Tuyên bố mang tính cảnh báo được đưa ra bởi người em gái của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, giữa lúc quan hệ liên Triều đang trong trạng thái “đóng băng” sâu dù đã trải qua 3 kỳ họp thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai bên.
Những công dân Triều Tiên đào tẩu và những nhà hoạt động khác từ lâu đã rải truyền đơn gắn trên bóng bay dọc biên giới. Truyền đơn chủ yếu có nội dung chỉ trích vấn đề nhân quyền và tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.
“Chính quyền Hàn Quốc sẽ buộc phải trả giá nếu họ cứ để tình trạng này diễn ra, trong khi liên tục biện minh” – bà Kim Yo-jong nói trong một tuyên bố được hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên (KCNA) dẫn lại.
Sử dụng những ngôn từ chỉ trích nặng nề nhằm vào những người đào tẩu, bà Kim Yo-jong nói rằng “đã đến lúc phải bắt ông chủ của họ phải chịu trách nhiệm”, ám chỉ chính phủ Hàn Quốc. Bà còn đe dọa sẽ hủy một thỏa thuận quân sự được ký kết nhân chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tới Bình Nhưỡng năm 2018 nhằm giảm căng thẳng biên giới, và dọa đóng cửa một văn phòng liên lạc xuyên biên giới.
Trên thực tế, phần lớn các thỏa thuận được ký trong chuyến thăm đó không được thực thi, do Bình Nhưỡng đã cắt đứt gần hết liên lạc với Seoul kể từ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tổ chức tại Hà Nội hồi năm ngoái.
Hoạt động tại văn phòng liên lạc xuyên biên giới cũng đã tạm ngừng do đại dịch COVID-19, và Triều Tiên cũng thực hiện hàng chục cuộc thử nghiệm vũ khí kể từ khi thỏa thuận quân sự được ký kết.
Trong tuyên bố mới, bà Kim Yo-jong cũng dọa sẽ rút vĩnh viễn khỏi các dự án chung với Hàn Quốc, trong đó có khu công nghiệp chung Kaesong và các tour du lịch núi Kumgang – cả hai đều là những dự án mang lại nguồn thu đáng kể cho Triều Tiên, nhưng tạm ngừng hoạt động suốt nhiều năm qua do các lệnh trừng phạt nhằm vào chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng.
Các nhà hoạt động Hàn Quốc rải truyền đơn ở biên giới với Triều Tiên (Ảnh: EPA)
|
Chỉ vài giờ sau khi tuyên bố của bà Kim được đưa ra, phát ngôn viên của Bộ Thống nhất Hàn Quốc đã kêu gọi các nhà hoạt động ngừng rải truyền đơn, chỉ ra rằng đây là công cụ tuyên truyền không hữu hiệu và đôi lúc những trái bóng mang truyền đơn bay ngược về phía Hàn Quốc.
Chính quyền Seoul trước đây từng kêu gọi các nhà hoạt động ngừng rải truyền đơn ở biên giới bởi điều này sẽ gây ảnh hưởng xấu tới người Hàn Quốc đang sinh sóng trong khu vực nếu như Triều Tiên có hành động đáp trả. Nhưng các nhà hoạt động vẫn tiếp tục, nói rằng họ có quyền tự do ngôn luận theo Hiến pháp quy định.
Gần đây nhất, các nhà hoạt động đã gửi đi tới nửa triệu truyền đơn, được bọc bên trong giấy nhựa và gắn với bóng bay, trong đó có nội dụng cáo buộc Triều Tiên đang chuẩn bị để phóng nhiều tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân mới dù đang tham gia vào tiến trình hòa bình.
Cũng được gửi đi kèm đợt truyền đơn này, là 500 cuốn sổ nhỏ, 1.000 thẻ nhớ và 2.000 tờ bạc mệnh giá 1 USD để khuyến khích người dân Triều Tiên mở ra đọc truyền đơn.
Giáo sư Koh Yu-hwan thuộc ĐH Dongguk cho rằng Triều Tiên đang gây sức ép với chính phủ Tổng thống Moon Jae-in để từ đó có động lực thúc đẩy Quốc hội Hàn Quốc thông qua một dự luật cấm hoạt động rải truyền đơn. Đảng Dân chủ của ông Moon và các đồng minh đã giành được hơn 180 trên tổng số 300 ghế trong Quốc hội trong kỳ bầu cử hồi tháng 4, đảm bảo đủ số ghế để thông qua các dự luật.