Cuốn sách mang linh hồn quỷ dữ
Hitler bắt đầu viết “Mein Kampf” khi còn ở trong tù vì tội phản quốc sau cuộc nổi dậy thất bại ở Munich hồi năm 1923. Cuốn sách bày tỏ quan điểm phân biệt chủng tộc và bài Do Thái, trong đó có những nội dung xuyên tạc lịch sử. Một thập niên sau đó, khi Hitler giành được quyền lực thì cuốn sách này đã đóng vai trò trung tâm trong hệ tư tưởng của Đức Quốc xã. 12 triệu bản đã được in và phát tặng trong khi các bản mạ vàng được trưng bày trang trọng trong nhà của các quan chức. Chính quyền Phát-xít muốn sử dụng cuốn sách này để “tẩy não” người dân, biến những luận điểm được nêu ra trong cuốn sách trở thành “kim chỉ nam” cho cả nước Đức lúc bấy giờ. Thực tế cho thấy, “Mein Kampf” là một cuốn sách pha trộn giữa thể loại hồi ký và tuyên truyền, với nhiều người, nội dung của nó rất lan man, dông dài, khó đọc, khó hiểu. Tuy nhiên, những gì Hitler đề cập trong đó, sau này đều được trùm Phát-xít thực hiện và hậu quả của nó là nạn tàn sát hàng triệu người Do Thái.
Kết thúc Thế chiến II, nhà xuất bản Eher Verlag chuyên in sách phục vụ Đức Quốc xã đã bị mất quyền xuất bản cuốn “Mein Kampf”. Quyền này được chuyển giao cho chính quyền bang Bavaria tiếp quản. Suốt 70 năm qua, bang này đã cấm mọi hoạt động in sao, tái bản cuốn hồi ký, tài liệu được cất giữ cẩn mật trong thư viện của bang Bavarian, nhằm đảm bảo cuốn sách sẽ chỉ được in ấn ở Đức trong những trường hợp đặc biệt hay phục vụ nghiên cứu. Về lý thuyết, khi “Mein Kampf” hết thời hạn bảo vệ bản quyền, vào tháng 12-2015, điều đó có nghĩa nhà xuất bản nào của Đức cũng có quyền xuất bản cuốn sách này tại Đức. Tình huống này đã nảy sinh những tranh cãi dữ dội về việc xuất bản hay đốt bỏ “cuốn sách nguy hiểm nhất thế giới”.
Tái bản nhưng phải có chú giải
Các nhà nghiên cứu cho rằng, cuốn sách “Mein Kampf” thực sự nguy hiểm. Nhiều nạn nhân còn sống sau thời kỳ diệt chủng của Đức Quốc xã cũng đồng loạt phản đối việc tái bản cuốn sách. Với nhiều luận điệu bài Do Thái, cuốn sách này bị cho là quá nguy hiểm nếu để đông đảo người dân tiếp cận mà không có một sự định hướng rõ ràng đối với những quan điểm sai lệch được đề cập.
Tuy vậy, lại có ý kiến cho rằng việc tuyệt đối cách ly cuốn sách cũng không phải là phương pháp tối ưu. Việc ngăn chặn thế hệ trẻ tiêm nhiễm tư tưởng Đức Quốc xã sẽ hiệu quả hơn khi họ được trực tiếp đối diện với những gì Hitler viết chứ không phải tìm hiểu lén lút. Bởi thế, lần tái bản này sẽ giúp giới trẻ hiểu về chủ nghĩa Phát-xít và những điều khủng khiếp mà nó gây ra, sẽ giúp họ có ý thức phản biện trước những luồng tư tưởng sai lệch, để không “mù mờ” trước một vết đen của lịch sử loài người, để chống lại một hệ tư tưởng nguy hiểm, phản tiến bộ, phản nhân loại….
Quyết định cuối cùng được đưa ra, “cuốn sách nguy hiểm nhất thế giới” sẽ được tái bản, bắt đầu từ đầu năm 2016. Các nhà nghiên cứu cùng các chuyên gia tham gia vào việc tái bản cuốn sách đang nỗ lực hết sức để trấn an dư luận Đức. “Tôi hiểu những phản ứng bất bình trong dư luận khi một cuốn sách từng có vai trò quan trọng trong một trang đen tối của lịch sử thế giới giờ lại được tái bản một cách rộng rãi. Tuy nhiên, theo một khía cạnh khác, tôi nghĩ rằng đây cũng là một cách hữu hiệu để giảng dạy lịch sử bởi ấn bản mới sẽ có những nội dung thỏa đáng, chính xác để ngăn những sự việc kinh hoàng có thể tái diễn lần nữa” - ông Magnus Brechtken - Phó Giám đốc Viện Lịch sử Đương đại cho biết.
Trước đó, Viện Nghiên cứu Lịch sử đương đại Munich cũng dự định xuất bản “phiên bản mới” của “Mein Kampf”, phân tích và chỉ trích những luận điểm sai trái của Hitler. Việc xuất bản cuốn “Mein Kampf” mà không có những chú giải cần thiết sẽ bị cấm trên lãnh thổ Đức và nhà xuất bản nào phạm luật sẽ phải đối diện với những cáo buộc về tội kích động thù hằn dân tộc. Mặc dù vậy, nhiều người Đức và người Do Thái trên khắp thế giới vẫn phản đối việc tái bản cuốn sách này vì gần đây bắt đầu xuất hiện những băng nhóm theo chủ nghĩa bài Do Thái rất nguy hiểm.
Theo: An ninh Thủ đô