Tổng thư ký VFF lý giải việc chưa in vé điện tử

Chiều 29/11, Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh cho biết đơn vị này dù làm cách nào cũng bị người hâm mộ chỉ trích.

VFF phủ nhận sự tồn tại của vé chợ đen trận bán kết AFF Cup Trả lời truyền thông chiều 29/11, Tổng thư ký Liên đoàn bóng đá Việt Nam, ông Lê Hoài Anh khẳng định chưa có một tấm vé nào của trận bán kết AFF Cup rời khỏi trụ sở VFF.

Sau 1 ngày triển khai hệ thống bán vé online, việc tiếp nhận đăng ký từ người hâm mộ đã hoàn tất. Tổng thư ký Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) Lê Hoài Anh có những chia sẻ ban đầu.

"Tổng cộng có 250.000 người truy cập vào hệ thống (dựa theo địa chỉ IP) với số lần truy cập lên tới 1,7 triệu. Ngay ở thời điểm đầu tiên mở bán, hệ thống đã tiếp nhận tới 130.000 lượt truy cập cùng lúc. Con số 250.000 người có nhu cầu mua vé gấp hơn 6 lần sức chứa của sân Mỹ Đình. Bởi vậy chắc chắn có rất nhiều người không thể mua vé. Chúng tôi rất mong khán giả thông cảm", ông Hoài Anh thông tin.

Cách thức bán vé truyền thống gây ra nhiều hình ảnh lộn xộn, không đẹp mắt. Ảnh: Việt Hùng.

Bán vé online ưu việt hơn bán vé truyền thống

Việc mở bán vé online hoàn toàn và không còn duy trì hình thức truyền thống trước đây, theo ông Hoài Anh chia sẻ thì xuất phát từ tình hình thực tế khi những phương thức truyền thống có nhiều bất cập, đặc biệt là để lại hình ảnh không đẹp mắt.

"Trước khi quyết định bán vé online, chúng tôi có trao đổi và báo cáo lãnh đạo. Thực tế trong quán trình bán vé trực tiếp trên sân Mỹ Đình diễn ra những hình ảnh không đẹp như hiện tượng chen lấn, giành giật quyền mua vé hay quay vòng nhiều lần tích-kê", vị Tổng thư ký này chia sẻ.

Ông Hoài Anh cũng chỉ ra những ưu thế của việc bán vé online: "Việc thanh toán điện tử hiện nay khá phổ cập. Người Việt Nam đã làm quen với thương mai điện tử từ khá lâu với nhiều trang thương mại điện tử khác nhau. Việc giao dịch không bằng tiền mặt và dùng dịch vụ chuyển phát theo yêu cầu của người mua cũng là điểm cộng khá lớn".

Tổng thư ký Lê Hoài Anh cho rằng bán vé online ưu việt hơn bán vé truyền thống.

Về cách thức vận hành, vị đại diện VFF chia sẻ việc bán vé online là sự hợp tác giữa 3 bên VFF, đơn vị vận hành hệ thống, đơn vị phụ trách chuyển phát vé. "Toàn bộ số vé sẽ do Bưu điện Việt Nam xử lý theo dữ liệu người đăng ký của đơn vị vận hành hệ thống", ông Hoài Anh chia sẻ.

Liên quan đến phương thức thanh toán. Nhiều ý kiến phản biện cho rằng bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt là gây khó cho người hâm mộ. Trước thông tin này ông Hoài Anh cho biết BTC không hề bắt buộc thẻ thanh toán phải trùng thông tin của người mua.

"Trong một gia đình sẽ có những người biết sử dụng công nghệ hoặc thanh toán điện tử. Hoàn toàn có thể xảy ra trường hợp nhờ người đăng ký hoặc thanh toán. BTC không hề cấm đoán việc này, miễn sao mọi thứ đều đúng với quy định và pháp luật", ông nói.

Những hình ảnh chen lấn, xô đẩy không xuất hiện ở lần bán vé trận bán kết.

100% số vé đều có chủ là người thật

Sáng 28/11, rất nhiều ý kiến về tình trạng đặt vé liên tục xuất hiện trên các mạng xã hội. Đa số trong đó là những chỉ trích, phản ánh về lỗi trong quá trình người dùng sử dụng hệ thống. Về vấn đề này, ông Hoài Anh lý giải.

"Không phải ai trong số 250.000 người truy cập cũng mua được vé. Có những người mua được là do họ có sự sắp xếp về thời gian và được phép giao dịch. Buổi sáng qua chúng tôi cũng đối mặt với khủng hoảng thông tin khi có sự nhầm lẫn về câu chữ trong thông báo. Điều này gây ra những bức xúc nhất định. Ngay khi phát hiện, bộ phận kỹ thuật đã xử lý lại và chúng tôi cũng lên tiếng khẳng định vẫn còn vé bán".

"Số lượng người mua được là thiểu số trong những người có nhu cầu và họ nhận những bình luận mang tính kỳ thị khi chia sẻ thông tin đặt vé thành công. Chúng tôi khẳng định đó đều là những người thật và Bưu điện Việt Nam sẽ phụ trách việc này dựa trên danh sách có thật", ông Hoài Anh nói thêm.

Nhân viên VFF kiểm kê, đối chiếu trong đợt trả vé online 2 trận của đội tuyển Việt Nam tại vòng bảng. Ảnh: Quang Thịnh.

