TP.HCM: Dùng trí tuệ nhân tạo để xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Giám đốc Sở TTTT TP.HCM cho biết chính quyền TP đang đẩy mạnh sử dụng trí tuệ nhân tạo, chính quyền số để tăng tương tác giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền.
Giám đốc Sở TTTT TP.HCM - ông Lâm Đình Thắng cập nhật tình hình công tác chuyển đổi số của TP tại cuộc họp sáng 4/8
Giám đốc Sở TTTT TP.HCM - ông Lâm Đình Thắng cập nhật tình hình công tác chuyển đổi số của TP tại cuộc họp sáng 4/8

Tại cuộc họp sáng 4/8, điểm lại các ứng dụng công nghệ thông tin và công tác chuyển đổi số của TP.HCM, Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông (TTTT), ông Lâm Đình Thắng cho biết: “Trong tháng 7, Sở TTTT phối hợp với các sở ngành đã làm được 3 việc quan trọng.

Thứ nhất là phát triển cổng thông tin 1022 trở thành công cụ điều hành, giám sát, có thể phân tích dữ liệu, xử lý phản ánh của người dân theo thời gian thực, có biểu đồ nhiệt, bản đồ số để đánh giá độ hài lòng của người dân ở từng khu vực, xã, phường. Hệ thống này cho phép xuất file để lưu trữ dữ liệu, theo dõi và xử lý các kiến nghị, phản ánh của người dân trên từng lĩnh vực, từng địa phương. 7 tháng đầu năm cổng thông tin này đã nhận trên 22.000 phản ánh, kiến nghị của người dân, trong đó thời gian qua, trật tự đô thị, tài nguyên môi trường là các lĩnh vực được người dân phản ánh nhiều nhất”.

“Chẳng hạn như ngành cấp nước đã nhận 163 kiến nghị nhưng chưa xử lý kiến nghị nào. Con số này có thể không chính xác nhưng đề nghị ngành cấp nước phải kiểm tra lại các phản ánh kiến nghị của người dân. TP Thủ Đức nhận được nhiều phản ánh, kiến nghị nhiều nhất thời gian qua, trong đó phường Hiệp Bình Chánh nhận được nhiều ý kiến nhất” – Ông Lâm Đình Thắng cho hay.

Hướng tới xây dựng đô thị thông minh, đẩy mạnh điều hành chính quyền điện tử, Giám đốc Sở TTTT thông tin: “Hệ thống 1022 có tính năng nhắn tin thông báo chỉ đạo điều hành của lãnh đạo TP tới lãnh đạo địa phương”.

Cũng theo ông Thắng, hệ thống 1022 còn có tính năng nhắn tin tự động định kỳ hàng tuần, 7 ngày một lần nhắc nhở xử lý phản ánh kiến nghị của người dân từng địa phương, trên cơ sở hệ thống đã rà soát lại các kiến nghị còn tồn đọng chưa được giải quyết. Đồng thời tính năng nhắn tin tự động này cũng nhắc nhở địa phương thực hiện các chỉ đạo của lãnh đạo TP và yêu cầu báo cáo tiến độ thực hiện chỉ đạo.

Sở TTTT đề xuất lãnh đạo TP và lãnh đạo các địa phương, sở ngành cùng tham gia chỉ đạo hệ thống này, theo ông Lâm Đình Thắng, hệ thống tin nhắn chỉ đạo điều hành sẽ bắt đầu triển khai thử nghiệm từ ngày 8/8 đến hết ngày 30/8 thì Sở TTTT sẽ xin ý kiến lãnh đạo TP để hệ thống đi vào hoạt động chính thức.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chỉ đạo điều hành tại cuộc họp sáng 4/8

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chỉ đạo điều hành tại cuộc họp sáng 4/8

“Hệ thống có sử dụng trí tuệ nhân tạo xác định vị trí của người dân, chat bot để tương tác với người dân, đồng thời lưu trữ, báo cáo, phân tích cơ sở dữ liệu để hỗ trợ chính quyền xử lý hệ thống phản ánh của người dân” – Ông Lâm Đình Thắng khẳng định.

Thứ hai là cổng thông tin đối ngoại doanh nghiệp, nền tảng tương tác giữa chính quyền với người dân và doanh nghiệp theo thời gian thực, giúp giám sát, theo dõi, cũng như công tác chỉ đạo, điều hành.

Từ đầu năm 2022 đến nay, TP.HCM có 6 cơ quan đã nhận 145 kiến nghị của các doanh nghiệp nước ngoài, còn 54 kiến nghị chưa được xử lý, chưa trễ tiến độ kiến nghị nào. Cơ quan nhận kiến nghị nhiều nhất là Cục thuế, tiếp theo là Hải quan TP.HCM. Dữ liệu ghi nhận Cục thuế nhận 130 kiến nghị, đã giải quyết đúng tiến độ 81 kiến nghị, mức độ hài lòng khá cao. Hệ thống có phiên bản tiếng Anh, dự kiến đến ngày 30/8 sẽ công bố chính thức phiên bản mới của cổng thông tin đối ngoại doanh nghiệp để đi vào thực hiện, tương tác trên các nền tảng số giúp giảm tải văn bản, báo cáo bản giấy trong hệ thống chính trị, đi vào bản chất của chuyển đổi số” – ông Lâm Đình Thắng cho hay.

Thứ ba là hướng tới mục tiêu năm nay TP.HCM sẽ có cổng dịch vụ công duy nhất, kết nối với cổng dịch vụ công của Văn phòng Chính phủ và hệ thống xác thực của Bộ Công an, cho đến cuối năm 2022 toàn TP phải đạt mức độ dịch vụ công mức 3,4; phục vụ trực tuyến hoàn toàn.

"Chúng tôi đang cố gắng phấn đấu để đến giữa tháng 10/2022 sẽ hoàn tất và công bố cổng dịch vụ công này. Đây cũng là hệ thống minh bạch, phản biện về công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo TP,” Giám đốc Sở TTTT cung cấp chi tiết.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, công tác chuyển đổi số không phải chỉ để đẹp, để trang trí mà là chuyển đổi số phải thực chất, khoa học, có hiệu quả, từ người thực hiện, người quản lý đến đối tượng hưởng lợi là người dân và doanh nghiệp.