Đây là tin mừng trong bối cảnh dịch tay chân miệng đang gia tăng cao ở TP. Hồ Chí Minh, đặc biệt là virus Enterovirus 71 (EV71) xuất hiện trở lại ở phía Nam với nhiều trẻ em mắc bệnh tay chân miệng nặng cần chỉ định Immunoglobulin tiêm tĩnh mạch (IVIG).
Cần chủ động nguồn thuốc hiếm
Mà Immunoglobulin tiêm tĩnh mạch (IVIG) là một trong những thuốc điều trị hỗ trợ hiệu quả đối với những trường hợp tay chân miệng nặng, giúp giảm tỉ lệ chuyển độ cũng như giảm tỉ lệ biến chứng nặng của bệnh tay chân miệng ở trẻ.
Trong khi đó, nhiều địa phương không chủ động được nguồn thuốc IVIG – là thuốc chỉ sản xuất được từ huyết tương người và chưa sản xuất được trong nước, nên là một thách thức không nhỏ đối với hệ thống y tế nước ta.
Theo Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, ngày 23/6/2023, Viện Kiểm định Quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế đã cấp giấy chứng nhận xuất xưởng cho 6.000 lọ thuốc ProIVIG do Công ty TNHH Thương mại Dược phẩm Duy Anh nhập khẩu.
Các bệnh viện chuyên khoa Nhi của TP. Hồ Chí Minh đã tiếp cận được nguồn thuốc IVIG này và khẩn trương thực hiện các thủ tục mua sắm thuốc, đảm bảo không bị gián đoạn nguồn cung ứng thuốc cho công tác điều trị bệnh tay chân miệng.
Tuy nhiên, số thuốc này chưa đủ để ứng phó với dịch đang gia tăng, nhất là khi chưa biết thời điểm đỉnh dịch trên địa bàn là khi nào.
IVIG là một chế phẩm của globulin người, được tổng hợp từ người hiến máu khỏe mạnh và chứa các kháng thể trung hòa chống lại các loại enterovirus khác nhau. IVIG tạo miễn dịch thụ động nhờ tác dụng làm tăng kháng thể và tăng khả năng phản ứng kháng thể - kháng nguyên.
Khác với các loại thuốc khác, IVIG được điều chế trực tiếp từ huyết tương người nên việc sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung cấp huyết tương thông qua hiến máu, nên việc tăng đột biến nhu cầu về số lượng thuốc sẽ gặp khó khăn hơn.
Tại Việt Nam, chế phẩm Immunoglobulin chưa được sản xuất trong nước mà phải nhập khẩu hoàn toàn từ nước ngoài. Trong 2 năm qua, nguồn cung ứng huyết tương trên toàn cầu bị sụt giảm nghiêm trọng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Do điều chế trực tiếp từ huyết tương người, IVIG chỉ được phép đưa ra lưu hành, sử dụng sau khi có giấy chứng nhận chất lượng do Viện Kiểm định Quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế cấp, xác nhận lô sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, bảo đảm an toàn, hiệu quả.
Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đề xuất: Về lâu dài, do bệnh tay chân miệng là một loại dịch bệnh lưu hành và sẽ còn tiếp tục diễn biến trong nhiều năm tới, do đó, cần sớm có những giải pháp căn cơ và chủ động hơn về cung ứng thuốc IVIG cho công tác phòng chống dịch tay chân miệng, như Bộ Y tế triển khai mua sắm tập trung các thuốc hiếm đảm bảo cung ứng thuốc cho nhóm bệnh dịch bệnh lưu hành (sốt xuất huyết, tay chân miệng…) và một số bệnh nguy hiểm, ít gặp khác.
Bên cạnh đó, TP. Hồ Chí Minh cần có chính sách khuyến khích và thu hút các doanh nghiệp dược trong nước nghiên cứu sản xuất Immunoglobulin từ nguồn cung ứng huyết tương sẵn có tại chỗ, thông qua hoạt động hiến máu, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn thuốc nhập khẩu. Điều này cũng phù hợp với định hướng phát triển nền Công nghiệp Dược của TP. Hồ Chí Minh trong thời gian tới.
Số trẻ mắc tay chân miệng nặng gia tăng
Theo TS. Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 - bệnh tay chân miệng tăng mạnh trong 3 tuần gần đây dù hiện chưa phải mùa cao điểm. Mọi năm, tháng 8,9 bệnh tay chân miệng mới tăng, khi trẻ bắt đầu nhập học năm học mới. Nhưng năm nay, hiện dịch tay chân miệng đã tăng, bệnh cũng diễn tiến phức tạp. Đặc biệt, số ca nặng tăng gấp 2,5 lần so với những năm trước và đã có 4 ca tử vong. Hầu hết các ca nhập viện đến từ các tỉnh lân cận, trong đó nhiều bé nhập viện bệnh đã ở mức độ 3.
Cũng theo TS. Nguyễn Thanh Hùng, bệnh theo mùa và diễn tiến nặng khá nhanh, nhưng nhiều phụ huynh chủ quan nên khi thấy trẻ chỉ có biểu hiện nhẹ đã không đưa đến các cơ sở y tế, để khi nhập viện trẻ đã trở nặng.Trong mấy ngày gần đây, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã tiếp nhận hơn 10 bé bị bệnh tay chân miệng nặng phải thở máy. Riêng ngày 21/6, Bệnh viện nhận liên tiếp 5 ca rất nặng, phải điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc.
Có những trường hợp nguy kịch, ngưng thở, bác sĩ phải phối hợp nhiều biện pháp để cứu sống. Chẳng hạn, bé gái 14 tháng tuổi nhập viện cách đây một tuần, ba ngày đầu sốt nhẹ, xuất hiện hồng ban ở bàn tay, bàn chân kèm loét họng. Sau đó bé bớt sốt nhưng ngủ hay giật mình. Đến ngày thứ 5, bé giật mình chới với nhiều khi ngủ, gia đình đưa vào viện nhưng diễn tiến nhanh dẫn đến suy hô hấp. Bé ngưng thở, bác sĩ đặt nội khí quản và chuyển đến khoa hồi sức tích cực để thở máy song trụy tim mạch, mạch nhanh, tụt huyết áp, đe dọa tính mạng. Bác sĩ phải dùng thuốc vận mạch trợ tim, truyền dịch chống sốc và lọc máu cấp cứu.