Những thống kê cho thấy việc đặt vé không chỉ diễn ra với những người sinh sống trên địa bàn Hà Nội mà còn nhiều địa phương khác. Theo tính toán, có 65% khán giả lựa chọn nhận vé bằng chuyển phát thay vì đến trụ sở VFF. Với 35% còn lại, BTC sẽ tiến hành trả vé từ 9h sáng mai.

Cũng theo chia sẻ của vị Tổng thư ký này, BTC phải thực hiện việc tiết chế số lượng thực hiện giao dịch ở mức 500 lượt. "Nếu không có sự can thiệp về mặt kỹ thuật, chỉ trong 2 phút toàn bộ số vé sẽ có chủ. Chúng tôi làm vậy để 'xếp chỗ' cho những người vì lý do nào đó không thể đặt vé ở thời điểm ban đầu", ông Hòi Anh nói.

Chưa thể in vé điện tử vì cơ chế

Một trong những ý kiến băn khoăn về cách thức đặt vé online là tại sao không thể chọn chính xác số ghế hoặc VFF không có phương án in vé điện tử giống việc đặt vé máy bay vốn đã được áp dụng nhiều năm nay.

Ông Hoài Anh cho biết đơn vị này gặp khó khăn ngay từ khi bán 4.000 vé cho 2 trận tại vòng bảng: "Chúng tôi mất rất nhiều thời gian và công sức để so sánh, đối chiếu để tìm ra hàng ghế chính xác theo đơn đặt của khán giả. Việc để khán giả đặt chính xác số ghế ngồi chỉ phù hợp với những sự kiện nhỏ dưới 500 chỗ ngồi mà thôi".

VFF vẫn chưa thể áp dụng việc in vé điện tử do cơ chế chưa cho phép. Ảnh: Quang Thịnh.

Ông Lê Hoài Anh cũng nêu ra những nguyên nhân dẫn tới BTC chưa thể in vé điện tử như nhiều người thắc mắc. Trong đó, khán giả là một trong những trở ngại bởi việc này đòi hỏi phải có đủ thời gian để xác thực bằng máy móc chuyên dụng. Tuy nhiên, thói quen của đa số khán giả là đến sân sát giờ thi đấu nên chắc chắn sẽ xảy ra hiện tượng tắc nghẽn, thậm chí xô đẩy.

"Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng in vé điện tử giống mua vé máy bay. Tuy nhiên, việc này còn liên quan tới kiểm soát của cơ quan thuế. Chúng tôi cần cơ chế mới có thể triển khai. Hiện nay, chúng ta vẫn phải chấp nhận kết hợp giữa áp dụng công nghệ và cách thức kiểm soát cũ", ông nói.

"Chúng tôi cũng rất muốn áp dụng như quốc tế đang làm. Tuy nhiên dù công nghệ đã có những bước phát triển nhất định nhưng từng đó là chưa đủ để tiếp cận với thế giới và cần được thúc đẩy thêm", ông Hoài Anh nói thêm.

VFF tiến thoái lưỡng nan

Tới thời điểm này, việc tiếp nhận đặt vé đã hoàn tất. Tuy nhiên, những ý kiến trái chiều, thậm chí chỉ trích VFF vẫn xuất hiện. Công bằng mà nói, đơn vị này đã có những nỗ lực để làm hài lòng người hâm mộ hơn.

Có thể nhận thấy rõ ràng nhất là việc chuyển sang bán vé online thay vì bán lẻ trực tiếp vốn nhận rất nhiều bình luận tiêu cực khi nó gây ra hình ảnh không mấy đẹp mắt. Tuy nhiên, việc triển khai phương thức mới này cũng nhận không ít "gạch đá" từ người dùng.

Tổng thư ký Lê Hoài Anh khẳng định đơn vị này đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho ngày mở cổng đăng ký: "Ngay sau trận gặp Malaysia chúng tôi đã bắt tay vào chuẩn bị và tổ chức 5-6 cuộc họp với những tình huống, quan điểm cá nhân của các bên liên quan và những người có phận sự về mọi thứ".

Ông Hoài Anh cho biết thời điểm này VFF có làm cách nào cũng bị chỉ trích. Ảnh: Minh Chiến.

"Từ 20h30 - 22h đêm qua, chúng tôi phải tạm dựng hệ thống để gửi e-mail cho những người đã thanh toán thanh công để tránh những phản hồi, thắc mắc từ người hâm mộ", ông nói tiếp.

"Theo quan điểm của tôi đây là cách làm thông minh, đi theo xu hướng chung của thế giới. Những hình thức bán vé trước đây nhận nhiều phản ứng tiêu cực. Nhưng phương thức mới này cũng vậy. Cách nào cũng không được thì chúng tôi không biết làm sao", ông Hoài Anh cảm thán.

Trước khi kết thúc cuộc trao đổi, ông Hoài Anh đối mặt với câu hỏi liệu rằng VFF có sẵn sàng thay đổi đối tác triển khai hệ thống nếu một đơn vị công nghệ đứng ra đảm bảo việc thiết kế thân thiện và có thể chịu được 500.000 lượt truy cập cùng lúc.

Đáp lại, vị tổng thư ký này nói: "Chỉ với 130.000 lượt truy cập, lượng vé sẽ được 'giải quyết' trong chưa đầy 2 phút vậy thì 500.000 người cùng đặt vé một lúc thì chỉ trong ít giây sẽ không còn vé để bán. Câu hỏi này, tôi xin được dành cho người hâm mộ trả lời".

Theo Zing

http://news.zing.vn/tong-thu-ky-vff-ly-giai-viec-chua-in-ve-dien-tu-post896311.html