Theo đó, công trình xây dựng tuyến cống bao có đường kính 3,2m, dài khoảng 8km từ giếng bờ đông sông Sài Gòn đến Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Q.2. Khi hoàn thành, kết hợp với tuyến cống bao thoát nước thải dài 8,3km (đường kính 3m) từ đoạn hợp lưu (đường Lê Bình và Út Tịch, Q.Tân Bình) đến bờ đông sông Sài Gòn ở dự án vệ sinh môi trường giai đoạn 1 đã nâng tổng chiều dài tuyến cống bao này lên 16,3km.
Nhà máy xử lý nước thải thu từ tuyến cống này được xây dựng tại phường Thạnh Mỹ Lợi, Q.2, có diện tích 38,4ha. Đây là nhà máy có quy mô xử lý nước thải lớn nhất cả nước với công suất 480.000 m3/ngày, biến nước bẩn thành nước sạch đạt tiêu chuẩn loại A và được bơm trở lại sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, dự kiến nhà máy sẽ hoàn thành xây dựng vào năm 2020.
Theo Ban quản lý dự án, tuyến cống bao này giúp thu gom toàn bộ nước thải của cư dân hai bên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thuộc 5 quận và của cư dân Q.2 đưa về nhà máy xử lý nước thải, thay vì hiện nay bơm nước thải ra sông Sài Gòn.
Như vậy, việc kết nối hai dự án vệ sinh môi trường sẽ góp phần cải thiện đời sống cho khoảng 2 triệu cư dân trên địa bàn các quận 1, 2, 3, 10, Phú Nhuận, Tân Bình, Bình Thạnh và Gò Vấp. Đồng thời giải quyết một phần chống ngập nước cho các địa bàn trên do trong dự án giai đoạn 1 đã lập trạm bơm chống ngập nước tại Q.Bình Thạnh có công suất 64.000 m3/giờ.
Được biết, dự án “Giải quyết ngập do triều” sẽ được triển khai trong 2 giai đoạn, giai đoạn 1 có vốn đầu tư gần 10.000 tỉ đồng và dự án vệ sinh môi trường TP giai đoạn 2 có vốn hơn 11.100 tỉ đồng được chờ đợi sẽ giúp cải thiện môi trường TP.HCM.
Trong đó, giai đoạn 1 có tổng vốn đầu tư là 10.000 tỷ đồng, đã được khởi công vào tháng 6/2016. Giai đoạn 2 sẽ có tổng vốn đầu tư 524 triệu USD (tương đương 11.132 tỉ đồng), trong đó vốn vay từ Ngân hàng Thế giới là 450 triệu USD, phần còn lại 74 triệu USD là vốn đối ứng từ ngân sách TP.
Dự án chống ngập được triển khai trên địa bàn 19/24 quận huyện TP với các hạng mục chính là xây dựng 6 cống kiểm soát triều, xây dựng đê bao ven sông Sài Gòn từ sông Vàm Thuật đến sông Kinh dài 7,8km ở các đoạn xung yếu; xây dựng các cống thoát nước có đường kính từ 1-10m từ sông Vàm Thuật đến sông Mương Chuối...
Theo lãnh đạo UBND TP, đây là dự án lớn, yêu cầu kỹ thuật cao, sau khi hoàn thành sẽ kiểm soát ngập cho vùng diện tích 570km2 với khoảng 6,5 triệu dân ở khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và khu trung tâm TP. Dự án này góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, năng lực cạnh tranh và thay đổi bộ mặt TP, tạo tiền đề để thu hút đầu tư trong và ngoài nước.