“Triều đại mới” ở OGC

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – 3/5 thành viên HĐQT và 2/3 thành viên BKS của OGC đồng loạt có đơn xin từ nhiệm, bao gồm cả Chủ tịch HĐQT Mai Hữu Đạt, cho thấy 'cuộc chiến vương quyền' ở OGC đã tới hồi kết.
Triều đại mới ở OGC
Triều đại mới ở OGC

Ngày 15/4, CTCP Tập đoàn Đại Dương (Mã CK: OGC) cho biết đã nhận được đơn từ nhiệm của 3/5 thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) và 2/3 thành viên Ban kiểm soát (BKS), trong đó có Chủ tịch HĐQT Mai Hữu Đạt và Phó Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thành Trung.

Cùng ngày, OGC cũng thông qua việc miễn nhiệm vị trí người phụ trách quản trị công ty đối với bà Lê Thị Ánh Tuyết; miễn nhiệm chức vụ Tổng giám đốc đối với ông Lò Hồng Hiệp, đồng thời bổ nhiệm bà Phạm Thị Hồng Nhung làm Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật công ty.

Những chuyển biến nơi thượng tầng OGC diễn ra chỉ hai tuần trước khi doanh nghiệp này tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 (AGM 2022).

Ở đó, với việc ông Mai Hữu Đạt rời ‘ghế’ Chủ tịch HĐQT trước khi hết nhiệm kỳ (2019 – 2024), OGC rất có thể sẽ chứng kiến cuộc ‘thay máu’ thượng tầng, mở đường cho nhóm cổ đông sở hữu quá bán – cụ thể là IDS Equity Holdings - nắm quyền điều hành và kiểm soát công ty.

Trước khi có đơn từ nhiệm, các thành viên HĐQT OGC là ông Nguyễn Thành Trung và bà Nguyễn Hương Nga đều đã bán ra toàn bộ số cổ phần đang nắm giữ tại đây.

Cụ thể, ông Trung đã bán 13,5 triệu cổ phiếu, tương đương 4,5% vốn điều lệ; bà Nga bán hơn 7,95 triệu cổ phiếu, tương đương 2,65% vốn điều lệ.

Ngoài ra, bà Nguyễn Minh Hạnh – chị gái bà Nga – cũng bán toàn bộ 6,56 triệu cổ phiếu OGC, tương đương 2,19% vốn điều lệ. Ông Lò Hồng Hiệp – cựu Tổng giám đốc OGC – bán 3 triệu cổ phiếu, tương đương 1% vốn điều lệ của OGC.

Đáng chú ý, tất cả các giao dịch nêu trên đều được thực hiện thông qua phương thức thỏa thuận, bên nhận chuyển nhượng không được tiết lộ.

OGC được xem như đã ‘đổi chủ’ từ cuối năm 2020, với sự xuất hiện của IDS Equity Holdings – tổ chức dẫn dắt một nhóm nhà đầu tư thâu tóm 51% cổ phần của OGC và 22,3% cổ phần tại công ty con của OGC là CTCP Khách sạn và Dịch vụ OCH (Mã CK: OCH).

Nhóm này, về bản chất là chủ mới của OGC, tỏ rõ sự bất tín nhiệm đối với HĐQT đương nhiệm của công ty. Đây được cho là nguyên nhân chính khiến OGC không thể tổ chức thành công AGM 2021.

Tại AGM 2022, HĐQT OGC dự trình cổ đông thông qua việc đổi tên công ty thành CTCP Tập đoàn OGC. Đồng thời, công ty này cũng có kế hoạch thay đổi trụ sở chính, số điện thoại và số fax của công ty.

Năm 2022, OGC đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất đạt 937 tỉ đồng, tăng 80,5% so với năm trước. Tuy nhiên, mục tiêu lợi nhuận sau thuế lại giảm tới 81,8% so với cùng kỳ, xuống mức 18 tỉ đồng.