây nam Nhật Bản, giáp với Trung Quốc, là nơi xảy ra tranh chấp lâu dài giữa Trung Quốc và Nhật Bản.