Trái phiếu bất động sản ấm trở lại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sự kiện Tân Hoàng Minh đã gián tiếp làm thị trường trái phiếu doanh nghiệp “hạ nhiệt” trong tháng 4/2022. Song, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã "rục rịch" phát hành trái phiếu trở lại...
Trái phiếu bất động sản lại nóng
Trái phiếu bất động sản lại nóng

Thống kê của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy, các doanh nghiệp bất động sản đã trở lại ‘cuộc đua’ phát hành trái phiếu trong tháng 5 và 6/2022.

Cụ thể, trong tháng 5/2022, thị trường ghi nhận 1 đợt phát hành trái phiếu ra công chúng và 34 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng giá trị phát hành 24.105 tỉ đồng. Trong đó, nhóm bất động sản phát hành 6.879 tỉ đồng trái phiếu, chiếm 28,53% tổng giá trị phát hành.

Bước sang tháng 6/2022 (tính đến ngày 24/6), một số doanh nghiệp bất động sản cũng đã phát hành trái phiếu trở lại, kể đến như: CTCP Đầu tư và Bất động sản Hưng Lộc công bố phát hành thành công 150 tỉ đồng trái phiếu; CTCP Đầu tư Nam Long phát hành 500 tỉ đồng trái phiếu.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng là 8.996 tỉ đồng và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ là 143.389 tỉ đồng. Tuy nhiên, lượng trái phiếu do doanh nghiệp bất động sản phát hành vẫn ở mức thấp, chỉ chiếm 6,2% tổng giá trị phát hành.

Trước đó, Bộ Tài chính đã có báo cáo về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2021, trong đó chỉ ra 20 doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu nhiều nhất với tổng giá trị lên tới 100.054 tỉ đồng, chiếm 49,8% tổng giá trị phát hành của nhóm doanh nghiệp này.

Tài sản đảm bảo của trái phiếu do các doanh nghiệp bất động sản phát hành chủ yếu là bất động sản, các chương trình, dự án (chiếm 57,84% tổng khối lượng phát hành), bảo đảm bằng cổ phiếu (chiếm 23,95%), bảo đảm bằng cả bất động sản và cổ phiếu (chiếm 1,37%) và bảo đảm bằng các tài sản khác (chiếm 8,67%).

“Mặc dù tỉ lệ trái phiếu có tài sản đảm bảo cao nhưng thực tế chất lượng tài sản đảm bảo chủ yếu là các dự án, tài sản hình thành trong tương lại hoặc cổ phiếu của các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản. Trường hợp thị trường bất động sản khó khăn, giá trị tài sản đảm bảo có thể không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu”, báo cáo nêu.

Đáng chú ý, một số doanh nghiệp phát hành để góp vốn, mua cổ phần, mua trái phiếu của doanh nghiệp khác hoặc cho doanh nghiệp khác vay vốn; hoặc phát hành để chuyển vốn “lòng vòng” nhằm lách quy định về giới hạn cho vay/đầu tư TPDN của tổ chức tín dụng đối với 1 khách hàng/nhóm khách hàng.

Bộ Tài chính cũng cảnh báo về việc thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nóng, không bền vững sẽ ảnh hưởng chung đến thị trường tài chính, ảnh hưởng đến nhu cầu huy động vốn hợp pháp của các doanh nghiệp để đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh.

Trong năm 2022, cơ quan quản lý khẳng định sẽ tăng cường quản lý, giám sát để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển theo hướng minh bạch, an toàn và bền vững.

Kết hợp cùng sự kiện Tân Hoàng Minh, như VietTimes từng đề cập, lượng trái phiếu doanh nghiệp do doanh nghiệp bất động sản phát hành đã giảm mạnh, chỉ ghi nhận 820 tỉ đồng trái phiếu phát hành trong tháng 4/2022./.