Tầm soát miễn phí chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ chưa dậy thì

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Từ ngày 25/6/2022 đến ngày 17/7/2022, Khoa Nội tiết Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) sẽ tổ chức chương trình “Tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ em”.
Trẻ khám tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao tại BV NTP năm 2021. Ảnh: BVCC
Trẻ khám tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao tại BV NTP năm 2021. Ảnh: BVCC

Đây là chương trình hỗ trợ tầm soát miễn phí cho tất cả các trẻ em chưa dậy thì có nghi ngờ chiều cao thấp hơn so với độ tuổi, nhằm giúp phát hiện sớm và theo dõi các bất thường về tăng trưởng chiều cao ở trẻ, đặc biệt do thiếu hormone tăng trưởng. Phụ huynh nếu có bất kỳ lo lắng nào về sự phát triển chiều cao ở trẻ, có thể đưa trẻ đến khám để được các bác sĩ chẩn đoán, phát hiện sớm; từ đó có hướng điều trị kịp thời, giúp trẻ cải thiện chiều cao hiệu quả đến khi trưởng thành. Đây là chương trình hỗ trợ cộng đồng thường niên của Bệnh viện và là năm thứ 6 liên tiếp Bệnh viện tổ chức chương trình này.

Thời gian nhận đăng ký: Từ ngày 21/06/2022 đến ngày 12/07/2022, phụ huynh gọi điện thoại đăng ký theo hotline 0983 369 597 (8h -17h tất cả các ngày trong tuần). Phụ huynh cần lưu ý, Bệnh viện chỉ nhận khám tầm soát cho các trường hợp trẻ đã đăng kí qua hotline.

Thời gian diễn ra chương trình từ 8h-12h thứ Bảy và Chủ Nhật hàng tuần, áp dụng từ ngày 25/06 – 17/07/2022, tại Lầu 3, khu A - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (468 Nguyễn Trãi, phường 8, quận 5, TP.HCM).

Tầm soát miễn phí cho trẻ chậm tăng trưởng chiều cao

Tầm soát miễn phí cho trẻ chậm tăng trưởng chiều cao

Bắt đầu được triển khai từ năm 2017, tính đến nay, chương trình đã tầm soát miễn phí cho hơn 1700 trẻ. Tổng số trẻ được chẩn đoán thiếu hormone tăng trưởng là hơn 140 trẻ. Trong năm nay, chương trình dự kiến sẽ tiếp nhận khoảng hơn 200 trẻ đến thăm khám.

TS. BS. Lê Cao Phương Duy - Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết: “Qua các năm triển khai chương trình, nhận thức của phụ huynh về các nguyên nhân gây chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ, đặc biệt do thiếu hormone tăng trưởng dần được cải thiện. Việc phụ huynh cho trẻ tầm soát để có thể sớm tìm được nguyên nhân, từ đó được định hướng điều trị đúng sẽ giúp trẻ cải thiện chiều cao hiệu quả, tự tin hơn trong cuộc sống sau này. Chương trình cũng nằm trong hoạt động hỗ trợ cộng đồng mang tính dấu ấn của bệnh viện với mục tiêu giúp cải thiện chiều cao cho trẻ - một phần trong nỗ lực nâng cao tầm vóc trẻ em Việt. Hiện tại, Khoa Nội tiết Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cũng là khoa mũi nhọn điều trị những trường hợp chậm tăng trưởng ở trẻ. Do đó, thông qua chương trình tầm soát, đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm có thể giúp chẩn đoán và phát hiện kịp thời những trường hợp trẻ thiếu hormone tăng trưởng – vốn là nguyên nhân gây chậm cao ở trẻ rất khó nhận biết.”

Trẻ tham gia tầm soát sẽ được các bác sĩ hỏi về tiền sử lúc sanh, tiền sử bệnh tật, tiền sử gia đình, tốc độ tăng trưởng chiều cao của trẻ. Ảnh: BVCC
Trẻ tham gia tầm soát sẽ được các bác sĩ hỏi về tiền sử lúc sanh, tiền sử bệnh tật, tiền sử gia đình, tốc độ tăng trưởng chiều cao của trẻ. Ảnh: BVCC

Khi tham gia tầm soát, phụ huynh cần cung cấp những thông tin về tiền sử lúc sanh, tiền sử bệnh tật, tiền sử gia đình, tốc độ tăng trưởng chiều cao của trẻ để các bác sĩ có những đánh giá sơ bộ bước đầu. Tiếp theo, trẻ sẽ được thăm khám lâm sàng và đánh giá tình trạng tăng trưởng thông qua các chỉ số chiều cao, cân nặng, đối chiếu với các giá trị tham chiếu trên biểu đồ tăng trưởng. Trẻ cũng được chụp X - Quang xương bàn tay miễn phí khi có chỉ định để được đánh giá tuổi xương. Từ đó, các bác sĩ sẽ tư vấn về vấn đề phát triển chiều cao của trẻ là bình thường hay bất thường. Những trường hợp nghi ngờ chậm tăng trưởng chiều cao sẽ được hướng dẫn các bước xử trí tiếp theo, bao gồm việc xét nghiệm máu để định lượng chính xác hormone tăng trưởng và một số hormone liên quan khác trong cơ thể.

Thông thường, trẻ mới sinh có chiều cao 48-52cm, trong năm đầu bé tăng khoảng 20-25cm, sang năm thứ 2 tăng 12cm, năm thứ 3 tăng 10 cm, năm thứ 4 tăng 7cm. Từ 4 tuổi trở đi, phụ huynh cần chú ý nhiều hơn đến tốc độ tăng trưởng chiều cao của trẻ. Từ năm 4-11 tuổi, trẻ sẽ tăng trung bình 4-6cm/năm. Nếu trẻ không đạt mức tăng trưởng chiều cao bình thường đó, cha mẹ nên nghĩ ngay đến việc cho trẻ đi khám và tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao sớm.

Đông đảo trẻ được đưa đến tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao năm 2021
Đông đảo trẻ được đưa đến tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao năm 2021

Có nhiều yếu tố chi phối sự phát triển chiều cao của trẻ, bao gồm: di truyền, dinh dưỡng, môi trường sống, chế độ sinh hoạt, thể dục thể thao, hormone tăng trưởng (GH)… Trong đó, yếu tố di truyền là không thể thay đổi được. Riêng trường hợp chậm tăng trưởng do thiếu GH, theo thống kê, trên thế giới, ước tính chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 1/3000 - 1/4.000 nhưng đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến chậm tăng trưởng ở trẻ em và rất khó nhận biết.

Nếu không được điều trị, trẻ thiếu GH có chiều cao trung bình chỉ từ 135 - 145 cm, thấp hơn nhiều so với chiều cao tối đa có thể đạt được. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống sau này của trẻ mà còn có thể khiến tâm lý của trẻ bị ảnh hưởng vì sự mặc cảm, tự ti khi so với bạn bè đồng trang lứa.

Bác sĩ Trần Thị Ngọc Anh - Khoa Nội tiết Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết: “Cách tốt nhất để phát hiện chậm tăng trưởng chiều cao là đo chiều cao hàng tháng và dựa vào biểu đồ tăng trưởng. Nếu đường cong biểu diễn chiều cao nằm ngang hoặc đi xuống thì phụ huynh cần cho trẻ thăm khám ngay. Nếu trẻ chậm cao do thiếu GH, việc điều trị cần được thực hiện sớm, tốt nhất là trong giai đoạn từ 4-13 tuổi. Nếu để qua tuổi dậy thì, thường là sau 13 tuổi, khi các sụn xương trẻ đóng lại, việc điều trị sẽ không còn hiệu quả nữa. Mục tiêu của điều trị thiếu GH là giúp trẻ tăng chiều cao càng gần mức bình thường càng tốt. Với trẻ chậm cao do thiếu GH, nếu điều trị sớm, có thể bắt kịp tăng trưởng của các trẻ bình thường và hầu như sẽ đạt được chiều cao tối đa lúc trưởng thành theo di truyền của từng trẻ. Hiện tại, bệnh viện Nguyễn Tri Phương cũng đang điều trị cho khoảng hơn 100 trẻ chậm tăng trưởng do thiếu GH.”