Niềm tin của giới đầu tư đối với tài sản số càng suy giảm sau sự sụp đổ của FTX (Ảnh: Reuters) |
Được thành lập bởi Sam Bankman-Fried, một trong những cá nhân được xem là biểu tượng trong thế giới tiền mã hóa, FTX đã đệ đơn phá sản ở Mỹ hồi tuần trước sau khi không đáp ứng được lượng khách hàng ồ ạt đi rút tiền, từ đó gây thêm cú sốc đối với lĩnh vực tài sản ảo này. Trước đó, hàng loạt những tên tuổi lớn trong ngành cũng đã sụp đổ, trong đó phải kể đến Three Arrows Capital (3AC), Celsius Network và Babel Finance.
Trong một báo cáo công bố hồi tuần trước, các nhà phân tích Taimur Baig và Chang Wei Liang của DBS Group Holdings, ngân hàng lớn nhất Đông Nam Á, nhấn mạnh rằng những diễn biến liên quan tới FTX đã đẩy giá các loại tiền mã hóa tới mức thấp kỷ lục mới trong năm nay, trong đó 2 đồng lớn nhất, Bitcoin và Ethereum, đều giảm giá tới 65% tính đến thời điểm này của năm.
“Sự thay đổi có thể chưa kết thúc,” các nhà phân tích đưa ra cảnh báo. “Thất bại trong giao dịch, các vấn đề thanh khoản, lừa đảo, sự kiểm duyệt từ cơ quan quản lý và chi phí vốn đang tăng đã kết hợp lại để tạo ra một cuộc khủng hoảng lòng tin trong cộng đồng nhà đầu tư.”
Cuộc khủng hoảng này được các nhà quan sát gọi là “mùa đông crypto”, trong đó bất ổn thị trường khiến cho các loại tiền mã hóa giảm giá mạnh so với thời kỳ đỉnh cao vào năm ngoái, với mức vốn hóa thị trường 3 nghìn tỉ USD, xuống còn dưới 1 nghìn tỉ USD trong tháng 7 năm nay. Viễn cảnh hồi phục của thị trường càng ảm đạm hơn sau sự sụp đổ của FTX.
Sự sụp đổ của sàn giao dịch này xuất hiện sau khi Bankman-Fried – người đã rời khỏi vị trí CEO của công ty – tuyệt vọng kêu gọi hàng tỉ USD để cứu công ty của mình.
Khách hàng đã ồ ạt rút tài sản của họ ra khỏi FTX do quan ngại về sức khỏe tài chính của công ty và mối liên hệ giữa nó với Alameda Research, một công ty trong cùng lĩnh vực và cũng được thành lập bởi Bankman-Fried.
FTX trước đó đã tăng trưởng mạnh mẽ để trở thành đối thủ của Binance, được dẫn dắt bởi Changpeng Zhao (CZ), một tên tuổi đáng chú ý khác trong lĩnh vực tiền mã hóa, và trở thành một trong những sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới.
Cùng với đó, FTX còn nhận được sự hậu thuẫn của nhiều nhà đầu tư lớn, từ SoftBank của Nhật Bản cho tới Temasek của Singapore, ngoài ra còn có những người nổi tiếng như ngôi sao bóng bầu dục Mỹ Tom Brady.
Hiệu ứng từ sự sụp đổ của FTX đã lan rộng tới các nhà đầu tư, bao gồm giới đầu tư châu Á.
Trong hôm thứ Năm, Temasek tuyên bố sẽ bút toán giảm toàn bộ khoản đầu tư 275 triệu USD của họ ở FTX, “bất chấp kết quả từ việc FTX đệ đơn phá sản có như thế nào.” Trong 2 vòng gọi vốn từ tháng 10/2021 đến tháng 1/2022, hãng đầu tư này đã chi 210 triệu USD vào FTX International và 65 triệu USD vào FTX US, để mua lượng cổ phần nhỏ.
“Từ vụ đầu tư này rõ ràng là bắt nguồn từ niềm tin của chúng tôi đối với những hành động, phán đoán và khả năng lãnh đạo của Sam Bankman-Fried, được hình thành sau những lần tiếp xúc với ông ta và quan điểm được thể hiện trong các cuộc thảo luận của chúng tôi với người khác. Nhưng niềm tin đó dường như đã bị đặt nhầm chỗ,” Temasek nói trong một tuyên bố.
