Hội nghị "Doanh nghiệp số 2017: Kỷ nguyên số và quốc gia khởi nghiệp" diễn ra ngày 25-10 đã chỉ ra, Việt Nam dường như vẫn đứng ngoài cuộc trong cuộc CMCN 4.0.
Trình bày báo cáo đề dẫn tại hội nghị, ông Henry Nguyễn Hữu Thái Hòa- Chuyên gia cao cấp, Giám đốc trung tâm Khoa học tư duy CTS- Bộ Khoa học và Công nghệ thẳng thắn nói: "Tôi không đồng tình với nhiều ý kiến khẳng định Việt Nam sẽ dẫn dắt cuộc CMCN 4.0, nhưng xin lỗi, Việt Nam không thể dẫn dắt cuộc cách mạng này, đặc biệt là khi quy trình nghiên cứu và phát triển (R&D) còn quá kém".
Diễn giả này cho rằng, "không chỉ các nhà khoa học mà ngay cả các doanh nghiệp Việt Nam khi gặp tôi chỉ có than thở cơ chế này, cơ chế kia không thuận lợi. Nhưng khi tôi hỏi các anh đang làm sổ sách kiểu gì, vẫn làm thủ công, làm excel các báo cáo tài chính thì chúng ta đã tụt hậu. Chúng ta không biết số hóa công ty thì kêu ca gì?".
Theo ông Henry Nguyễn Hữu Thái Hòa, công nghệ có thay đổi đến mấy nhưng nếu người lãnh đạo không chịu thay đổi, chống cái mới thì không thể bắt kịp cuộc cách mạng này. Ví dụ như cuộc chiến giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ diễn ra gần đây cho thấy tư duy chống cái mới. Và đây chính là một trong những nguyên nhân khiến cho các doanh nghiệp Việt Nam "không chịu lớn".
Tuy nhiên, Việt Nam đang đứng trước rất nhiều cơ hội trong CMCN 4.0, mà yếu tố đầu tiên là suốt 5 năm qua, Việt Nam vẫn dẫn đầu Diễn đàn kinh tế thế giới về tăng trưởng điện thoại thông minh (smartphone) và Internet.
"Người dân vẫn ào ào mua smartphone. Và không đâu như ở Việt Nam, wifi được miễn phí. Cước 3G, 4G nằm trong top rẻ nhất thế giới. Sự tăng trưởng này có vẻ như lãng phí, nhưng nếu biết tận dụng, chúng ta sẽ phát triển khủng khiếp. Lực lượng đang sử dụng smartphone, Internet thành thạo nhất chỉ khai thác Facebook, cá độ bóng đá và kiếm rất nhiều tiền. Vậy tại sao trong những lĩnh vực khác, chúng ta không làm?
Việt Nam rơi vào bẫy tụt hậu về kinh tế bản chất là do không tôn trọng tri thức, mà tri thức toàn cầu hiện nay là smartphone. CNTT là ánh sáng cuối đường hầm cho Việt Nam"- ông Thái Hòa nói.
PGS. TS Nguyễn Văn Nam- Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cũng cho rằng, CMCN 4.0 mở đầu 1 thời kỳ mới, là cơ hội, gần như cơ hội duy nhất để quốc gia kém phát triển đuổi kịp các quốc gia phát triển.
"Lực lượng chủ lực khởi nghiệp sẽ là các doanh nghiệp số. Họ là doanh nghiệp đi đầu ở Việt Nam. Tuy nhiên, lực lượng doanh nghiệp phải được tổ chức lại, có tiếng nói và Chính phủ có chính sách thiết thực để hỗ trợ. Nếu cứ lẽo đẽo công nghiệp hóa thì ta vĩnh viễn đi sau"- PGS. TS Nguyễn Văn Nam nhấn mạnh.
Theo ông Tăng Ngọc Trường An- Tổng giám đốc iBosses Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam có 2 thử thách quan trọng khi khởi nghiệp. Một là chương trình khởi nghiệp và hai là lòng tự trọng của những người làm khởi nghiệp.
"Tự trọng tức là tôn trọng luật chơi của thế giới, tôn trọng CNTT thì mới đi xa hơn. Tri thức là rất quan trọng với doanh nghiệp khởi nghiệp. Người Việt Nam muốn khởi nghiệp hãy học cách khởi nghiệp trước"- ông Trường An chia sẻ.