Khi CTCP One Mount Group (One Mount Group) lần đầu xuất hiện, với công bố từ một văn bản của Vingroup, đã có nhiều đồn đoán về sự hội tụ ở đây của các đại gia để tạo nên "một hòn núi cao".
Dù vậy, các bên được đồn đoán - ở đây ngoài Vingroup, còn là Techcombank và Masan - chưa từng một lần lên tiếng. Không ai khẳng định và cũng chẳng ai phủ nhận.
Nhưng tin đồn không hẳn là không có lý. Một công bố của Vietnam Finance Society (VFS) mới đây đã củng cố thêm cho những suy đoán của thị trường.
Theo đó, đơn vị này đã tổ chức một cuộc trò chuyện giữa các giám đốc điều hành của One Mount Group, một công ty được giới thiệu là thành lập bởi các tập đoàn lớn nhất Việt Nam bao gồm “Masan Group, Techcombank và Vingroup”, cùng với 30 chuyên gia tại thành phố New York với nền tảng về công nghệ, phân tích dữ liệu, marketing, luật và tài chính.
“Những người tham dự có cơ hội tìm hiểu về môi trường kinh doanh tại Việt Nam, cũng như những cơ hội và thách thức mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt” - VFS cho biết.
Đồng thời, One Mount Group cũng kêu gọi những người Việt tài năng ở nước ngoài quay trở lại Việt Nam để giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội hiện tại và có khả năng tạo ra tác động lớn hơn trong cộng đồng.
Các chuyên gia tham dự buổi gặp gỡ (Nguồn: Vietnam Finance Society) |
Trước đây, những mối liên hệ giữa Vingroup, Masan và Techcombank hiếm khi được những bên liên quan lên tiếng một cách rộng rãi trước công chúng.
Có chăng chỉ là những thông tin kiểu như: “tỷ trọng từ tập đoàn Vingroup và Masan chỉ chiếm từ 9 - 10% tổng thu của ngân hàng” - theo một chia sẻ của lãnh đạo Techcombank khi liên tục “bị” các chuyên gia phân tích hỏi dồn trong buổi gặp gỡ diễn ra vào cuối tháng 10/2019.
Mục đích của các chuyên gia phân tích nhằm đánh giá chính xác hơn rủi ro tập trung vào khách hàng doanh nghiệp lớn của Techcombank, xuất phát từ một nhu cầu (mà theo người viết) là khá “cơ bản và nghề nghiệp”.
Theo quan sát của VietTimes, việc theo đuổi các chiến lược phát triển mới khiến ba tập đoàn này có xu hướng đến gần nhau hơn.
Vingroup sau một quãng thời gian dài liên tục mở rộng hoạt động kinh doanh, từ bất động sản đến bán lẻ, thương mại điện tử, ví điện tử, sản xuất ô tô, điện thoại thông minh, TV, hàng không,… đã làm dấy lên quan ngại về việc tập đoàn này đầu tư quá dàn trải.
Thế rồi, Vingroup quyết chuyển hướng chiến lược kinh doanh, đặt trọng tâm phát triển các lĩnh vực công nghệ - công nghiệp. Trong quá trình chuyển đổi ấy, mảng bán lẻ bỗng trở nên lạc lõng.
Vừa hay, Masan là đối tác đủ tin cậy, có thực lực, nhu cầu thực để tiếp quản và phát triển chuỗi cửa hàng và siêu thị VinMart & VinMart+ mà Vingroup đã dày công gây dựng.
Trong quá trình rút khỏi mảng bán lẻ, Vingroup sẽ tiến hành sáp nhập sàn thương mại điện tử Adayroi vào ứng dụng VinID, nâng cấp mảng thương mại điện tử thành mô hình "New Retail" – kết hợp giữa phương thức bán lẻ truyền thống và trực tuyến dựa trên công nghệ số (O2O).
Cần lưu ý rằng, theo một tài liệu được Vingroup công bố gần đây, Adayroi và “hệ sinh thái số” VinID được phân loại thuộc nhóm thương mại - dịch vụ và dưới sự quản lý trực tiếp của One Mount Group.
Thật trùng hợp, Techcombank - ngân hàng “ruột” của Vingroup - cũng đang trên hành trình trở thành ngân hàng dẫn đầu trong lĩnh vực thanh toán điện tử./.