Tại Cộng hòa Síp (Cyprus), nhà chức trách của quốc gia này cho rằng quyết định để FTX phá sản của tân CEO John J. Ray III đã gây cản trở các cuộc điều tra và ngăn chặn khách hàng châu Âu thu hồi tài sản, theo Wall Street Journal.
Tương tự, giới chức Bahamas - nơi FTX đặt trụ sở - cũng cáo buộc John J. Ray III đã đưa ra những tuyên bố sai sự thực và cho rằng đội ngũ của ông làm việc chỉ vì muốn hưởng tiền tranh tụng pháp lý. Trong khi đó, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã thu giữ tài sản của chi nhánh FTX tại quốc gia này.
Các động thái vừa nêu phản ánh phần nào sự xung đột giữa các nhà đầu tư tiền mã hóa và các quy định pháp lý.
Những người ủng hộ cho rằng, bản chất xuyên biên giới của tiền mã hóa giúp cho việc chuyển tiền trở nên hết sức dễ dàng, không khác gì gửi email. Bên cạnh đó, nhiều công ty tiền mã hóa đã cung cấp dịch vụ của họ cho tất cả khách hàng trên toàn thế giới và thiết lập trụ sở ở nhiều nước.
Nhưng các bộ luật được đưa ra nhằm bảo vệ khách hàng trong trường hợp xảy ra vấn đề - đặc biệt là luật phá sản – chỉ có hiệu lực bên trong một quốc gia, và thiếu đi sự hợp tác xuyên biên giới.
Hơn nữa, tính đến nay vẫn chưa có một vụ phá sản của công ty tiền mã hóa nào lại có quy mô lớn như FTX. Đơn phá sản của sàn giao dịch này ban đầu liệt kê hơn 130 chi nhánh liên kết ở nhiều quốc gia, từ Canada, Ghana cho đến Nhật Bản. 95% doanh thu của FTX đến từ bên ngoài nước Mỹ, theo Wall Street Journal.
Kết quả của các vụ tranh chấp quốc tế hiện nay sẽ quyết định việc khách hàng của FTX có lấy lại được tài sản của họ hay không. Trong khi đó, cơ quan quản lý ở nhiều quốc gia đang muốn bảo vệ công dân của họ trước tầm ảnh hưởng của vụ việc này.
Giới chuyên gia nhận định rằng, kết quả có thể sẽ rất hỗn loạn, khi một số khách hàng có thể lấy lại toàn bộ tài sản của họ, trong khi số còn lại có thể mất trắng.
Một phát ngôn viên của FTX cho hay, họ đã thiết lập mối quan hệ hợp tác với nhiều cơ quan quản lý ở các nước mà công ty hoạt động. FTX đang làm việc cùng với một số cơ quan chính phủ các nước đã đưa ra hành động pháp lý sau khi công ty đệ đơn phá sản.
Chính quyền nhiều nước đang cố gắng đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư trong nước trước vụ phá sản của FTX (Ảnh: Bloomberg) |
Những thách thức pháp lý
Ngày 28/11, ông George Theocharides - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Cộng hòa Síp (CySEC) - đã nêu quan ngại về quy trình phá sản của FTX trong một bức thư gửi tân CEO FTX.
Trong thư, Chủ tịch CySEC cho biết, FTX có thể đã vi phạm luật chứng khoán. Tuy nhiên, do đội ngũ của FTX lại không thể truy cập dữ liệu của nền tảng này - hiện đang thuộc quyền quản lý của tân CEO FTX John J. Ray III - nên nhà chức trách Cộng hòa Síp không thể thu thập được thông tin cần thiết để phục vụ điều tra.
Tính đến ngày 15/11, FTX EU lưu giữ khoảng 47 triệu euro, tương đương 49 triệu USD, tiền gửi của khách hàng, theo ông Theocharides. CySEC đã yêu cầu FTX hoàn trả lại tiền cho khách hàng, nhưng công ty này không thể thực thi do các tài khoản ngân hàng của họ đã bị “đóng băng” theo luật phá sản.
Chủ tịch CySEC Theocharides cũng nhắc nhở “việc sử dụng trái phép tiền gửi của khách hàng có thể cấu thành tội danh".
Sau khi giữ 'ghế nóng' CEO FTX thay Sam Bankmand-Fried, John J. Ray III cũng gặp nhiều thách thức với cơ quan quản lý ở Bahamas. Giới chức nước này đang tìm cách tự giải quyết vụ phá sản của FTX.
Ngày 10/11, Ủy ban Chứng khoán của Bahamas bắt đầu có những động thái đầu tiên để thanh khoản FTX Digital Markets, đơn vị kiểm soát giao dịch quốc tế của công ty này. Bên thanh khoản sau đó yêu cầu chuyển giao tài sản tiền mã hóa của đơn vị này sang một ví điện tử mà chính phủ Bahamas quản lý.
Ông Ray rõ ràng không bằng lòng với điều này. Các luật sư của ông lập tức cáo buộc giới chức Bahamas có hành vi trộm cắp và cho rằng lượng tiền mã hóa mà phía Bahamas lấy được nên thuộc về các đơn vị của FTX mà ông đang điều hành. Trong hồ sơ tại tòa, các luật sư của ông Ray chỉ ra “bằng chứng đáng tin cậy cho thấy chính phủ Bahamas phải chịu trách nhiệm vì đưa ra chỉ đạo tiếp cận trái phép…vì mục đích thu giữ tài sản số.”
Chính phủ Bahamas đáp lại rằng ông Ray đang đưa ra những cáo buộc vô căn cứ và rằng họ sẽ tiếp tục quy trình xử lý FTX. Giới chức Bahamas còn đặt câu hỏi về động cơ và khả năng điều hành của ông Ray.
Cựu CEO của FTX, Sam Bankman-Fried – người đang đối mặt với hàng loạt cuộc điều tra vì để mất hàng tỉ USD tiền gửi của khách hàng – dường như đứng về phía giới chức Bahamas. Ông nói rằng ông không hề có ý định lừa đảo và cũng không hay biết về việc quỹ tiền gửi của FTX bị trộn lẫn với Alameda Research, một quỹ bảo hộ tiền mã hóa mà ông thành lập vào năm 2017.
Tranh chấp giữa FTX và Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể trở nên căng thẳng, khi nhà chức trách nước này đã quyết định đưa ra hành động pháp lý đối với nhánh của FTX ở nước này. Ngày 19/11, ông Ray cho hay FTX đã xác định được một số chi nhánh có giá trị, có thể bán đi để lấy tiền trả cho các chủ nợ. Một trong số đó là chi nhánh FTX Turkey Teknoloji Ve Ticaret AS.
Tuy nhiên, 4 ngày sau, Bộ Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng họ đã thu giữ tài sản của FTX Turkey vì nghi ngờ rằng tiền gửi của khách hàng bị chuyển ra nước ngoài thông qua các giao dịch trái phép./.
Cách Sam Bankman-Fried 'quyến rũ' các quỹ đầu tư danh tiếng rót vốn vào FTX
Carolin Ellison - 'bóng hồng' ít biết của ông chủ FTX
Khi 'mùa đông crypto' gọi tên FTX
Theo Wall Street Journal