Chính quyền thành phố đã chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát tình hình thực hiện của dự án và đề xuất các giải pháp cho dự án này theo hai phương án: tìm cách tháo gỡ khó khăn cho tập đoàn Berjaya (Malaysia) trong việc triển khai dự án hoặc thu hồi giấy phép.
Theo website văn phòng UBND TPHCM đưa vào thứ Sáu rồi (12-8), UBND TPHCM đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp với các sở-ngành liên quan đề xuất điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị Tây Bắc (Củ Chi) theo hướng kết hợp phát triển các khu dân cư mới với chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu.
Trong đó, Ban Quản lý Đầu tư - Xây dựng Khu đô thị Tây Bắc cần rà soát cơ sở pháp lý, thủ tục thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để hạn chế tối đa việc khiếu nại, khiếu kiện khi thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và kế hoạch triển khai công tác bồi thường từ nay đến năm 2020, trình UBND TP trong tháng 12-2016.
Và Sở Kế hoạch và Đầu tư có nhiệm vụ rà soát các dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư tại đây nhưng chưa triển khai thực hiện, trong đó có dự án của Công ty TNHH MTV Đô thị Đại học Quốc tế Berjaya; đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các nhà đầu tư tiếp tục triển khai dự án hoặc thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư nếu dự án không đủ điều kiện tiếp tục triển khai, theo trang web trên,
Vào giữa năm 2008, TPHCM đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho tập đoàn Berjaya Land Berhad để xây dựng một đô thị với tên gọi Khu đô thị đại học quốc tế Việt Nam (VIUT) với tâm điểm là làng đại học quốc tế tại khu đô thị tây bắc thành phố. Theo đó, dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 3,5 tỉ đô la Mỹ này sẽ được xây dựng trên khu đất khoảng 925 héc ta và được chia làm bốn khu chức năng: giáo dục đại học, đô thị kế cận, trung tâm dịch vụ tổng hợp và khu công viên cây xanh.
Khi đó, đây là dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có vốn đăng ký lớn nhất được cấp phép đầu tư vào thành phố và được Chính quyền TPHCM đặt nhiều kỳ vọng bởi Berjaya được đánh giá là nhà đầu tư bất động sản lớn.
Nhà đầu tư Malayasia này đã cho biết việc phát triển dự án này gồm nhiều hạng mục lớn để tạo "lực đẩy" phát triển khu vực này của Thành phố. Trong đó gồm xây dựng cao ốc trung tâm với các chức năng văn phòng, trung tâm thương mại, khách sạn, trung tâm hội nghị, khu vực hành chính đô thị, khu sinh hoạt ngoại khóa đại học quốc tế, khu căn hộ, cảng sông, khu du lịch trên sông, khu thể thao và công viên vui chơi giải trí...
Berjaya còn cam kết sẽ tập hợp một đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp và các chuyên gia cho việc lập kế hoạch tổng thể dự án khu đô thị mới này. Dự kiến, thời gian xây dựng hoàn chỉnh dự án là 10 năm. Tuy nhiên, đến giờ sau hơn 8 năm cấp phép một số hạng mục của dự án vẫn chưa được hình thành mà nguyên nhân được cho là ảnh hưởng thị trường bất động sản trong nước bị đóng băng nhiều năm. Vào thời điểm năm 2013, đại diện phía chủ đầu tư cho biết công ty đã giải phóng được khoảng 200 héc ta mặt bằng của dự án.
Khu đô thị Tây Bắc TPHCM là một trong ba khu đô thị vệ tinh quan trọng của thành phố, bao gồm Khu đô thị Nam Sài Gòn và Khu đô thị Thủ Thiêm. Khu đô thị Tây Bắc Thành phố có diện tích hơn 9.000ha, thuộc địa bàn huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn, cách trung tâm thành phố gần 30km. Việc phát triển Khu đô thị này sẽ tạo động lực phát triển khu kinh tế phía Tây Bắc thành phố và các tỉnh lân cận như Long An, Tây Ninh.
Phát triển hạ tầng, mời gọi đầu tư phát triển Khu đô thị Tây Bắc
Cũng theo website của văn phòng UBND TPHCM, cùng với chỉ đạo trên, lãnh đạo thành phố cũng giao Sở Giao thông vận tải xác định các trục đường chính cần thực hiện, thứ tự ưu tiên triển khai để tạo động lực thu hút, mời gọi đầu tư phát triển Khu đô thị Tây Bắc; ưu tiên đầu tư xây dựng các tuyến đường theo hình thức đối tác công tư (PPP) với phương thức thanh toán bằng quỹ đất.
Ngoài ra, UBND thành phố chấp thuận hủy bỏ chủ trương “tạm không phát triển thêm dự án nhà ở thương mại tại Khu đô thị Tây Bắc” trước đây. Ban Quản lý Đầu tư - xây dựng khu đô thị Tây Bắc được giao xây dựng Đề án thu hút đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, để tạo động lực phát triển trong những năm tới.
Theo TBKTSG