Một trong nhữngngân hàngđược cổ đông quan tâm nhiều đến khoản nợ xấu cho vay sân sau là Eximbank, khi ngân hàng này rót hơn 300 tỷ đồng vào cho công ty con trực thuộc là Eximland, khiến nợ xấu tăng lên trong những năm qua.
Cổ đông đã đặt ra những nghi vấn đối với HĐQT Eximbank, như việc giảm lãi nợ vay cho Eximland 98 tỷ đồng liệu có phải là lý do khiến lợi nhuận Eximbank giảm trong năm qua, khoảnđầu tưhơn 300 tỷ đồng vào Eximland có phải là nợ xấu, mối quan hệ nội bộ của HĐQT với Eximland?
Ông Phạm Hữu Phú, Tổng giám đốc Eximbank cho biết, Eximbank sở hữu 10% vốn Eximland, nhưng nay đã thoái hết vốn. Còn các vấn đề liên quan cho vay ở Eximland thế nào thì phải chờ kết quả thanh tra của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Con số nợ xấu của Eximbank đến tháng 6/2015 là 2.400 tỷ đồng (tương đương 2,82% tổng dư nợ). Do nợ xấu tăng và phải bán lượng nợ xấu lớn cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), nên lãnh đạo Eximbank thừa nhận, phải trích dự phòng cao, khiến lợi nhuận bị ảnh hưởng.
Năm nay, Eximbank phải trích trên 1.000 tỷ đồng nợ xấu cho trái phiếu đặc biệt sau khi đã bán nợ xấu cho VAMC. Vì vậy, để đạt đươc mục tiêu lợi nhuận đề ra 1.000 tỷ đồng trước thuế trong năm nay, đòi hỏi phải có sự nỗ lực lớn từ HĐQT, Ban Điều hành ngân hàng này.
Trong khi đó, ngoài khoản nợ xấu 686 tỷ đồng mà DongA Bank cho Công ty bất động sản Phát Đạt vay để triển khaidự ántrước đó nay chưa thu hồi được, thì ngân hàng này còn “méo mặt” với khoản nợ của công ty trực thuộc là DongA Land.
Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank cho biết, với khoản nợ của Phát Đạt hiện DongA Bank đang trong quá trình thu hồi nợ, nhưng do bất động sản khó khăn, nên thủ tục phái mãi chậm.
Một lãnh đạo cấp cao trong ngành ngân hàng cho rằng, chính sở hữu chéo và sân sau trong lĩnh vực ngân hàng đã để lại hậu quả nợ xấu cho ngành hôm nay. Ba cấu phần chính của nợ xấu ngân hàng là nợ của các doanh nghiệp nhà nước, nợ có khối tài sản bảo đảm là bất động sản và nợ của các bên liên quan (cổ đông, sân trước, sân sau, người liên quan) của ngân hàng. Các cấu phần này trùng lấp lên nhau vì chúng có liên quan mật thiết với nhau. Nợ xấu không giải quyết được rốt ráo là do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc ngân hàng không thanh lý được các tài sản bảo đảm (chủ yếu từ bất động sản) vốn là cấu phần rất lớn trong tổng nợ xấu.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, với khối nợ xấu đến từ các dự án bất động sản tồn kho chưa bán được, các ngân hàng nên tìm mọi cách để xử lý từ việc bán các dự án dang dở cho các ngân hàng khác, đến bán dự án đã hoàn thành cho nhà đầu tư. Còn đối với các dự án mang tính xã hội như chung cư bình dân, dự án nhà ở xã hội, theo TS. Hiếu, Chính phủ có thể tìm cách giải cứu, cùng với ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện dự án.
Đáng chú ý, với các dự án chủ yếu mang tính đầu cơ, giá trị không phù hợp với nhu cầu thực tế thị trường, thì các ngân hàng phải chấp nhận thiệt hại và thanh lý tài sản bảo đảm là bất động sản dưới giá thị trường trước đây, hay phải được thu hồi tài sản này để quy hoạch cho dự án khác.
Được biết, từ ngày 1/9/2015, Nghị định 60/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán sẽ có hiệu lực. Theo đó, ngoài việc phát hành cổ phiếu để hoán đổi lấy cổ phiếu của công ty cổ phần khác như quy định cũ, Nghị định 60/2015/NĐ-CP cho phép phát hành cổ phiếu để hoán đổi lấy phần vốn góp của doanh nghiệp tại doanh nghiệp khác (không phải công ty cổ phần), đồng thời phát hành cho chủ nợ để chuyển nợ thành vốn góp. Đây được xem là cơ hội cho các ngân hàng trong việc chuyển nợ xấu thành vốn góp.
Theo Đầu tư