Sau thất bại với chiếc Wuling Hongguang Mini EV (được phiên âm ra tiếng Việt là Ngũ Linh Hồng Quang tiểu lôi điện), đầu tháng 11 vừa qua, nhà lắp ráp và phân phối TMT Motors đã ra mắt thị trường Việt Nam 4 mẫu xe điện mới mang thương hiệu Wuling Bingo.
Bốn mẫu xe này gồm: Bingo 203 km (đi được quãng đường 203 km mỗi lần sạc); Bingo 333 km, Bingo 410 km và Bingo SUV.
Việc ra mắt 4 mẫu xe điện mới được coi là canh bạc mạo hiểm của TMT Motors khi mà thị trường Việt Nam vẫn còn rất dè dặt với các mẫu xe mang thương hiệu Trung Quốc.
Về ngoại thất, cả 4 mẫu xe này nhìn khá bắt mắt với các đường cong tạo nên vẻ thanh lịch, phù hợp với phái nữ. Nhiều người nói rằng nhìn Wuling Bingo giống như chiếc Mini Coopers.
Nội thất của 4 mẫu xe cũng khá ổn. Ngoại trừ bản Bingo 203 km chỉ được trang bị một màn hình rất nhỏ để hiển thị các thông số, còn 3 phiên bản khác đều có 2 màn hình lớn nối liền.
Cả 4 mẫu xe đều có động cơ 67 mã lực với mômen xoắn (lực kéo) là 125Nm đến 150Nm. Trên lý thuyết, thông số về mã lực của Wuling Bingo cao hơn Vinfast VF3 và thấp hơn Vinfast VF5. Vì thế, nhiều người cho rằng đối thủ cạnh tranh chính của Wuling Bingo là mẫu VF5.
Ưu, nhược điểm của Wuling Bingo
Wuling Bingo được định giá từ 349 triệu đồng, ngang với VinFast VF3 bản mua pin hay các mẫu xe xăng cỡ nhỏ như Kia Morning và Hyundai Grand i10. Đây là mức giá dễ tiếp cận đối với người dùng ở phân khúc xe hạng A, đặc biệt là khách hàng trẻ tuổi và người dùng đô thị.
Xe được lắp ráp tại Hưng Yên, điều này có thể giúp giảm chi phí sản xuất, hưởng ưu đãi thuế và tối ưu hóa giá bán lẻ. Các tiện nghi như điều hòa tự động, ghế chỉnh điện, và hệ thống giải trí hiện đại cũng làm tăng giá trị cho xe trong mắt người dùng.
Tuy nhiên, Wuling Bingo vẫn tồn tại một số nhược điểm đáng chú ý:
Phụ thuộc vào hạ tầng sạc công cộng: Một trong những hạn chế lớn nhất của Bingo là khả năng sạc pin. Mặc dù xe hỗ trợ sạc nhanh, nhưng số lượng trạm sạc công cộng ở Việt Nam vẫn còn hạn chế, ngoại trừ các trạm của VinFast. Điều này làm giảm sự tiện lợi, đặc biệt với những người sống ở chung cư hoặc không có chỗ sạc riêng tại nhà.
Tiếng ồn trong xe: Một số người dùng phản ánh tiếng ồn từ hốc bánh và môi trường bên ngoài lọt vào trong xe, điều này có thể gây khó chịu khi sử dụng.
Hiệu suất động cơ giới hạn: Động cơ của phiên bản Bingo 333 có công suất 67 mã lực và tốc độ tối đa 100 km/h, trong khi Bingo 410 có tốc độ tối đa 130 km/h. Đây là mức hiệu suất vừa phải, phù hợp với di chuyển trong đô thị nhưng hạn chế ở đường dài hoặc địa hình phức tạp.
Thời gian sạc chậm khi dùng nguồn AC: Khi sạc bằng bộ sạc dân dụng đi kèm, thời gian sạc đầy từ 9,5 đến 12 tiếng, khá lâu so với các mẫu xe điện hiện đại khác.
Lộ thông số ảo?
