Trích lập dự phòng gấp 6 lần cùng kỳ, Techcombank vẫn báo lãi tăng 18%

VietTimes – Trong nửa đầu năm 2020, Techcombank đã dùng hơn 1.746,67 tỷ đồng để xử lý rủi ro. Dư nợ nhóm 5 giảm tới 65% so với cuối năm 2019.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank – Mã CK: TCB) vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất Quý 2/2020 với mức lợi nhuận sau thuế đạt 2.888 tỷ đồng, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả kinh doanh của Techcombank tiếp tục kéo dài thêm danh sách những nhà băng báo lãi tăng trưởng dù trải qua giai đoạn giãn cách xã hội vì dịch Covid-19 đầy thách thức trong Quý 2/2020.

Nhiều nhà băng đã thực hiện cắt giảm chi phí dự phòng và chi phí hoạt động để thúc tăng trưởng lợi nhuận. Xu hướng này gây ra một số quan ngại trước mối lo rủi ro nợ xấu gia tăng vì dịch bệnh.

Đẹp “lạ” lợi nhuận ngân hàng 2020
Khác với xu hướng trên, Techcombank vẫn đạt kết quả kinh doanh Quý 2/2020 khả quan nhờ nguồn thu tăng trưởng tốt dù chi phí tăng nhanh.

Cụ thể, thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt 3.935,3 tỷ đồng, tăng trưởng 23% so với cùng kỳ năm 2019. Tương tự, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ cũng tăng gần 1,5 lần, đạt mức 1.112,6 tỷ đồng. Các lĩnh vực kinh doanh ngoại hối, hoạt động khác, góp vốn mua cổ phần có kết quả chưa thực sự tốt, nhưng chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu nguồn thu.

Trong Quý 2/2020, nhà băng này ghi nhận chi phí dự phòng rủi ro tín dụng ở mức 439 tỷ đồng, cao gấp 6,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, chi phí hoạt động của Techcombank đạt 1.697 tỷ đồng, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính, trong nửa đầu năm 2020, Techcombank đã sử dụng hơn 1.746,67 tỷ đồng để xử lý rủi ro tín dụng trong kỳ.

Kết quả kinh doanh của Techcombank so với một số ngân hàng (Nguồn: TCB, PV tổng hợp)
Kết quả kinh doanh của Techcombank so với một số ngân hàng (Nguồn: TCB, PV tổng hợp)

Tính đến ngày 30/6/2020, quy mô tổng tài sản của Techcombank đạt 395.861 tỷ đồng, tăng nhẹ 3,1% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng đạt 231.665,7 tỷ đồng, chỉ tăng 0,37%. Số dư chứng khoán đầu tư (chủ yếu là trái phiếu doanh nghiệp) đạt mức 69.556 tỷ đồng, tăng 5,3%.

Xét về chất lượng nợ vay, dư nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) của Techcombank giảm rất mạnh trong nửa đầu năm 2020, từ mức 2.554 tỷ đồng giảm xuống chỉ còn 902,96 tỷ đồng (chiếm 0,39% tổng dư nợ) tại ngày 30/6/2020.

Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của nhà băng này đạt mức 0,91% giảm so với mức 1,33% hồi đầu năm 2020.

Về cơ cấu nguồn vốn, lượng tiền gửi của khách hàng tại Techcombank tăng trưởng 8% so với đầu năm, đạt mức 249.857 tỷ đồng.

Đáng chú ý, vào cuối Quý 2/2020, số dư tiền gửi không kỳ hạn của CTCP One Mount Group (One Mount Group) tại Techcombank đạt mức 216,5 tỷ đồng, gấp 13,5 lần so với cuối năm 2019.

Kể từ khi thành lập, One Mount Group đã được thị trường đồn đoán là nơi hội tụ của 3 “ông lớn” Vingroup, Masan và Techcombank. Ông Hồ Anh Ngọc – em trai ông Hồ Hùng Anh (Chủ tịch HĐQT Techcombank) – hiện đang giữ chức Chủ tịch HĐQT của One Mount Group.

Dữ liệu của VietTimes cập nhật tới ngày 26/6/2020 cho thấy, One Mount Group đã tăng vốn điều lệ lên mức 4.046,95 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông không được tiết lộ./.