Tranh luận “nóng” giữa đại dịch COVID-19: Đeo khẩu trang có giúp chúng ta an toàn?

VietTimes -- Đeo khẩu trang hay không đeo khẩu trang? Câu hỏi tưởng đơn giản mà hóa ra lại đang gây ra nhiều tranh cãi ngay trong bối cảnh dịch COVID-19 lan khắp thế giới. Và có một thực tế khó chối bỏ rằng sau nhiều tháng chống đại dịch, nhiều người trên thế giới vẫn không dám chắc liệu khẩu trang có giúp họ an toàn hay không?
Người dân Hong Kong xếp hàng mua khẩu trang phòng COVID-19 (Ảnh: Reuters)
Người dân Hong Kong xếp hàng mua khẩu trang phòng COVID-19 (Ảnh: Reuters)

Câu trả lời ở mỗi nơi mỗi khác. Tổng Y sĩ Mỹ Jerome Adams từng viết trong một đoạn tweet ngày 29/2: “Nghiêm túc đấy mọi người – Hãy Ngừng Mua Khẩu Trang!”. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Mỹ cũng đều cho rằng chỉ những người có triệu chứng COVID-19 và những người chăm sóc họ mới nên đeo khẩu trang.

Bộ Y tế liên bang Đức cũng từng cảnh báo rằng những người đeo khẩu trang rằng họ có thể tự đẩy mình vào chỗ “có cảm giác an toàn sai lầm”, bởi vậy mà ít chú ý tới các biện pháp ngừa dịch khác.

Ngược lại, nhiều chuyên gia y tế, trong đó có Giám đốc CDC Trung Quốc, lại cho rằng không mang khẩu trang là sai lầm. Nhiều cơ quan y tế ở các nước khu vực châu Á cũng khuyến khích tất cả người dân mang khẩu trang lúc đi đến những nơi công cộng để ngăn chặn sự lây lan của virus Corona chủng mới, dù là họ có hay không có triệu chứng.

Ở Nhật Bản và Hong Kong (Trung Quốc), bất cứ ai đi tới những nơi công cộng đều bắt buộc phải đeo khẩu trang.

Tuần trước, CH Séc ban hành quy định bắt buộc người dân phải che kín mũi và miệng của họ lúc đến nơi công cộng. Quy định này lập tức khiến người dân đổ xô đi mua khẩu trang, hoặc tự chế một chiếc cho mình.

WHO nói gì?

Ông Mike Ryan trong buổi họp báo về COVID-19 tối ngày 30/3 (Ảnh: The Times)
Ông Mike Ryan trong buổi họp báo về COVID-19 tối ngày 30/3 (Ảnh: The Times)

Đối diện với câu hỏi quá khó trả lời, giới chức WHO đã tổ chức một buổi họp báo vào tối hôm 30/3 vừa qua tại Geneva, Thụy Sĩ để một lần nữa nhắc lại lời khuyên của họ về việc dùng khẩu trang trong trường hợp nào là phù hợp nhất.

Theo WHO, đây là những người nên đeo khẩu trang:

- Những người mắc bệnh. Giới chức WHO khuyến nghị những người mắc COVID-19 đeo khẩu trang để tránh lây truyền cho người khác.

- Những người ở nhà chăm sóc người bị mắc bệnh. Những người đang chăm sóc cho bệnh nhân COVID-19 nên đeo khẩu trang để tự bảo vệ mình và ngăn lây truyền trong gia đình. Theo ông Michael J. Ryan, Giám đốc điều hành chương trình khẩn cấp y tế của WHO, việc đeo khẩu trang là cực kỳ quan trọng trong những tình huống này, bởi trong bối cảnh phong tỏa thì tình trạng lây lan trong gia đình đang diễn ra.

- Những nhân viên y tế trên tuyến đầu chống dịch. Theo ông Ryan, ngay thời điểm hiện tại, những người chịu rủi ro nhất từ COVID-19 chính là những nhân viên y tế đang phải tiếp xúc với virus Corona chủng mới “mỗi ngày, mỗi giờ”.

