Dấu ấn doanh nhân Đặng Quốc Chính tại Trần Phú Cable

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nhóm cổ đông liên quan tới ông Đặng Quốc Chính nắm cổ phần quá bán tại Trần Phú Cable với tỷ lệ sở hữu 50,8% vốn điều lệ.
Sản phẩm dây cáp điện của Trần Phú Cable (Nguồn: Trần Phú Cable)
Sản phẩm dây cáp điện của Trần Phú Cable (Nguồn: Trần Phú Cable)

Chuyện không chia cổ tức năm 2020 của Trần Phú Cable

Ngày 27/6/2021, CTCP Cơ điện Trần Phú (Trần Phú Cable) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 với sự tham gia của 10 cổ đông, đại diện cho 15,6 triệu cổ phần, tương đương 99,59% vốn điều lệ.

Tại đại hội, ban lãnh đạo Trần Phú Cable trình cổ đông thông qua kế hoạch năm 2021 với mục tiêu doanh thu thuần đạt 2.650 tỉ đồng, tăng 113% so với năm 2020.

Tuy nhiên, chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế chỉ ở mức 184 tỉ đồng, giảm tới 43,6% so với năm ngoái, chủ yếu là do công ty không còn nhận phần cổ tức từ CTCP Dây điện và Phích cắm Trần Phú.

Trước áp lực cạnh tranh và thay đổi của thị trường, ban lãnh đạo Trần Phú Cable cho hay công ty phải sản xuất cáp siêu nhiệt, tự sản xuất đồng, làm nhựa và hướng tới sản xuất cao thế.

Dự toán toàn dự án đầu tư mở rộng sản xuất các nhóm sản phẩm trên ước tính khoảng 6.000 tỉ đồng (vốn tự có dự kiến là 3.000 tỉ đồng, vốn vay là 3.000 tỉ đồng).

Tính đến hết năm 2020, vốn chủ sở hữu của công ty là 1.184,8 tỉ đồng, bao gồm lãi sau thuế chưa phân phối là 977,1 tỉ đồng.

"Như vậy, công ty cần tiếp tục tích luỹ tiền, tăng tổng nguồn vốn tự có, không chia cổ tức để sẵn sàng cho kế hoạch đầu tư", lãnh đạo Trần Phú Cable cho biết.

Song, đề xuất không chia cổ tức của ban lãnh đạo Trần Phú Cable đã vấp phải sự phản đối của cổ đông Nhà nước (UBND Tp. Hà Nội), với yêu cầu phải chia cổ tức 100% lợi nhuận còn lại. Bên cạnh đó, một nhóm cổ đông khác sở hữu 9,48% cổ phần Trần Phú Cable cũng phản đối việc không chia cổ tức.

Kết quả là, tờ trình phân phối lợi nhuận năm 2020 cho thấy sự phân hoá sâu sắc giữa các nhóm cổ đông, khi có tới 48,57% cổ phần có quyền biểu quyết tại đại hội đã bỏ phiếu phủ quyết, trong khi số phiếu tán thành là 51,43%.

Sau đại hội, trong các ngày 10 và 15/7/2021, bà Bùi Thị Hương Ly đã lần lượt mua vào 780.283 cổ phiếu và 716.860 cổ phiếu của CTCP Cơ điện Trần Phú (Trần Phú Cable), qua đó nâng tỉ lệ sở hữu tại doanh nghiệp này lên 9,595% vốn điều lệ.

Theo tìm hiểu của VietTimes, bà Bùi Thị Hương Ly sinh năm 1991, hiện là nhân viên phòng Tài chính kế toán của chính Trần Phú Cable. Trước đó, bà Hương Ly có nhiều năm làm nhân viên kế toán tại CTCP Phân phối KTG Miền Bắc - một thành viên của CTCP Khải Toàn (KTG Group).

Cuối tháng 9/2019, bà Hương Ly từng đăng ký tham gia đấu giá mua trọn lô gần 2,5 triệu cổ phần LDP, tương được 31,88% vốn CTCP Dược Lâm Đồng được Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) chào bán.

Ông Đặng Quốc Chính - Tổng giám đốc Trần Phú Cable (Nguồn: Trần Phú Cable)

Ông Đặng Quốc Chính - Tổng giám đốc Trần Phú Cable (Nguồn: Trần Phú Cable)

Hệ sinh thái của ông Đặng Quốc Chính

Cơ cấu cổ đông của Trần Phú Cable khá cô đặc. Tại ngày 31/12/2020, công ty này chỉ có 4 cổ đông lớn sở hữu tới 95,5% vốn điều lệ, bao gồm: UBND Tp. Hà Nội (38,9% VĐL); Tổng giám đốc Đặng Quốc Chính (25,8% VĐL); CTCP Du lịch Lâm Đồng (25% VĐL); và nguyên Chủ tịch HĐQT Lê Thanh Sơn (5,8% VĐL).

Theo tìm hiểu của VietTimes, Dalat Tourist được thành lập vào trung tuần tháng 6/2000 với vốn điều lệ 135 tỉ đồng, thành phần cổ đông gồm CTCP Dây điện và Phích cắm Trần Phú (19,42% VĐL), vốn Nhà nước (39,9% VĐL) và nhóm cổ đông khác (40,68% VĐL).

Tính đến tháng 10/2017, quy mô vốn điều lệ của Dalat Tourist đạt 396 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông lúc này gồm: CTCP Dây Điện và Phích cắm Trần Phú (17,386% VĐL); vốn Nhà nước (11,712% VĐL), Công ty TNHH Quản lý Quỹ Bảo Việt - đại diện cho Quỹ đầu tư giá trị Bảo Việt (BVIF), thuộc Tập đoàn Bảo Việt (36,673% VĐL) và nhóm cổ đông khác (34,228% VĐL).

