"Triều Tiên đã cho nổ tung Văn phòng Liên lạc Kaesong vào lúc 14h49" - Bộ Thống nhất Hàn Quốc, chuyên trách quan hệ liên Triều, nói với báo giới.
Tuyên bố trên xuất hiện chỉ vài phút sau khi có một vụ nổ và khói bốc lên từ khu công nghiệp chung vốn đã đóng cửa từ lâu Kaesong, nơi đặt văn phòng liên lạc; hãng thông tấn Yonhap dẫn một số nguồn tin giấu tên cho hay.
Việc phá hủy văn phòng liên lạc diễn ra sau khi bà Kim Yo-jong, em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, phát biểu hồi cuối tuần trước: "Sẽ sớm thôi, khung cảnh đáng buồn của văn phòng liên lạc chung Bắc-Nam vô dụng sẽ hoàn toàn sụp đổ". Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên (KCNA) cũng xác nhận rằng văn phòng liên lạc "đã bị phá hủy bằng một vụ nổ kinh khủng". KCNA nêu rõ rằng văn phòng liên lạc đã bị đánh sập bằng thuốc nổ.
Phủ Tổng thống Hàn Quốc (Nhà Xanh) đã lập tức tổ chức một cuộc họp khẩn tại Hội đồng An ninh Quốc gia, cơ quan cấp cao nhất của chính phủ phụ trách phòng thủ và an ninh, để thảo luận về tình hình hiện tại.
Kể từ đầu tháng 6, Triều Tiên đã đưa ra hàng loạt lời chỉ trích kịch liệt nhằm vào phía Hàn Quốc, liên quan tới việc các nhà hoạt động Hàn Quốc gửi truyền đơn có nội dung chống Triều Tiên ở khu vực biên giới hai nước. Tuần trước, Bình Nhưỡng tuyên bố cắt đứt mọi đường dây liên lạc chính thức với Hàn Quốc và gọi nước láng giềng này là "kẻ địch".
Rải truyền đơn - thường được gắn với bóng bay hoặc đựng trong chai - có nội dung chỉ trích nhà lãnh đạo Triều Tiên, nêu các vấn đề nhân quyền và tham vọng hạt nhân Triều Tiên.
Giới phân tích nói rằng Bình Nhưỡng có thể đàn tìm cách tạo nên một cuộc khủng hoảng để gây sức ép với chính quyền Seoul, trong lúc mà các vòng đàm phán giải giáp hạt nhân với Washington đang lâm thế bế tắc.
Vào sáng nay, ngày 16/6, quân đội Triều Tiên nói rằng họ "hoàn toàn sẵn sàng" đưa ra hành động chống Hàn Quốc, trong đó sẽ điều binh tới các khu vực từng được giải giáp vũ trang theo một hiệp ước liên Triều.
"Phía Triều Tiên bất bình về việc Hàn Quốc không thể đưa ra một kế hoạch thay thế để vực dậy các vòng đàm phán Mỹ-Triều" - Cheong Seong-chang, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Triều Tiên thuộc Viện Sejong, nói - "Họ cho rằng Hàn Quốc đã không làm tròn vai trò trung gian hòa giải trong tiến trình đó".
"Đòn trừng phạt" Tổng thống Hàn Quốc?
Cột khói bốc lên từ Kaesong, bên phía Triều Tiên. Hàn Quốc xác nhận văn phòng liên lạc đã bị phá hủy (Ảnh: Yonhap)
|
Giáo sư Khoa học chính trị Yoon Sung-suk thuộc ĐH Quốc gia Chonnam thì cho rằng Triều Tiên đang muốn trừng phạt Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vì tuân thủ các lệnh trừng phạt mà Mỹ khởi xướng, bất chấp một thỏa thuận năm 2018 kêu gọi hòa bình, thình vượng kinh tế và tái thống nhất.
"Triều Tiên đang muốn trừng phạt ông Moon vì sự thất bại của ông trong việc đạt bước tiến và vẫn duy trì lệnh trừng phạt" - ông Yoon nói - "Đây cũng là một thông điệp gián tiếp gửi tới Mỹ: Triều Tiên sẵn sàng hành động mạnh mẽ gắn liền với quan điểm của họ rằng họ sẽ không giải giáp vũ khí trong khi không được gỡ bỏ cấm vận".
Hiệp định ngừng bắn năm 1953 chấm dứt chiến tranh Triều Tiên đã giúp vạch ra khu phi quân sự (DMZ) trải dài 4 km nằm giữa hai miền Triều Tiên. Hàn Quốc và Triều Tiên duy trì khoảng 1 triệu binh sĩ gần các điểm cuối của vùng đệm này, tạo nên một trong những vùng biên giới được kiểm soát chặt chẽ nhất thế giới. Không có hiệp ước hòa bình được ký kết, mà giữa hai bên chỉ có một lệnh ngừng bắn.
Việc mở cửa văn phòng liên lạc chung liên Triều vào năm 2018 là một phần trong hàng loạt động thái của hai nước nhằm giảm thang căng thẳng để dọn đường cho các hoạt động ngoại giao, giải quyết bất đồng liên quan tới chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Vào thời điểm đó, hai nước cũng nối lại chương trình đoàn tụ thân nhân bị chia cắt bởi chiến tranh, và đạt được một số thỏa thuận quân sự giúp giảm thang căng thẳng ở khu vực biên giới.
Kaesong cũng là nơi đặt nhiều cơ sở công nghiệp để phục vụ các dự án chung giữa hai nước, là kết quả của hội nghị thượng đỉnh liên Triều tổ chức năm 2000 giữa Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il, cha của ông Kim Jong-un.
Năm 2016, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã đơn phương đóng cửa khu công nghiệp chung Kaesong để phản ứng trước các vụ thử tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu