TP HCM: Tầm soát miễn phí việc chậm tăng chiều cao ở trẻ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Chương trình “Tầm soát miễn phí chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ em” sẽ diễn ra từ ngày 17/6 đến 9/7 tới đây, do Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP HCM tổ chức.

Từ ngày 17/6 đến 9/7, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP HCM sẽ tổ chức “Tầm soát miễn phí chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ em” (ảnh BVCC)
Từ ngày 17/6 đến 9/7, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP HCM sẽ tổ chức “Tầm soát miễn phí chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ em” (ảnh BVCC)

“Giai đoạn vàng để điều trị chậm tăng trưởng chiều cao cho trẻ là trước tuổi dậy thì, vì sau giai đoạn này, sụn xương sẽ đóng lại, việc điều trị không hiệu quả” - Bác sĩ Trần Thị Ngọc Anh - Khoa Nội tiết Bệnh viện (BV) Nguyễn Tri Phương - cho biết.

Đó là lý do để BV Nguyễn Tri Phương tổ chức tầm soát miễn phí cho tất cả trẻ em có nghi ngờ chiều cao thấp hơn so với độ tuổi, nhằm phát hiện sớm các bé chậm tăng trưởng do thiếu hormone tăng trưởng (GH) và các bệnh lý liên quan. Từ đó có phương pháp chữa trị kịp thời để trẻ có được chiều cao tối ưu khi trưởng thành.

Theo TS. BS. Lê Cao Phương Duy - Phó Giám đốc BV Nguyễn Tri Phương - đây là chương trình hỗ trợ cộng đồng thường niên của BV. Việc tầm soát được áp dụng cho trẻ trước tuổi dậy thì sẽ gồm kiểm tra chiều cao, cân nặng và khảo sát các triệu chứng chậm tăng trưởng, để đưa ra những giải pháp điều trị phù hợp.

Trẻ cũng được chụp X - Quang xương bàn tay miễn phí khi có chỉ định để được đánh giá tuổi xương. Từ đó, các bác sĩ sẽ tư vấn về việc phát triển chiều cao của trẻ là bình thường hay bất thường. Những trường hợp nghi ngờ chậm tăng trưởng chiều cao sẽ được hướng dẫn xét nghiệm máu để định lượng chính xác hormone tăng trưởng và một số hormone liên quan khác.

vt_tam soat 3.png
Một trường hợp trẻ chậm tăng trưởng chiều cao (ảnh BVCC)

Thông thường, trẻ mới sinh có chiều cao 48-52cm, trong năm đầu bé tăng khoảng 20-25cm, sang năm thứ 2 tăng 12cm, năm thứ 3 tăng 10 cm, năm thứ 4 tăng 7cm. Từ 4 tuổi trở đi, phụ huynh cần chú ý nhiều hơn đến tốc độ tăng trưởng chiều cao của trẻ. Từ năm 4-11 tuổi, trẻ sẽ tăng trung bình 4-6cm/năm. Đến tuổi dậy thì, bé gái tăng khoảng 6 - 10 cm mỗi năm. Bé trai tăng từ 6,5 - 11 cm mỗi năm.

Trường hợp trẻ không đạt được các mốc tăng trưởng về chiều cao theo từng độ tuổi, cha mẹ nên nghĩ ngay đến việc cho trẻ đi khám và tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao sớm.

Có nhiều yếu tố chi phối sự phát triển chiều cao của trẻ, bao gồm: di truyền, dinh dưỡng, môi trường sống, chế độ sinh hoạt, thể dục thể thao, GH… Trong đó, yếu tố di truyền là không thể thay đổi được.

Riêng trường hợp chậm tăng trưởng do thiếu GH, theo thống kê, trên thế giới, ước tính chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 1/3000 - 1/4.000, nhưng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến chậm tăng trưởng ở trẻ em và rất khó nhận biết, thường phải các bác sĩ Nội tiết giỏi chuyên môn và giàu kinh nghiệm mới phát hiện được.

Nếu không được điều trị, trẻ thiếu GH sẽ có chiều cao chỉ từ 135 - 145 cm, thấp hơn nhiều so với chiều cao tối đa có thể đạt được. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống sau này, của trẻ mà còn có thể khiến tâm lý của trẻ bị ảnh hưởng vì sự mặc cảm, tự ti vì bị “lùn” khi so với bạn bè đồng trang lứa.

Bác sĩ Trần Thị Ngọc Anh - Khoa Nội tiết BV Nguyễn Tri Phương - cho biết: Nếu xác định trẻ bị thiếu GH, bác sĩ sẽ chỉ định bổ sung GH mỗi ngày. Trẻ thiếu GH được điều trị sớm sẽ hiệu quả và phát triển gần như trẻ em bình thường. Khoa hiện đang điều trị cho khoảng hơn 80 trẻ chậm tăng trưởng do thiếu GH.”

BV Nguyễn Tri Phương đã chẩn đoán và điều trị thành công cho hàng trăm trường hợp chậm tăng trưởng do thiếu GH. Đó là bé gái NTH 12 tuổi, được điều trị GH năm bé 10 tuổi khi bé cao 126,5 cm, nặng 30 kg. Sau 2 năm, bé cao 148 cm, nặng 41 kg (21,5 cm/24 tháng). Chiều cao của bé nằm trong mức trung bình so với các bạn cùng lứa tuổi, trong khi trước khi điều trị bé luôn ở vị trí thấp nhất. Hiện bé vẫn đang được bổ sung GH.

Trường hợp khác là bé trai CDA 15 tuổi, điều trị GH năm bé 7 tuổi. Từ năm 4 tuổi, chiều cao bé tăng rất chậm (3-4 cm/ năm), luôn thấp nhất lớp. Bé được điều trị GH liên tục trong 6 năm. Khi bé 13 tuổi, bé xuất hiện dấu hiệu dậy thì và gia đình quyết định ngưng điều trị. Lúc bắt đầu điều trị bé cao 113 cm, nặng 26 kg. Thời điểm ngưng điều trị chiều cao của bé là 155 cm, nằm trong mức trung bình so với tuổi (trung bình bé tăng 7-8 cm/ năm). Hiện tại sau dậy thì 1 năm, chiều cao bé là 165 cm.

Một bé trai khác sinh tháng 1/2016, thời điểm bé đến khám là 7/2020, chỉ cao 99 cm, cân nặng 15 kg. Bé được chẩn đoán thiếu hormon tăng trưởng và bắt đầu điều trị từ 8/2020. Sau 6 tháng, chiều cao của bé là 103 cm (tăng 4 cm), nặng 15,5 kg.

vt_tam soat 2.png
Phụ huynh đưa trẻ đi "Tầm soát miễn phí chậm tăng trưởng chiều cao” (ảnh BVCC)

Bé trai H.T năm nay 12 tuổi. Ngay khi bé 2 tuổi, cha mẹ đã nhận thấy bé thấp hơn bạn cùng trang lứa nên cho bé tăng cường dinh dưỡng, nhưng không thấy thay đổi. Mẹ bé cũng dẫn bé đi khám tại các BV nhi chuyên ở TP. HCM và cả ở Singapore nhưng không các định được bệnh. Sau đó, trong một chương trình tầm soát miễn phí của BV Nguyễn Tri Phương, mẹ bé dẫn con đến khám và bé được chẩn đoán thiếu GH và điều trị từ tháng 9/2019. Khi bé 9 tuổi, cao 127.5cm, nặng 26.6kg. Sau 1 năm 4 tháng điều trị, bé đã tăng thêm 14cm. Hiện tại bé vẫn đang tiếp tục điều trị và đang được theo dõi chiều cao, thể chất đều đặn.

Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp đã được phụ huynh cho điều trị và can thiệp dinh dưỡng trước đó nhưng không có sự cải thiện. Chỉ khi được xác định đúng nguyên nhân gây chậm cao do thiếu GH và tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ, trẻ mới cải thiện được chiều cao.

Thời gian nhận đăng ký: Từ ngày 5/6/2023 đến ngày 3/7/2023. Phụ huynh có thể gọi điện thoại đăng ký qua hotline: 0335 116 057 hoặc 0932 714 440 trong khung giờ 8h - 17h tất cả các ngày trong tuần.