TP.HCM: Vì sao tỷ lệ thu hút nhân tài và giải ngân vốn đầu tư công đều rất thấp?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sở Nội vụ TP.HCM và Sở Kế hoạch và Đầu tư trả lời câu hỏi của báo chí nguyên nhân vì sao TP.HCM có tỷ lệ thu hút nhân tài và giải ngân vốn đầu tư công đều rất thấp. 
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Lâm Hùng Tấn trả lời câu hỏi của báo chí. Ảnh: Linh Nhi
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Lâm Hùng Tấn trả lời câu hỏi của báo chí. Ảnh: Linh Nhi

Chỉ thu hút được 5 chuyên gia, nhà khoa học

Thông tin tại họp báo chiều 27/4, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Lâm Hùng Tấn cho biết, đối với kế hoạch thu hút 14 chuyên gia, nhà khoa học của TP.HCM năm 2020 cho 4 cơ quan, đơn vị, thì sau khi thẩm định hồ sơ đăng ký ứng tuyển, TP.HCM đã thu hút được 5 người.

Trên cơ sở đó, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao đã tiến hành tiếp nhận, ký hợp đồng với các chuyên gia và phân công nhiệm vụ cho từng trường hợp. Đồng thời, giao các đơn vị trực thuộc phối hợp tốt, tạo điều kiện, môi trường làm việc thuận lợi để chuyên gia làm việc, cống hiến.

Về kế hoạch thu hút 6 nhân lực có tài năng đặc biệt lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật - thể dục, thể thao của TP.HCM năm 2021, Sở Văn hóa và Thể thao đã đăng tải thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, tiến hành nhận hồ sơ đăng ký tham dự và đang triển khai các bước tiếp theo của quy trình thu hút. Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Lâm Hùng Tấn trao đổi, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên số lượng người quan tâm đăng ký tham dự còn ít và tiến độ quy trình thu hút chậm hơn so với kế hoạch.

Lãnh đạo Sở Nội vụ khẳng định hiện nay, các chuyên gia đã được TP.HCM thu hút vẫn đang tiếp tục thực hiện nhiệm vụ khoa học được giao theo kế hoạch đề ra, chưa có trường hợp chuyên gia nào xin nghỉ việc.

Tỷ lệ giải ngân hết tháng 4 mới đạt 8%

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - ông Trần Anh Tuấn lý giải nguyên nhân tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp. Ảnh: Linh Nhi

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - ông Trần Anh Tuấn lý giải nguyên nhân tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp. Ảnh: Linh Nhi

Theo báo cáo, kế hoạch đầu tư công năm 2022 của TP.HCM được Hội đồng nhân dân TP thông qua tại Nghị quyết số 109/NQ-HĐND ngày 9 tháng 12 năm 2021 với tổng số vốn là 44.987,640 tỷ đồng, bao gồm: vốn ngân sách trung ương là 2.479,640 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương là 42.508 tỷ đồng, trong đó phân bổ chi tiết với tổng số vốn là 29.464,008 tỷ đồng và dự phòng kế hoạch đầu tư công năm 2022 là 13.043,992 tỷ đồng.
Theo báo cáo về tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 của TP. HCM của Kho bạc Nhà nước Thành phố, kết quả giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022 đạt tỷ lệ 7% tổng kế hoạch vốn giao (31.943,648 tỷ đồng).

Thông tin tại cuộc họp báo, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Anh Tuấn cho biết thêm chi tiết, tính đến ngày 25/4, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công mới được 8%. Đây là tỷ lệ giải ngân rất thấp so với cùng kỳ nhiều năm.

Từ nay đến hết niên độ Kế hoạch đầu tư công năm 2022, Thành phố sẽ thực hiện điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch đầu tư công năm 2022 cho các chương trình, dự án, đối tượng đầu tư công có tiến độ giải ngân tốt, đảm bảo sử dụng hiệu quả tối đa nguồn lực vốn đầu tư công Thành phố cho phát triển, phục hồi kinh tế.
Bên cạnh đó, Thành phố cũng đã ban hành Kế hoạch tổ chức Hội nghị giao định kỳ hàng tháng về đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công, để đánh giá kết quả giải ngân kế hoạch đầu tư công hàng tháng; lắng nghe và kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của đơn vị, chủ đầu tư; quán triệt, bám sát thực hiện nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công trong năm của Thành phố theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Ngoài nguyên nhân ảnh hưởng của đại dịch liệu có còn nguyên nhân nào khác dẫn tới tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TP.HCM quá thấp?

Ngoài nguyên nhân ảnh hưởng của đại dịch liệu có còn nguyên nhân nào khác dẫn tới tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TP.HCM quá thấp?

Về nguyên nhân, ông Trần Anh Tuấn lý giải, hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn TP vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, chỉ mới bắt đầu khởi sắc trở lại sau đại dịch COVID-19. Cùng với đó, giá thành nguyên vật liệu tăng đột biến và tiếp tục có xu hướng tăng, kéo theo giá hàng hóa, dịch vụ cũng tăng, gây khó khăn cho hoạt động đầu tư.

Ông Trần Anh Tuấn cho rằng, Sở Kế hoạch và Đầu tư có phần trách nhiệm trong kế hoạch chuẩn bị đầu tư công, nhất là khâu rà soát các dự án đầu tư trên địa bàn đảm bảo tính chặt chẽ, công khai, minh bạch và thứ tự ưu tiên để báo cáo UBND TP xem xét. Quá trình này vừa rà soát vừa điều chỉnh, mất nhiều thời gian, làm chậm tiến độ một số dự án.

“Tuy nhiên, khi khâu chuẩn bị đầu tư đã ổn định, tuân thủ nguyên tắc thì các tháng cuối năm đảm bảo tiến độ nhanh hơn. Dự kiến cuối tháng 6/2022, tỷ lệ giải ngân phấn đấu đạt 40%”, ông Tuấn chia sẻ.