Lần đầu tiên trải nghiệm lái xe trên thực địa, đa phần các reviewer Việt Nam đều cho rằng đây là một chiếc xe chạy tốt trong đô thị. Ngoại trừ việc xe không có hệ thống trạm sạc tại Việt Nam, cũng như dùng chuẩn sạc Trung Quốc GB/T không tương thích với chuẩn sạc châu Âu CCS2 đang phổ biến tại Việt Nam, thì nhìn chung chiếc xe vận hành ở mức tốt trong tầm giá.
Tuy nhiên, một số người quan tâm đến chiếc Wuling Bingo này đã ngã ngửa khi chứng kiến bài test leo dốc với chiếc Wuling Bingo của kênh YouTube Tùng Lâm 24. Khi cho chiếc xe này chở 4 người leo dốc lên nhà thờ đổ ở Ba Vì (dốc 12 độ), chiếc xe này đã không thể vượt con dốc ở tất cả các bài test từ khởi hành ngang dốc, chạy đà cho đến leo dốc bằng cầu trước. Lưu ý là phiên bản trong thử nghiệm này là Bingo 410 km, với mô men xoắn là 125Nm.
Tại Indonesia, một số reviewer cũng đã test khả năng leo dốc của Wuling Bingo, trong đó có kênh Moladin. Theo đó, chiếc xe đã không thể leo dốc khi chở 5 người, dù đã được trang bị tính năng hỗ trợ khởi hành ngang dốc. Chỉ đến khi trên xe còn duy nhất 1 người thì xe mới leo dốc thành công. Nhìn trong video thì con dốc này có độ nghiêng thấp hơn so với con dốc ở Ba Vì mà kênh Hùng Lâm 24 đã thử nghiệm.
Trước đó, chiếc Vinfast VF3 cũng đã được một YouTuber Việt Nam test leo dốc nhà thờ đổ Ba Vì và chiếc xe đã leo lên dốc một cách ngon lành.
Điều này đặt ra câu hỏi, vì sao một chiếc xe 67 mã lực, mô men xoắn 125Nm lại thua một chiếc VF3 chỉ có 43 mã lực và 110Nm. Phải chăng thông số nhà sản xuất đưa ra là ảo, hay tiêu chuẩn của Trung Quốc khác với thế giới? Và như vậy thì liệu Wuling Bingo có thể leo được dốc hầm trung tâm thương mại hay không?
Không chỉ dừng lại ở đó, báo chí Trung Quốc cũng từng chỉ ra sự vô lý trong thông số về dung lượng pin và quãng đường di chuyển của chiếc Wuling Bingo.
Mẫu xe Bingo 203 km được trang bị bộ pin LFP từ hãng Gotion Hi-tech với công suất là 17,3 KWh. Trong khi đó một mẫu xe khác là Leapmotor T03 cũng được trang bị pin LFP từ hãng Gotion Hi-tech với công suất 21,6 KWh, dung lượng pin lớn hơn Wuling Bingo 20% nhưng lại chỉ đi được quãng đường 200 km, ít hơn Bingo 3 km.
Sự vô lý càng được lộ rõ khi so sánh với chiếc Geely Panda Mini. Mẫu EV này cũng sử dụng pin 17,3 KWh của hãng Gotion, trọng lượng của xe là 788 kg. Trong khi đó, Wuling Bingo có trọng lượng không tải là 1.000 kg, dài hơn gần 1m so với Panda Mini. So sánh cho thấy với trọng lượng nặng hơn, thân xe dài hơn trong khi dùng cùng một bộ pin, Wuling Bingo lại đi được nhiều hơn Panda Mini 3 km.
Vì sao người Indonesia ưa chuộng trong khi người Việt lại chê?
Wuling Bingo đã gặt hái một số thành công tại thị trường Indonesia. Trong tháng đầu tiên ra mắt vào cuối năm 2023, Wuling Bingo đã nhận được hơn 3.000 đơn đặt hàng trước, vượt qua kỷ lục của mẫu Wuling Air EV trước đó.
Tính đến đầu năm 2024, Wuling Bingo đã ghi nhận doanh số đáng chú ý tại thị trường Indonesia. Chỉ riêng tháng 1/2024, mẫu xe này đã bán được 1.876 chiếc, vượt qua các đối thủ như Hyundai Ioniq 5 và trở thành mẫu xe điện bán chạy nhất tại đây. Tổng doanh số tính đến nay là hơn 4.500 xe, phản ánh sự đón nhận tích cực từ thị trường Indonesia, đặc biệt nhờ các ưu đãi thuế VAT và giá cả cạnh tranh.
