Triển vọng ảm đạm của các startup châu Á trong năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – 2022 là năm chứng kiến sự suy giảm đáng kể của dòng vốn đầu tư vào các công ty khởi nghiệp toàn cầu. Châu Á, nơi các nền kinh tế số vẫn còn non trẻ và đang phát triển nhanh, cũng không nằm ngoài xu hướng này.
Nhiều chuyên gia nhận định năm 2023 có thể sẽ là một năm khó khăn với các startup (Ảnh: Internet)
Nhiều chuyên gia nhận định năm 2023 có thể sẽ là một năm khó khăn với các startup (Ảnh: Internet)

Theo DealStreetAsia, hoạt động huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu mới của các công ty khởi nghiệp Đông Nam Á diễn ra ổn định trong nửa đầu năm 2022 nhưng đã giảm hơn 30% trong quý 3. Tại Ấn Độ, các công ty khởi nghiệp đã huy động được tổng cộng 26,3 tỉ USD vào năm 2022, giảm gần 40% so với năm trước, theo đơn vị cung cấp dữ liệuTracxn.

Hoạt động huy động vốn từ tháng 1 đến tháng 11/2022 đã giảm hơn 40% trên toàn cầu, theo công ty dữ liệu đầu tư Preqin có trụ sở tại London. So với mức sụt giảm 20% trong thời kỳ 2001 và 2002 sau khi bong bóng dot-com vỡ và hơn 30% trong năm 2009 sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, mức giảm của năm 2022 còn lớn hơn nhiều.

Số tiền huy động được của các startup Ấn Độ theo năm (Ảnh: Nikkei Asia)
Số tiền huy động được của các startup Ấn Độ theo năm (Ảnh: Nikkei Asia)

Hoạt động huy động vốn khởi nghiệp năm 2022 giảm 45% ở Mỹ và 50% ở Trung Quốc.

Ở một khía cạnh nào đó, năm 2022 có thể được coi là năm “đói kém” sau thời kì huy hoàng của năm 2021. Đầu tư khởi nghiệp toàn cầu vào năm 2021 đã tăng 130%, theo Preqin. Ngay cả sau khi giảm 40%, tổng số năm 2022 vẫn cao hơn 40% so với năm 2020 và cao hơn gấp đôi so với năm 2017.

Các nhà đầu tư mạo hiểm trên khắp thế giới đã thay đổi thái độ hoàn toàn kể từ năm 2022 đối với hoạt động rót vốn. Trước đó, nhờ số vốn dồi dào được cung cấp, những chủ doanh nghiệp của các công ty khởi nghiệp đã ưu tiên hàng đầu cho hoạt động tăng trưởng, bỏ qua kiểm soát chi tiêu.

Tuy nhiên, sau khi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine xảy ra, giá năng lượng tăng cao, lạm phát bị đẩy nhanh khiến các ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất, các công ty khởi nghiệp đã buộc phải đặt việc giữ nguồn tiền mặt lên hàng đầu.

Theo trang Techcrunch, trong môi trường kinh doanh năm 2023, các nhà đầu tư sẽ tìm kiếm các số liệu hiệu quả như tỷ suất lợi nhuận gộp cao, tỷ lệ duy trì gộp mạnh (có bao nhiêu khách hàng tiếp tục đăng ký mỗi năm), khả năng mở rộng phạm vi khách hàng, giảm chi phí thu hút khách hàng, chu kỳ bán hàng ngắn hơn và bán hàng hiệu quả.

Chia sẻ với TechNode Global, Jamaludin Bujang, đối tác quản lý của công ty VC khu vực Gobi Partners (Malaysia) cho biết: “Rất nhiều lý do trong số này tác động trực tiếp đến các công ty khởi nghiệp, bao gồm cả những công ty ở Đông Nam Á. Đối với các công ty khởi nghiệp, việc huy động vốn ngày càng khó khăn vì các nhà quản lý quỹ vẫn sẽ thận trọng hơn cho đến khi tình hình chuyển biến tích cực”.

Các nhà sáng lập startup đang phải vật lộn để thích nghi với những thay đổi mạnh mẽ của tình hình chung. Tháng 10, công ty giáo dục trực tuyến Ấn Độ Byju's, được cho là công ty khởi nghiệp có giá trị nhất trong nước, thông báo sẽ cắt giảm 2.500 việc làm, tương đương 5% nhân sự.

Ngay cả khi phải sa thải hàng nghìn nhân viên, công ty vẫn đăng logo của mình trên truyền hình trên toàn thế giới thông qua hợp đồng tài trợ World Cup trị giá khoảng 40 triệu USD. Sự việc này đã gây ra phản ứng dữ dội ở Ấn Độ.

Công ty Byju's đã cắt giảm hàng nghìn nhân sự (Ảnh: Wikimedia)
Công ty Byju's đã cắt giảm hàng nghìn nhân sự (Ảnh: Wikimedia)

Byju's phải đối mặt với thử thách về khả năng quản lý chi phí và hình ảnh của mình khi tìm kiếm cơ hội chào bán lần đầu ra công chúng. Các công ty khởi nghiệp khác, bao gồm đã niêm yết và chưa niêm yết, có khả năng phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn của riêng họ vào năm 2023.

Tình trạng thoái vốn tại các công ty khởi nghiệp Trung Quốc cũng có thể vẫn là một vấn đề, do thị trường đại chúng Mỹ đã trở nên khó tiếp cận hơn trong những năm gần đây.

Các vấn đề liên quan đến công nghệ và khả năng tiếp cận kiểm toán của các công ty Trung Quốc đã góp phần khiến số lượng công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ thấp kỷ lục trong năm nay, với nhiều công ty thậm chí chọn hủy niêm yết tại New York.

Thông tin mới nhất trên Forbes cho thấy, Trung Quốc không đạt được kì vọng tăng trưởng cho năm 2022. Thay bằng 5,5% như ước tính, nền kinh tế nước này chỉ tăng 3% do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19 và các chính sách siết chặt đối với lĩnh vực bất động sản.

Trích dẫn từ Diễn đàn Doanh nghiệp, một số lĩnh vực như thương mại điện tử nhanh đã chứng kiến nhiều thương vụ đầu tư cũng như các startup sụp đổ. Ở khu vực Đông Nam Á, tháng 10, startup thương mại nhanh Bananas của Indonesia đã thông báo ngừng hoạt động kinh doanh cửa hàng tạp hóa điện tử.

Startup tạp hóa điện tử HappyFresh có trụ sở tại Indonesia cũng ngừng hoạt động tại Malaysia sau 7 năm, trong khi Grab ngừng dịch vụ thương mại nhanh GrabMart Kilat tại Indonesia./.

Nguồn tham khảo: Nikkei Asia