Giới chức WHO tỏ ra rất thận trọng khi nói họ không chỉ trích các quốc gia khuyên người dân đeo khẩu trang. Nhưng cùng lúc, cơ quan này cũng nhấn mạnh rằng khẩu trang phần lớn đang được sử dụng sai cách, và hậu quả là không cung cấp được sự bảo vệ như mong muốn.

Ví dụ, đeo khẩu trang có thể tạo cảm giác an toàn một cách sai lầm, như một số chuyên gia từng nói, khiến cho một người ít chú ý hơn tới các biện pháp vệ sinh quan trọng khác, như rửa tay. Thêm vào đó, việc tháo khẩu trang (để ăn hoặc uống) hay chạm vào phần bên ngoài của khẩu trang cũng có thể khiến việc đeo khẩu trang bớt hiệu quả hơn.

Điều cần phải nhớ rõ, theo giới chức WHO, là virus Corona chủng mới lây truyền qua các giọt hô hấp chứ không lan truyền trong không khí. “Những người có khả năng mắc bệnh nhất chính là những người tiếp xúc gần với người bệnh khác” – ông Ryan nói trong buổi họp báo tối 30/3.

Và để cho chắc, WHO nhấn mạnh rằng có nhiều lợi ích về mặt tâm lý và xã hội từ việc đeo khẩu trang. Ví dụ, ở một số quốc gia, đeo khẩu trang giúp ngăn chặn tình trạng phân biệt đối xử với người bị nhiễm COVID-19.

Tuy nhiên, việc khuyến khích đeo khẩu trang diện rộng không nằm trong số những lời khuyên của WHO. “Chúng tôi không khuyên những người khỏe mạnh đeo khẩu trang ở nơi công cộng, bởi việc này tính đến giờ chưa được chứng minh là mang lại bất cứ lợi ích cụ thể nào” – ông Ryan nói.

Theo biên bản cuộc họp báo mà WHO tổ chức tối 30/3 tại Geneva, Thụy Sĩ, ông Mike Ryan đã nhận được câu hỏi của một phóng viên về việc chính quyền Áo mới đây đã ra chỉ thị đeo khẩu trang bắt buộc khi đi vào siêu thị, và đề nghị ông bình luận về biện pháp này.

Ông Ryan trả lời: “Nói chung, WHO khuyến nghị những nhân viên cộng đồng đeo khẩu trang để bảo vệ họ khỏi lây nhiễm từ ai đó khác. Chúng tôi không khuyến cáo những cá nhân khỏe mạnh đeo khẩu trang ở nơi công cộng bởi đến giờ chưa có chứng cứ cho thấy bất cứ lợi ích cụ thể nào về điều đó. Nó chỉ có lợi ích về mặt tâm lý, xã hội, và chúng tôi cũng không chỉ trích việc đeo khẩu trang. Trên thực tế, có một số bằng chứng cho thấy mặt hại khi sử dụng khẩu trang sai cách, hoặc đeo khẩu trang không đúng cách, không chặt hoặc tháo khẩu trang…và nhiều rủi ro liên quan tới việc đó”.

Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, chuyên gia bệnh truyền nhiễm cũng có mặt trong buổi họp báo, sau đó trả lời thêm về vấn đề này: “Để củng cố thêm cho điều mà ông Mike đã nói, rằng chúng tôi không khuyến nghị đeo khẩu trang trừ khi bản thân bạn bị mắc bệnh, và như một biện pháp để ngăn chặn sự lây lan từ bạn sang người khác nếu bạn bị mắc bệnh. Chúng tôi khuyến nghị dành khẩu trang cho những người bị bệnh đang ở nhà (cách ly). Nhưng như ông Mike đã nói, điều quan trọng là phải ưu tiên dùng khẩu trang đối với những người cần tới chúng nhất”.

Trước những luồng ý kiến trên, chuyên gia y tế Việt Nam cũng đã đưa ra nhận định xung quanh việc đeo khẩu trang. Xem thêm tại đây.