Trong khi đó tại Việt Nam, Wuling Bingo vẫn không thỏa mãn được nhu cầu mua sắm xe của người Việt. Sự khác biệt trong việc chấp nhận Wuling Bingo giữa người Indonesia và người Việt Nam có thể được lý giải bởi các yếu tố sau:
Hạ tầng và chính sách hỗ trợ tại Indonesia
Ưu đãi thuế và chính sách: Chính phủ Indonesia áp dụng mức ưu đãi thuế VAT và các chính sách khuyến khích mạnh mẽ cho xe điện. Wuling Bingo được sản xuất tại Indonesia với tỷ lệ nội địa hóa hơn 40%, giúp xe đủ điều kiện hưởng ưu đãi lớn. Điều này làm giá xe tại Indonesia cạnh tranh hơn, giúp tăng tính hấp dẫn so với Việt Nam, nơi các chính sách hỗ trợ xe điện vẫn còn hạn chế.
Hạ tầng sạc phát triển hơn: Indonesia đã đầu tư mạnh vào việc xây dựng các trạm sạc công cộng, bao gồm cả trạm sạc nhanh, đáp ứng nhu cầu của người dùng xe điện. Trong khi đó, tại Việt Nam, mạng lưới trạm sạc vẫn chủ yếu của Vinfast.
Phân khúc khách hàng và hành vi tiêu dùng
Người dùng Indonesia chú trọng đô thị: Wuling Bingo đáp ứng tốt nhu cầu di chuyển trong các thành phố lớn của Indonesia nhờ thiết kế nhỏ gọn và phạm vi di chuyển tối ưu cho đô thị. Hơn nữa, giá xe tại đây phù hợp với thu nhập trung bình của nhiều người dân.
Người dùng Việt yêu cầu đa dụng hơn: Tại Việt Nam, người dùng mong muốn một chiếc xe không chỉ vận hành tốt trong đô thị mà còn phải đủ mạnh để di chuyển trên các cung đường đồi núi hoặc đường dài. Khả năng leo dốc hạn chế của Bingo đã khiến mẫu xe này không được đón nhận nồng nhiệt.
Giá cả và định vị sản phẩm
Tại Indonesia, dù giá Wuling Bingo cao hơn so với giá ở Trung Quốc (từ 23.100-26.300 USD), nó vẫn được xem là hợp lý so với các mẫu xe điện nhập khẩu khác. Ngược lại, ở Việt Nam, giá xe (khoảng 349 triệu đồng) phải cạnh tranh với các dòng xe xăng cỡ nhỏ như Kia Morning hoặc Hyundai i10, vốn có tính thực dụng cao hơn.
Hỗ trợ sau bán hàng
Wuling tại Indonesia cung cấp các gói hỗ trợ hấp dẫn, bao gồm bộ sạc miễn phí, bảo hành pin lâu dài, và dịch vụ hậu mãi toàn diện. Trong khi đó, tại Việt Nam, mức độ hỗ trợ này chưa đủ để thuyết phục người tiêu dùng chuyển sang sử dụng xe điện.
Hình ảnh thương hiệu
Wuling đã xây dựng một vị thế vững chắc tại Indonesia sau nhiều năm hoạt động, đặc biệt với dòng xe Air EV. Điều này tạo tiền đề cho Bingo thành công. Ở Việt Nam, TMT Motors vẫn đang trong giai đoạn xây dựng hình ảnh cho thương hiệu Wuling, khiến sự đón nhận của người tiêu dùng còn hạn chế.
Tóm lại, người Indonesia chấp nhận Wuling Bingo nhờ giá cả hợp lý, chính sách hỗ trợ tốt, và phù hợp với nhu cầu đô thị. Trong khi đó, tại Việt Nam, những hạn chế về khả năng vận hành, hạ tầng sạc, và giá trị thực tiễn khiến mẫu xe này chưa thực sự phù hợp với kỳ vọng của người tiêu dùng.