Cuộc chạy đua vũ trang này không chỉ vì Trung Quốc (TQ) bạo tay chi quân sự, mà còn vì TQ hung hăng đòi độc chiếm 90% Biển Đông.
Châu Á-Thái Bình Dương đề phòng TQ
Theo báo cáo hàng năm về chuyện mua bán vũ khí trên thế giới của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), trong 10 nước nhập khẩu phương tiện quốc phòng lớn nhất có 6 nước thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Ấn Độ là nước mua khí tài quân sự nước ngoài nhiều nhất, TQ xếp hạng ba sau Saudi Arabia.
Dù khoản chi quân sự của một quốc gia thường tùy thuộc sức mạnh kinh tế, các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương không hề cắt giảm khoản chi này, bất chấp kinh tế nước họ đang bị suy thoái vì giá hàng hóa tiêu dùng giảm, cùng kinh tế TQ chậm lại.
SIPRI viết: “Sự giảm nhẹ của hoạt động kinh tế không tác động nhiều vào khoản chi quân sự của khu vực trong năm 2015”.
Trong năm này, TQ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Indonesia thuộc nhóm quốc gia lên kế hoạch tăng chi quân sự.
Sản lượng kinh tế thấp vẫn làm khoản chi quân sự của châu Á tăng 1,48% GDP, tỷ lệ cao nhất từ năm 2010.TQ dẫn đầu với 41% GDP chi quân sự, hơn hạng hai là Ấn Độ (13%) và Nhật Bản (11,5%).
Tuần trước, các công ty vũ khí phương tây đổ đến Singapore tham dự cuộc triển lãm không quân, để giới thiệu sản phẩm với các chính phủ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Hãng Saab AB (Thụy Điển) tranh thủ dịp này để giới thiệu hai kiểu tuần tra biển mới, dựa theo kiểu một chiếc máy bay thương mại Bombardier, cùng một chiếc phản lực, vì khu vực này đang tăng nhu cầu mua máy bay tuần tra các tuyến hàng hải.
Thị trường khu vực châu Á-Thái Bình Dương là một địa bàn rất chú ý máy bay tuần tra biển của Saab chú ý vào lúc này. Trong hai năm tới có lẽ sẽ có một nước mua đầu tiên, theo một quan chức hãng - ông Joakim Mevius.
Tạp chí quốc phòng IHS Jane’s dự báo chi quân hàng năm của khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ đạt 533 tỉ USD từ năm 2020, so với 435 tỉ USD năm 2015.
Một lý do chính để khu vực này quan ngại, là việc TQ ngang ngược xây đảo nhân tạo trên Biển Đông, nhằm đòi chủ quyền vùng biển này.
Ngày 14.2, TQ đã dàn tên lửa đất đối không HQ-9 trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Nhà nghiên cứu cao cấp Siemon Wezeman của SIPRI nói: “Đối với nhiều nước như Việt Nam, Philippines, rõ ràng đó là cách TQ nói “các đảo này là của chúng tôi”.
TQ chuyển từ bán hàng “dở” sang bán hàng “xịn”…
TQ nuôi tham vọng quân sự mạnh hơn các nước láng giềng. Lầu Năm Góc đang tăng chi cho các vũ khí công nghệ cao, nhằm ngăn chặn sự yếu thế về quân sự trước TQ và Nga.
Đầu tháng 2.2016, Bộ Quốc phòng Mỹ đã trình dự thảo ngân sách quốc phòng 2017 với 582 tỉ USD lên Quốc hội Mỹ, trong đó có 6,7 tỉ USD để phòng thủ an ninh mạng vì lo ngại những hoạt động của TQ.
Không có dấu hiệu kết thúc chuyện TQ bạo tay chi quân sự. Dự kiến khoản chi này của TQ sẽ đạt 225 tỉ USD từ năm 2020 (so với 191 tỉ USD năm 2015) sau khi đã tăng 43% kể từ năm 2010, theo nhà phân tích Craig Caffrey của IHS Jane’s.
Một thời gian dài chi quân sự kỷ lục đã dần khiến TQ từ một nước nhập khẩu vũ khí lớn, trở thành một nước xuất khẩu vũ khí lớn, với những nỗ lực cải thiện chất lượng sản phẩm nội địa.
TQ trước đây chuyên bán vũ khí chất lượng kém, nhưng nay bán máy bay không người lái chiến đấu cho Iraq, Nigeria và đang tiếp thị chiến đấu cơ JF-17 vốn là sản phẩm hợp tác giữa TQ với Pakistan.
SIPRI nêu: TQ là nước xuất khẩu vũ khí lớn hàng thứ ba thế giới, từ năm 2011 đến 2015, chiếm 5,9% thị trường xuất khẩu toàn cầu, nhưng TQ vẫn còn thua nước xuất khẩu hàng đầu thế giới là Mỹ (chiếm 33% thị trường toàn cầu) và Nga (chiếm 25%).
Tuy nhiên, TQ đứng trên Pháp, Đức, Anh.
TQ lên trở thành nước xuất khẩu vũ khí hàng thứ ba thế giới, là nhờ đổ vốn hàng tỉ USD vào phát triển một ngành sản xuất vũ khí hiện đại. Tổng khoản chi quân sự năm 2015 của TQ là (886, 9 tỉ Nhân dân tệ (141, 45 tỉ USD), tăng 10% so với năm 2014.
Vũ khí xuất khẩu của TQ tăng 88% trong khoảng năm 2011 đến 2015, so với 5 năm trước. Ông Wezeman nói: “10 năm trước, TQ chỉ có thể bán khí tài kém chất lượng kỹ thuật. Nay đã thay đổi, sản phẩm của họ hiện tốt hơn 10 năm trước, thu hút sự quan tâm của nhiều thị trường lớn hơn”.
Đa phần vũ khí TQ bán cho các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, với Pakistan chiếm 30%, kế đến là Bangladesh và Myanmar.
Pakistan là đồng minh chủ lực của TQ, quan hệ quân sự thân cận chặt chẽ của họ đôi khi gây căng thẳng với Ấn Độ láng giềng. Ấn cũng đang ráng kích cầu ngành công nghiệp vũ khí nội địa.
Vũ khí xuất khẩu của Mỹ-Nga tăng 27% và 28% mỗi nước, trong khi hai nước xuất khẩu vũ khí hàng thứ tư và thứ năm thế giới là Pháp và Đức bị giảm sản lượng xuất khẩu.
… nhưng TQ vẫn cần nhập động cơ cho tàu chiến, máy bay
Báo cáo của SIPRI ghi nhận: mảng nhập khẩu vũ khí của TQ giảm 25% so với 5 năm trước, đánh dấu sự tự tin của vũ khí “made in China” dù có nhiều khuyết điểm lớn.
Ông Wezeman nói trong tương lai gần, có thể TQ rớt khỏi danh sách 3 nước nhập khẩu vũ khí hàng đầu, trở nên tự chủ hơn.
Nhưng TQ sẽ vẫn lệ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu một số mặt hàng hiện đại nhất, gồm động cơ cho chiến đấu cơ, tàu chiến. SIPRI ước tính: động cơ chiếm 30% trong số hàng nhập khẩu liên quan vũ khí của TQ.
TQ cũng vẫn cần nhập các loại vũ khí như máy bay vận tải cỡ lớn, trực thăng. Hiện là nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, TQ năm 2015 đã ký các hợp đồng mua 24 chiến đấu cơ và các hệ thống phòng thủ của Nga.
TheoThe Wall Street Journal, Reuters, Một thế giới