Điều rõ ràng nhất

Cảnh người dân mua khẩu trang tại một siêu thị ở Detroit, bang Michigan, Mỹ (Ảnh: Fox News)
Cảnh người dân mua khẩu trang tại một siêu thị ở Detroit, bang Michigan, Mỹ (Ảnh: Fox News)

Đối với người dân trên khắp thế giới, tình hình dịch bệnh ngày càng khiến họ lo lắng. Việc giới chức chính quyền Mỹ khuyên người dân không nên đổ xô đi mua khẩu trang khiến nhiều người tin rằng chính quyền chỉ đang muốn tránh tình trạng khan hàng, thay vì nói ra sự thật về hiệu quả của đeo khẩu trang.

Vậy giới khoa học có câu trả lời về việc đeo khẩu trang hay không? Ít nhất thì họ đều nhất trí ở một điểm: Khẩu trang bảo vệ các nhân viên y tế khi làm việc trong môi trường dễ bị lây bệnh. Từ các loại khẩu trang giấy cấp thấp cho tới khẩu trang N95 gắn bộ lọc, các nghiên cứu được thực hiện trong nhiều thập kỷ qua đều cho thấy khẩu trang giúp nhân viên y tế trong các bệnh viện tránh nhiễm bệnh, thậm chí còn giúp người bị bệnh tránh lây nhiễm cho người khác.

Nhưng đối với câu hỏi rằng liệu mọi người có nên đeo khẩu trang để làm chậm sự lây lan của đại dịch COVID-19? Câu trả lời lại rất kém rõ ràng.

Những kết quả nghiên cứu mâu thuẫn

May khẩu trang tại nhà ở Berlin, Đức (Ảnh: Reuters)
May khẩu trang tại nhà ở Berlin, Đức (Ảnh: Reuters)

Virus Corona chủng mới, cũng giống như virus cúm hay nhiều chủng virus khác, lây lan nhờ sự phát tán hàng triệu hạt nhỏ chứa virus. Sau khi một ai đó ho, hắt hơi hay chạm vào một vật thể, các hạt này có thể bám trên bề mặt hoặc lơ lửng trong không khí trong một khoảng thời gian, chủ yếu dưới dạng giọt thở.

Các hạt chứa virus, có thể lên tới hàng chục ngàn trên mỗi giọt thở, có thể thâm nhập vào mũi, miệng hoặc mắt chúng ta khi chúng ta tiếp xúc gần gũi với người bệnh, hoặc khi chúng ta chạm vào mặt sau khi sờ các bề mặt nhiễm virus. Nếu lượng virus đủ, chúng có thể nhân bản trong cơ thể chúng ta, và bắt đầu vòng tuần hoàn lây nhiễm.

Gần như mọi loại khẩu trang được sản xuất, từ khẩu trang y tế cho tới khẩu trang N95, đều mang lại hiệu quả nhất định trong việc bảo vệ con người trước kiểu lây truyền nói trên. Nhiều nghiên cứu đã chứng nhận điều này tại các bệnh viện.

Khẩu trang cũng có tác dụng tại nhà. Cả WHO và CDC Mỹ đều khuyên những người đang chăm sóc người mắc COVID-19 tại nhà và cả người mắc bệnh trong trường hợp này, đeo khẩu trang.

Khẩu trang y tế và khẩu trang N95, hai loại khẩu trang phổ biến trong bối cảnh dịch COVID-19 (Ảnh: NPR)
Khẩu trang y tế và khẩu trang N95, hai loại khẩu trang phổ biến trong bối cảnh dịch COVID-19 (Ảnh: NPR)

Nhưng, đây cũng là điểm mà bằng chứng cho thấy tác dụng của khẩu trang trở nên kém rõ ràng hơn. Một nghiên cứu mà CDC Mỹ thực hiện năm 2009 cho thấy khẩu trang có thể giảm rủi ro nhiễm virus của người đeo từ 60 – 80%; tuy nhiên một nửa số người tham gia nghiên cứu lại không đeo khẩu trang thường xuyên. Một số nghiên cứu khác thì cho rằng đeo khẩu trang tại nhà không có hiệu quả gì.

