Tìm hiểu của VietTimes cho thấy, CTCP Cơ điện Trần Phú (Trần Phú Cable) đã dành khoảng 350 tỉ đồng dành cho những hoạt động liên quan tới đầu tư chứng khoán.
Bên cạnh khoản đầu tư vào cổ phiếu REE, tại ngày 30/6/2021, Trần Phú Cable vẫn còn 216,5 tỉ đồng tiền gửi trong tài khoản chứng khoán mở tại CTCP Chứng khoán VNDirect (Mã CK: VND). Khoản tiền này được gửi theo yêu cầu hỗ trợ lãi suất kỳ hạn từ 7-15 ngày, với lãi suất từ 5,3% - 5,8%/năm.
Trần Phú Cable cũng ưu tiên gửi tiền tại ngân hàng với kỳ hạn dài hơn, lãi suất hấp dẫn hơn.
Nếu như ở thời điểm cuối năm 2020, công ty này có tới 458 tỉ đồng là tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn 1-3 tháng với lãi suất 3,5%/năm, thì đến cuối quý 2/2021, số dư đã giảm về chỉ còn 61,2 tỉ đồng.
Thay vào đó, Trần Phú Cable dành ra tới 108 tỉ đồng cho các khoản tiền gửi có kỳ hạn 6 tháng, lãi suất từ 3,5 – 3,7%/năm (bên cạnh một lượng tiền đổ vào kênh chứng khoán như đã nêu).
Cách tận dụng nguồn tiền nhàn rỗi của Trần Phú Cable là một chuyển biến đáng chú ý trong bối cảnh môi trường kinh doanh gặp nhiều thách thức bởi dịch Covid-19.
Trong nửa đầu năm 2021, doanh thu thuần của công ty đạt 1.266,7 tỉ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do các chi phí giá vốn và quản lý doanh nghiệp tăng cao, lãi sau thuế của Trần Phú Cable giảm 8% so với cùng kỳ, đạt mức 76,2 tỉ đồng.
Hoạt động kinh doanh của công ty dường như không tạo ra dòng tiền. Bởi lẽ, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ của Trần Phú Cable âm tới 352,5 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái ở mức dương 234,4 tỉ đồng.
Lưu ý rằng, dư nợ vay ngắn hạn của Trần Phú Cable đã tăng 41,8% so với đầu năm, đạt mức 550 tỉ đồng.
Trong khi đó, các hoạt động đầu tư liên quan tới dự án đầu tư di chuyển nhà máy sản xuất dây cáp điện và dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất dây cáp điện dường như bị đình trệ. Sau nửa đầu năm 2021, khoản mục xây dựng cơ bản dở dang được Trần Phú Cable ghi nhận đối với các dự án này chỉ tăng 3,3%, đạt mức 408,6 tỉ đồng.
Đáng chú ý, Trần Phú Cable đã thành lập Ban quản lý dự án tại số 41 phố Phương Liệt (Hà Nội) và đang trong quá trình xin gia hạn giấy chứng nhận đầu tư và điều chỉnh thiết kế của dự án.
Như VietTimes từng đề cập, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 (AGM 2021) của Trần Phú Cable đã chứng kiến sự phân hoá giữa nhóm cổ đông liên quan tới ông Đặng Quốc Chính và phía cổ đông Nhà nước là UBND Tp. Hà Nội, cùng một nhóm cổ đông khác sở hữu 9,48% cổ phần.
Tại thời điểm cuối quý 2/2021, cựu Chủ tịch Trần Phú Cable Lê Thanh Sơn đã triệt thoái 5,79% cổ phần.
Cơ cấu cổ đông của Trần Phú Cable lúc này bao gồm: ông Đặng Quốc Chính (26,17% VĐL), CTCP Du lịch Lâm Đồng (24,96% VĐL), bà Bùi Thị Hương Ly (5,02% VĐL), UBND Tp. Hà Nội (38,88% VĐL) và cổ đông khác (4,97% VĐL).
Bà Bùi Hương Ly sau đó liên tục gom mua thêm cổ phần Trần Phú Cable, nâng tỉ lệ sở hữu lên 9,605% vốn điều lệ (tính đến ngày 22/7/2021).
Sinh năm 1991, bà Bùi Thị Hương Ly là nhân viên phòng Tài chính kế toán của chính Trần Phú Cable. Trước đó, bà Hương Ly có nhiều năm làm nhân viên kế toán tại CTCP Phân phối KTG Miền Bắc - thành viên trong ‘hệ sinh thái’ KTG Group của gia đình doanh nhân Đặng Quốc Chính./.