Theo bài viết được New York Times đăng tải hôm 20/8, Mỹ đã cập nhật một chiến lược hạt nhân tuyệt mật nhằm đối phó với sự mở rộng kho vũ khí của Trung Quốc và khả năng liên minh của nước này với Nga cùng các quốc gia khác.
“Nuclear Employment Guidance" (Hướng dẫn Triển khai Vũ khí Hạt nhân) là bản mô tả chi tiết phản ứng của Mỹ trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân, thường được điều chỉnh sau mỗi 4 năm và chỉ một nhóm nhỏ quan chức chính quyền có quyền truy cập do tính chất quan trọng của nó. Ngay cả các thành viên Quốc hội cũng không được tiếp cận toàn bộ nội dung của bản hướng dẫn này.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phê duyệt kế hoạch sửa đổi vào tháng 3, theo thông tin từ New York Times.
Đây là lần đầu tiên hướng dẫn sửa đổi đề cập cụ thể đến các biện pháp răn đe nhằm vào "kho vũ khí hạt nhân đang mở rộng nhanh chóng của Trung Quốc", theo New York Times. Tờ báo này cũng đề cập đến khả năng xảy ra các cuộc tấn công phối hợp giữa Trung Quốc, Nga, Triều Tiên và Iran.
Các quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Biden trước đó đã đánh tín hiệu trước về sự thay đổi này. Tháng 6 năm nay, ông Pranay Vaddi, Giám đốc cấp cao tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, phát biểu tại một hội nghị kiểm soát vũ khí rằng trong bối cảnh "thực tế của một kỷ nguyên hạt nhân mới", ông Biden đã mở rộng chính sách để đối phó với các mối đe dọa từ các quốc gia này.
"[Chính sách sửa đổi] nhấn mạnh vào việc chú ý đến sự phát triển và đa dạng của kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, đồng thời cần phải có biện pháp răn đe đối với cả Nga, Trung Quốc và Triều Tiên”, ông Vaddi nói.
Vị quan chức cũng tiết lộ rằng Washington đang xem xét mở rộng kho vũ khí của mình để đối phó với năng lực tấn công của các đối thủ. Đây sẽ là một sự thay đổi đáng kể so với thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, khi Mỹ bắt đầu các nỗ lực ngoại giao nhằm giảm thiểu kho vũ khí hạt nhân toàn cầu.
"Nga, Trung Quốc và Triều Tiên đều đang mở rộng và đa dạng hóa kho vũ khí hạt nhân của mình với tốc độ nhanh chóng - cho thấy sự thiếu quan tâm đến việc kiểm soát vũ khí", ông Vaddi cho biết.
Trong một tuyên bố ngắn sau báo cáo của New York Times, Nhà Trắng cho biết việc kiểm tra Hướng dẫn Triển khai Vũ khí Hạt nhân “hoàn toàn không phải là bí mật ... [và] không phải là phản ứng đối với bất kỳ quốc gia hay mối đe dọa cụ thể nào”.
Năng lực hạt nhân của Trung Quốc đã thu hút sự chú ý ngày càng tăng từ các nhà hoạch định chính sách và các nhà nghiên cứu trên toàn cầu. Vào tháng 6, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) báo cáo rằng Trung Quốc đã tăng thêm 90 đầu đạn hạt nhân, nâng tổng số đầu đạn của nước này lên 500 tính đến tháng 1.
Báo cáo cũng dự đoán rằng số lượng tên lửa đạn đạo liên lục địa của Trung Quốc – hiện khoảng 238 – có thể vượt qua con số 800 của Mỹ hoặc 1.244 của Nga trong thập kỷ tới.
Mỹ và Trung Quốc đã tham gia trở lại vào các cuộc đàm phán không chính thức về kiểm soát vũ khí hạt nhân vào tháng 3, sau 5 năm gián đoạn. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận đã bị ngừng lại vào tháng 7.
Vấn đề này cũng được ứng cử viên Tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump nêu ra trong một cuộc trò chuyện với Elon Musk trên X, trước là Twitter. Ông Trump bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc đang bắt kịp năng lực hạt nhân của Mỹ.
"Đó là lý do tại sao cần một Tổng thống Mỹ mạnh mẽ vì bạn không muốn thấy sự gia tăng này", ông Trump nói.
Đây không phải lần đầu tiên hợp tác quân sự giữa Bắc Kinh và các đối thủ của Mỹ dẫn đến thay đổi trong chính sách quốc phòng.
Vào tháng 5, Giám đốc tình báo quốc phòng Lầu Năm Góc Jeffrey Kruse nói trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ rằng, mặc dù Nga và Trung Quốc có thể không hoàn toàn tương thích về quân sự nhưng vẫn có khả năng hợp tác, và điều này đã thúc đẩy việc các lực lượng vũ trang của Mỹ phải xem xét lại chiến lược của mình.
Tại phiên điều trần cùng ngày, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ Avril Haines cho biết các hoạt động hợp tác giữa Trung Quốc và Nga đang "thúc đẩy chính phủ phải lập kế hoạch mới trên nhiều khía cạnh", đề cập đến các cuộc tập trận hải quân chung của hai nước này như một thực trạng đáng lo ngại.