Mới đây, 4 quận tại miền Nam Trung Quốc đã ký kết khuôn khổ thí điểm cho xe robotaxi, đánh dấu bước tiến mới trong việc thúc đẩy công nghệ xe tự hành tại các thành phố trong khu vực Vịnh Lớn (Greater Bay Area).
Các quận tham gia chương trình thí điểm bao gồm Nam Sa (Quảng Châu), Tiền Hải và Bảo An (Thâm Quyến), cùng Hoàng Cầm, hòn đảo do Chu Hải và Macau (Trung Quốc) đồng quản lý. Theo tuyên bố từ quận Nam Sa, khuôn khổ thí điểm này được thiết kế để "công nhận lẫn nhau về trình độ, mở đường và thúc đẩy các quy định liên thông", nhằm tăng cường kết nối toàn diện trong khu vực Vịnh Lớn.
Chương trình cho phép các xe tự lái, sau khi đăng ký và được chứng nhận tại một khu vực, có thể di chuyển trên các tuyến đường mở tại các quận khác. Điều này hứa hẹn mở rộng phạm vi hoạt động của xe tự hành, tạo điều kiện cho các dịch vụ như robotaxi và vận chuyển hàng hóa xuyên thành phố.
Pony.ai, một trong bốn công ty tham gia chương trình, cho biết đây là cơ hội để mở rộng dịch vụ robotaxi của mình tới các sân bay và nhà ga xe lửa trên khắp các thành phố. Ngoài ra, chương trình cũng hỗ trợ xe tải tự lái thực hiện vận chuyển hàng hóa xuyên thành phố, giảm thiểu thời gian và chi phí logistics.
Ba công ty khác được chấp nhận tham gia thử nghiệm là Apollo Go của Baidu, nền tảng gọi xe Chenqi Technology (do Tencent Holdings hỗ trợ), và Cowa Robot – một công ty khởi nghiệp chuyên về xe vệ sinh và giao hàng tự động.
Động thái này là một phần trong chiến lược phát triển khu vực Vịnh Lớn của Trung Quốc, được khởi động năm 2019 nhằm tăng cường liên kết giữa các thành phố lớn như Quảng Châu, Thâm Quyến, Hong Kong (Trung Quốc) và Macau Trong khi đó, các thành phố lớn khác như Bắc Kinh và Thượng Hải đã khuyến khích thử nghiệm công nghệ tự lái trên những tuyến đường được chỉ định. Tuy nhiên, sự khác biệt trong quy định giữa các thành phố vẫn là rào cản lớn đối với việc mở rộng phạm vi hoạt động của xe tự lái.
Khuôn khổ thí điểm này không chỉ mở ra cơ hội cho ngành công nghệ tự lái mà còn tạo tiền đề cho các sáng kiến kết nối và phát triển đô thị thông minh tại Trung Quốc.
Theo SCMP