Trên phạm vi rộng hơn, tác dụng của đeo khẩu trang lại càng không rõ ràng. Một trong những nghiên cứu đáng chú ý nhất về tác dụng của khẩu trang là của ĐH Michigan, thực hiện trong bối cảnh mùa cúm năm 2007-2008.

Các nhà nghiên cứu đã chia 1.178 sinh viên thành 3 nhóm: Một nhóm được yêu cầu đeo khẩu trang ít nhất 6 giờ/ngày trong ký túc xá. Nhóm thứ hai nhận được khẩu trang và thêm nước rửa tay. Nhóm thứ ba thì kiểm soát việc thực hiện.

Kết quả là: Trong khi nước rửa tay cho thấy có hiệu quả mặc dù không cao, thì việc đeo khẩu trang được cho là không có hiệu quả gì trong việc chống lại dịch cúm lúc bấy giờ.

Một phân tích mà Cơ quan Bảo vệ Sức khỏe London, Anh thực hiện năm 2012 dựa trên ít nhất 17 nghiên cứu khác nhau, cũng thất bại trong việc chứng minh đeo khẩu trang có thể giúp ngăn lây nhiễm bệnh cúm.

Theo giới khoa học, việc nghiên cứu về tác dụng của đeo khẩu trang là rất khó khăn, bởi vậy phần lớn là không dám chắc về tác dụng của khẩu trang trước đại dịch COVID-19.

“Bằng chứng khoa học về việc đeo khẩu trang giúp chúng ta tránh nhiễm bệnh là không đủ mạnh mẽ” – Jared Baeten, Phó Hiệu trưởng trường Y tế công thuộc ĐH Washington, trả lời tạp chí QZ.

Vẫn nên đeo khẩu trang?

97,5% người dân Hong Kong đeo khẩu trang lúc ra đường trong bối cảnh dịch COVID-19 (Ảnh: NYDaily)
97,5% người dân Hong Kong đeo khẩu trang lúc ra đường trong bối cảnh dịch COVID-19 (Ảnh: NYDaily)

Giới khoa học bấy lâu vẫn không thể nêu rõ chứng cứ cho thấy tác dụng của việc đeo khẩu trang. Nhưng họ vẫn đưa ra lời khuyên dựa trên tình hình thực tế từng nơi. Cụ thể: Hàng phòng ngự tốt nhất trong đại dịch COVID-19 hiện nay vẫn là tránh tiếp xúc xã hội, rửa tay thường xuyên, tẩy trùng các bề mặt…

Mới đây Tạp chí y khoa danh tiếng The Lancet còn cho rằng các cơ quan y tế trên thế giới cần phải xem xét về việc yêu cầu người dân đeo khẩu trang, mặc dù không có chứng cứ khoa học mạnh mẽ về hiệu quả phòng dịch của đeo khẩu trang.

“Đã đến lúc các chính phủ và cơ quan y tế công phải đưa ra những khuyến nghị về việc sử dụng khẩu trang hợp lý” – bài viết mà The Lancet đăng tải ngày 20/3 có đoạn, thêm rằng “sẽ là hợp lý” khi khuyên nhóm người dễ tổn thương đeo khẩu trang y tế ở những nơi đông người và nơi có rủi ro mắc bệnh cao.

Đối với dịch COVID-19, khuyến nghị này hoàn toàn hợp lý. Rất nhiều người mắc bệnh không có triệu chứng, hoặc triệu chứng nhẹ. Các nước, vùng lãnh thổ ở châu Á như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và Trung Quốc đều đã đẩy lùi được sự lây lan của dịch bệnh nhờ vào nhiều biện pháp, trong đó có đeo khẩu trang.

Theo một nghiên cứu mà cơ quan y tế Hong Kong thực hiện vào thời điểm dịch SARS năm 2003, 76% người dân ở thành phố này đeo khẩu trang. Và trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay, 97,5% người trưởng thành ở Hong Kong mang khẩu trang khi rời nhà.

Tính đến ngày 30/3, Đức cũng đang cân nhắc về việc đeo khẩu trang bắt buộc, trong khi Áo cũng sắp ra chỉ thị bắt buộc đeo khẩu trang khi đi vào các siêu thị.