Hôm nay (20/6), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank - Mã CK: TCB) đã tổ chức phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ) năm 2020.
Tại phiên họp, ban lãnh đạo nhà băng này đã có nhiều chia sẻ về hoạt động kinh doanh, quá trình chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt, cũng như những tác động của dịch Covid-19.
3 triệu khách hàng đang sử dụng ngân hàng điện tử của Techcombank
Mở đầu phiên họp, ông Phùng Quang Hưng (Phó Tổng Giám đốc thường trực Techcombank) cho biết, nhà băng này hiện chiếm 28% thị phần giá trị giao dịch qua ngân hàng điện tử.
Trong năm 2019, Techcombank có thêm 1 triệu khách hàng mới. Chỉ riêng trong Quý 1/2020, ngân hàng có thêm khoảng 246 nghìn khách hàng mới. Theo ông Hưng, các khách hàng của Techcombank có xu hướng sử dụng dịch vụ của ngân hàng nhiều hơn.
“Lượng khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử đạt gần 3 triệu khách hàng, tăng gần gấp đôi so với năm trước. Giá trị giao dịch của khách hàng cũng tăng gần gấp 3 lần so với năm 2018. Trong dịch Covid-19, lượng khách hàng giao dịch điện tử còn tăng hơn nữa” - ông Hưng chia sẻ.
Tính đến cuối Quý 1/2020, Techcombank tiếp tục duy trì hệ số CASA trên 34%. Theo ban lãnh đạo, Techcombank là một trong những ngân hàng có hệ số cao nhất trên thị trường.
Về tác động của dịch Covid-19, ông Hưng nhận định đây là phép thử rất tốt cho việc lựa chọn chiến lược, đánh giá chất lượng tài sản của các ngân hàng.
“Chúng tôi lựa chọn tập trung vào các khách hàng doanh nghiệp lớn, có sức khỏe tài chính lành mạnh, có tiềm năng phát triển trong nước. Ngân hàng đã thực hiện giảm cho vay thế chấp, chuyển sang cho vay khách hàng cá nhân có thu nhập cao. Tính đến tháng 3/2020, các khách hàng cá nhân chiếm tới gần một nửa tổng dư nợ” - ông Hưng nói.
Bên cạnh đó, trong Quý 1/2020, Techcombank cũng chủ động trích lập thêm dự phòng để xử lý các khoản nợ ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo ông Hồ Hùng Anh (Chủ tịch HĐQT Techcombank), do tác động của đại dịch Covid-19 nên ngân hàng đã đưa ra kế hoạch thận trọng trong năm 2020. Tuy nhiên, ông Hùng Anh kỳ vọng hoạt động kinh doanh Quý 3 và Quý 4 sẽ có nhiều thuận lợi hơn khi nền kinh tế thế giới hồi phục.
“Năm nay HĐQT thận trọng hơn, cần xét yếu tố một số khách hàng do Covid-19 không trả được lãi, kể cả trong trường hợp Techcombank đã gia hạn, tái cơ cấu nợ. Mặc dù theo Thông tư 01, nợ xấu có thể không tăng, nhưng lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng. Năm 2020, Techcombank sẽ tập trung vào việc chuyển đổi số, đầu tư công nghệ, hệ thống data (dữ liệu)” - ông Hồ Hùng Anh cho biết.
Một số chỉ tiêu tăng trưởng của Techcombank được trình bày tại ĐHĐCĐ thường niên 2020 (Ảnh: P.D)
|
Khách hàng không nhiều nhưng phải tốt!
Chia sẻ với các cổ đông, ông Hồ Hùng Anh khẳng định Techcombank trong nhiều năm qua luôn tập trung vào những lĩnh vực, phân khúc khách hàng mà ngân hàng nhận thấy có thể kiểm soát tốt rủi ro, có khả năng phục vụ tốt nhất và chiếm lĩnh thị phần tốt nhất.
Lấy ví dụ về lĩnh vực bất động sản, vị Chủ tịch HĐQT Techcombank cho biết khoảng 5 năm trước, ngân hàng xác định lĩnh vực này sẽ phát triển nhanh, hoàn toàn có thể kiểm soát rủi ro, thực tế những năm qua cho thấy lựa chọn này là hợp lý.
Bên cạnh đó, việc kiểm soát rủi ro của Techcombank được áp dụng theo các chuẩn mực Basel II. Danh mục cho vay bất động sản dù chiếm tỷ trọng lớn, song, theo quan điểm của người đứng đầu HĐQT Techcombank, mức dư nợ của ngân hàng so với nhiều tổ chức tín dụng khác cũng không phải quá cao. Techcombank cũng rất minh bạch trong kiểm soát rủi ro và phân loại.
“Khẩu vị” của Techcombank là tập trung vào các khách hàng lớn, có uy tín lớn nhất trên thị trường, các sản phẩm có sức hấp dẫn nhất thị trường.
Lấy ví dụ về lĩnh vực vui chơi giải trí, ông Hồ Hùng Anh nhận định Sungroup và Vingroup đang chiếm khoảng 70% thị phần hiện nay.
“Việc Techcombank tập trung phục vụ hai khách hàng đó là tốt nhất, không cần phải mở rộng thêm 5 - 6 khách hàng nữa chỉ để có thêm 5% thị phần” - ông Hồ Hùng Anh nêu quan điểm.
Trong dịch bệnh Covid-19 vừa qua, các lĩnh vực ảnh hưởng lớn nhất là hàng không, dệt may, du lịch…, có tác động đến Techcombank nhưng lượng khách hàng trong các lĩnh vực này không nhiều. Nguyên nhân là do việc kiểm soát rủi ro của những lĩnh vực này phải được thực hiện theo mô hình đánh giá rủi ro khác nên ngân hàng rất thận trọng trong việc phát triển khách hàng.
“Thay vì làm việc với 10 khách hàng thì chỉ tập trung vào 2 khách hàng tốt nhất. Thay vì làm 10 lĩnh vực thì chỉ tập trung vào 3 lĩnh vực tốt nhất” - ông Hùng Anh nhấn mạnh. Đồng thời cho biết Techcombank cần có thời gian để xây dựng và tiếp cận các lĩnh vực khác.
Năm 2020, Techcombank lên kế hoạch dư nợ tín dụng tăng trưởng 13%, đạt mức 291.586 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế chỉ tăng 1% so với năm trước, đạt mức 13.000 tỷ đồng./.