“Hiệu ứng từ sự sụp đổ của FTX sẽ lan rộng,” Kyle Klemmer, đồng sáng lập nền tảng game tiền mã hóa Mech.com, nói với Nikkei Asia.
Giới đầu tư đã bắt đầu tránh khỏi các loại tài sản rủi ro như tiền mã hóa từ đầu năm nay, khi lạm phát tăng cao và nhiều ngân hàng trung ương chạy đua thắt chặt chính sách tiền tệ để phản ứng. Sự sụp đổ của FTX càng khiến cho niềm tin của giới đầu tư đối với các đồng tiền mã hóa bị suy giảm.
Bitcoin đã trải qua nhiều đợt sụt giá trong năm nay (Ảnh: Refinitiv) |
“Tháng 12 năm nay sẽ là thời điểm đặc biệt khắc nghiệt,” Klemmer nói. “Những lời yêu cầu minh bạch giờ đã rất gay gắt.”
Các nhà chức trách ở châu Á, ví dụ như các trung tâm tài chính Singapore và Hong Kong, hiện đang theo dõi sát sao ngành công nghiệp tài sản số này do tình trạng bất ổn. FTX được thành lập ở Hong Kong và vẫn nằm trong danh sách đăng ký hoạt động của thành phố, dù đã chuyển trụ sở tới Bahamas vào tháng 9 năm ngoái.
Các quy định khắt khe của Trung Quốc về giao dịch tài sản số đã bảo vệ được các công ty quản lý quỹ và các nhà đầu tư khỏi sự sụp đổ của FTX. Tuy nhiên, “cơn lạnh” vẫn quét qua ngành này, khi các nhà quản lý quỹ và nhà đầu tư trông thấy rõ viễn cảnh kéo dài của “mùa đông crypto.”
Một số nhà đầu tư nói với Nikkei Asia rằng họ đã xóa sổ các khoản đầu tư của mình sau khi FTX đệ đơn phá sản hôm thứ Sáu tuần trước. “Điều này cực kỳ nghiêm trọng, rất nhiều người sẽ vĩnh viễn không đụng tới tiền mã hóa nữa,” một nhà đầu tư giấu tên nói.
Tuy nhiên, Cục trưởng Tài chính Hong Kong Paul Chan tái khẳng định cam kết của thành phố này trong việc trở thành một trung tâm tài sản ảo trong hôm Chủ nhật vừa qua, thêm rằng lĩnh vực này cần có quy định chặt chẽ cùng với sự minh bạch lớn hơn.
Ở Singapore, các nhà chức trách tháng trước đã đề xuất ban hành lệnh cấm cấp hạn mức tín dụng để thực hiện các giao dịch mua tiền mã hóa, trong lúc nước này đang tìm cách thắt chặt lĩnh vực tài sản số.
Từng có thời vận hành tự do, lĩnh vực tiền mã hóa đang dần được các cơ quan chính quyền ở một số trung tâm tài chính của châu Á thắt chặt, hạn chế khả năng tham gia vào cộng đồng giao dịch token của các doanh nghiệp.
Sự giảm giá mạnh của các token, sự sụp đổ dần dần của các hãng cung cấp dịch vụ tài sản số và viễn cảnh về một môi trường hoạt động bị thắt chặt đã làm dấy lên sự quan ngại về một “mùa đông crypto” kéo dài.
“Toàn thị trường tiền mã hóa chắc chắn sẽ vẫn trong trạng thái tuyệt vọng suốt phần còn lại của năm, khi các nhà đầu tư chờ xem những công ty nào bị tác động bởi sự sụp đổ của FTX,” Ruadhan O., trưởng nhóm phát triển dự án tiền mã hóa tại Seasonal Tokens, chia sẻ.
“Rất có khả năng sẽ xảy ra hàng loạt vụ phá sản trong những tuần tới đây, bởi nhiều công ty có liên hệ với FTX", ông nói./.
Nhiều công ty tiền mã hóa tổn thất hàng triệu USD vì FTX
Tiền mã hóa thêm một lần 'tự diệt': Đằng sau sự sụp đổ của đế chế FTX
Thế giới tiền số sẽ thế nào sau thảm họa FTX
Theo Asia Nikkei