Trí tuệ nhân tạo được "thả rông", điều gì sẽ xảy ra với con người?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
"Netflix biết bạn muốn xem gì, Amazon biết bạn sẽ bỏ tiền vào đâu. Sau 10 hoặc 20, 30 năm nữa, các thuật toán như vậy có thể cho biết bạn học đại học nào, làm việc ở đâu", Yuval Harari cho biết.

Yuval Harari - một nhà triết học và đồng thời là tác giả sách "best seller" đang kêu gọi quy định toàn cầu về trí tuệ nhân tạo (AI) để dữ liệu của con người không thể bị đánh cắp bởi các tập đoàn công nghệ hàng đầu.

Ông chỉ ra rằng Thung lũng Silicon ở Mỹ và Trung Quốc dường như đều đang trong một cuộc chạy đua để phát triển công nghệ bằng cách sử dụng các thuật toán nhằm thu thập, phân tích dữ liệu cá nhân của con người.

Theo lập luận của Yuval Harari, các ứng dụng như Instagram và WhatsApp đã bán được hàng tỷ USD cho các nhà đầu tư không phải vì chúng tạo ra doanh thu, mà vì chúng cho phép chủ sở hữu kiểm soát nguồn dữ liệu khổng lồ. Ông thậm chí so sánh việc thu thập dữ liệu với khái niệm "Bức màn sắt" thời Chiến tranh Lạnh.

Tuy nhiên, điểm khác biệt là các dữ liệu thời nay có thể cho phép thao túng thị trường tài chính toàn cầu, Yuval Harari cho biết.

Yuval Harari cảnh báo nguy cơ AI và thu thập dữ liệu nằm ngoài kiểm soát.
Yuval Harari cảnh báo nguy cơ AI và thu thập dữ liệu nằm ngoài kiểm soát.

Trả lời đài CBS trong một buổi phỏng vấn truyền hình, tác giả sách "best seller" gợi ý rằng phạm vi tiếp cận của trí tuệ nhân tạo (AI) có thể cho phép dữ liệu con người nằm trong tay của một số ít "ông lớn".

"Đại dịch đã hậu thuẫn các tập đoàn thu thập dữ liệu y tế của chúng ta. Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo về "dữ liệu sinh trắc học", chẳng hạn như hình ảnh khuôn mặt, dấu vân tay, hoặc thậm chí là DNA", Yuval Harari nói.

Qua đó, ông tin rằng tổ chức chính phủ và tập đoàn nào kiểm soát nhiều dữ liệu nhất sẽ "kiểm soát thế giới" trong những năm tới. "Netflix biết bạn muốn xem gì, Amazon biết bạn sẽ bỏ tiền vào đâu. Sau 10 hoặc 20, 30 năm nữa, các thuật toán như vậy có thể cho biết bạn học đại học nào, làm việc ở đâu, kết hôn với ai, và thậm chí bỏ phiếu cho ai".

Viễn cảnh này càng trở nên đáng sợ, nếu như dữ liệu cá nhân của một ai đó bị rơi vào tay những tổ chức với mục đích xấu, hay thậm chí bị bán lên "chợ đen".

Theo Yuval Harari, các quốc gia cần nhanh chóng làm việc cùng nhau để ngăn chặn điều này bằng cách điều chỉnh AI và thu thập dữ liệu ở mức phù hợp hơn.

Theo Dân trí