CTCP Dây Điện và Phích cắm Trần Phú là công ty liên kết do Trần Phú Cable nắm giữ 49,27% vốn điều lệ (tại ngày 31/12/2020).

Hiện tại, ông Đặng Quốc Chính là Chủ tịch HĐQT Dalat Tourist, trong khi vợ ông - bà Trần Thanh Hương là thành viên HĐQT.

Tính đến ngày 31/12/2020, quy mô tổng tài sản của Dalat Tourist đạt 1.449,4 tỉ đồng, tăng 5,2% so với thời điểm cuối năm 2019.

Ngoài Trần Phú Cable, ông Đặng Quốc Chính cùng người thân trong gia đình còn có mối liên hệ đáng chú ý tới CTCP Khải Toàn (Khải Toàn Group).

Theo tìm hiểu của VietTimes, Khải Toàn Group được thành lập từ năm 1994, khởi đầu trong lĩnh vực phân phối thiết bị điện và chiếu sáng. Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc hiện nay là ông Đặng Trọng Ngôn - em trai của ông Đặng Quốc Chính.

Năm 2000, Khải Toàn Group thành lập Nhà máy sản xuất dây và cáp điện tại Từ Liêm – Hà Nội; năm 2001, liên doanh sản xuất công tắc ổ cắm tại Wenzhou - Trung Quốc; năm 2005, thành lập Nhà máy sản suất thiết bị điện và chiếu sáng tại Đồng Nai.

Năm 2006, Khải Toàn Group trở thành đối tác liên doanh chính thức của Công ty hệ thống công nghiệp LS-Vina, chuyên sản xuất cáp điện, vật tư thiết bị trạm điện. Sau đó 1 năm, tập đoàn này tiếp tục liên kết với CTCP Nhựa thiếu niên Tiền Phong (Mã CK: NTP) thành lập CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong phía Nam, chuyên sản xuất ống nhựa.

Tháng 3/2015, Khải Toàn Group cũng thực hiện mua 10,94 triệu cổ phiếu VNE, tương đương 17,71% vốn điều lệ của Tổng CTCP Xây dựng Điện Việt Nam do SCIC chào bán. Tuy nhiên, tập đoàn này đã liên tục bán ra cổ phiếu VNE và không còn là cổ đông lớn vào ngày 19/6/2017.

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, trong giai đoạn 2016 - 2019, doanh thu của Khải Toàn Group (công ty mẹ) đều đặn duy trì trên mức 200 tỉ đồng.

Riêng năm 2019, tập đoàn này ghi nhận doanh thu thuần 245,6 tỉ đồng, lãi sau thuế 14,14 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 5,75%.

Tại ngày 31/12/2019, quy mô tổng tài sản của Khải Toàn Group đạt 820 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 506,2 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 46% và 35,5% so với đầu năm.

Lưu ý rằng, các số liệu nêu trên chỉ là báo cáo riêng lẻ của công ty mẹ. Khải Toàn Group còn sở hữu nhiều công ty thành viên như: CTCP Phân phối Tiền Phong miền Trung (KTG Materials); CTCP KTG Energy; CTCP Bảo Phước (KTG Living); CTCP Phân phối Gia Huy (KTG Appliances); CTCP Thương mại thiết bị văn phòng sáng tạo (KTG Stationery), CTCP KTG.

KTG Energy hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, hợp tác với nhiều chủ mái tại các khu công nghiệp để phát triển nguồn điện năng lượng mặt trời. Các công trình dự án có thể kể đến như: An Phước Đồng Nai (3,3 MW), Tam Phước A Đồng Nai (2,8 MW), Tam Phước B Đồng Nai (1,2 MW).

Trong lĩnh vực bất động sản, thông qua KTG Living, Khải Toàn Group còn là chủ sở hữu khách sạn Fusion Suites Danang Beach tại Đà Nẵng.

Nhóm cổ đông liên quan đến ông Đặng Quốc Chính còn tham gia vào mảng bất động sản nghỉ dưỡng với khoản đầu tư tại CTCP Khách sạn Bưu điện Nha Trang (Mã CK: NPH) - chủ đầu tư Khách sạn Bưu Điện Nha Trang có quy mô 24 tầng với 298 phòng, tiêu chuẩn 4 sao ở Nha Trang.

Tại ngày 11/4/2019, NPH có vốn điều lệ 200 tỉ đồng, trong đó, ông Đặng Quốc Chính trực tiếp nắm 40,74% vốn điều lệ; em trai ông Chính - ông Đặng Trọng Ngôn sở hữu 10,43% vốn điều lệ; và vợ ông Ngôn - bà Lê Thị Chiến Thắng đứng tên 6,38% vốn điều lệ.

Đến tháng 5/2020, CTCP Đầu tư và Xây dựng Bưu điện (Mã CK: PTC) - pháp nhân có nhiều liên hệ với ông Đặng Quốc Chính - đã chi hơn 64,5 tỉ đồng để mua 977.870 cổ phiếu của NPH, qua đó nắm giữ 48,89% cổ phần của công ty này.

Ngoài ra, ông Đặng Quốc Chính còn tham gia vào lĩnh vực y tế khi từng là Chủ tịch HĐQT CTCP Trang thiết bị kỹ thuật Y tế Tp. HCM hay CTCP Dược S.Pharm./.