Cụ thể, UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu có văn bản chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành liên quan nghiên cứu các quy định của pháp luật hiện hành, khảo sát tình hình thực tế tại các khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn, tham mưu, báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu tại kỳ họp gần nhất về việc thu phí này.
“Hiện nay Sở đang thực hiện các nội dung công việc liên quan theo chỉ đạo trước khi hoàn thiện báo cáo trình UBND tỉnh”- một cán bộ của Sở Tài chính Bà Rịa- Vũng Tàu trực tiếp xử lý các nội dung công việc liên quan đến nghiên cứu việc thu phí cảng biển cho biết thêm.
Còn tại TP. HCM, một lãnh đạo của Hội đồng Nhân dân thành phố cũng cho biết các cơ quan chức năng đang nghiên cứu, hoàn thiện đề án thu phí cảng biển để trình HĐND TP.HCM ở kỳ họp gần nhất.
Theo quy định của Luật Phí và lệ phí, có hiệu lực từ ngày 1-1-2017, “Phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu” thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định.
Trước đó, Hải Phòng là địa phương đầu tiên thực hiện thu phí cảng biển.
Lý do được Hải Phòng đưa ra là địa phương này đã chi "hàng trăm nghìn tỷ đồng" xây dựng hệ thống giao thông kết nối giữa cảng biển với hệ thống đường quốc lộ. Đồng thời ngân sách của Hải Phòng hiện nay rất hạn hẹp, không đủ kinh phí để duy tu, bảo trì các khu vực này.
Về mức phí thu, Hải Phòng đã tham khảo mức thu phí tại các địa phương có cửa khẩu và căn cứ vào tình hình thực tế của doanh nghiệp, kết hợp với đóng góp ý kiến của doạnh nghiệp để đề ra mức phí.
Như vậy, không rõ TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu đã chi bao nhiêu để xây dựng hệ thống giao thông, bảo trì các khu vực, hệ thống này để có lý do thu phí cảng biển.
Hiện, Hải Phòng là địa phương đầu tiên trên cả nước thực hiện thu phí tại khu vực cửa khẩu cảng biển, vì vậy chưa thể có khung mức phí chuẩn để áp dụng đối với doanh nghiệp. Do vậy, việc TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tính phí dựa trên cơ sở nào và mức thu phí như thế nào đang là các vấn đề được các doanh nghiệp quan tâm nhất.
Mức thu phí cảng biển Hải Phòng hiện như sau:
Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu sẽ phải chịu mức phí 250 nghìn đồng/container 20 feet; và 500 nghìn đồng/container 40 feet; đối với hàng rời, hàng lỏng mức phí là 20 nghìn đồng/tấn.
Đối với mức phí với hàng hóa tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan, quá cảnh, chuyển cửa khẩu được thu như sau:
Với hàng hóa tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan (trừ trường hợp hàng hóa chuyển cửa khẩu theo quy định tại Khoản 2 Điều 89 Thông tư 38/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính), hàng khô loại 20 feet có mức phí 2,2 triệu đồng/container; hàng khô loại 40 feet có mức phí 4,4 triệu đồng/container; hàng lạnh loại 20 feet có mức phí 2,3 triệu đồng/container; hàng lạnh loại 40 feet có mức phí 4,6 triệu đồng/container; hàng lỏng, hàng rời có mức phí 50 nghìn đồng/ tấn.
Đối với hàng quá cảnh, chuyển cửa khẩu được quy định tại Khoản 2 Điều 89 Thông tư 38/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính, mức phí là 500 nghìn đồng/ container 20 feet; 1 triệu đồng/ container 40 feet; hàng trong container đóng ghép (của nhiều chủ hàng) 50 nghìn đồng/ tấn; hàng rời không đóng trong container là 2 nghìn đồng/tấn.