Trao đổi với Tuổi Trẻ Online trưa 17-6, ông Phạm Tuấn Sơn nói cuốn sách của tôi đã xuất bản từ cuối năm 2016 và nhận được phản ứng tích cực từ độc giả, nên tôi tổ chức họp báo ra mắt sách.
Tôi cũng mong muốn làm điều gì đó có chút khác biệt để mọi người quan tâm đến cuốn sách hơn nên nảy ra ý tưởng giới thiệu sách trên khinh khí cầu.
Nhưng vì khinh khí cầu bay rất nhanh, nếu chỉ có vậy thì rất đơn điệu, nên tôi nghĩ ra cách làm “cơn mưa tài lộc” với mong muốn mang lại may mắn, tài lộc cho mọi người.
Chúng tôi đã chuẩn bị các bao lì xì với mệnh giá nhỏ để thả từ khinh khí cầu xuống sân vận động.
Tôi có mời thêm 100 diễn viên quần chúng nhặt các bao lì xì đó để quay video quảng bá cuốn sách. Chúng tôi cũng thuê vệ sĩ để đảm bảo an toàn và có phổ biến đến mọi người là không được chen lấn, xô đẩy...
Mọi việc đều trong lịch trình của chúng tôi. Nhưng hôm qua gió ở Huế mạnh, nên khi rải tiền từ khinh khí cầu thì một phần số bao lì xì không rơi hết xuống sân vận động mà bay ra ngoài đường phố.
Lúc đó tôi thấy như vậy và cũng không suy nghĩ nó tác động như thế nào. Kết thúc cảnh quay mọi người về ăn sáng và tổ chức họp báo ra mắt sách.
* Từ hôm qua đến giờ, độc giả cũng như nhiều người trên mạng xã hội phản ứng khá gay gắt, cho rằng đó là việc làm phản cảm. Ông trả lời ra sao về việc này?
- Tôi làm cơn mưa tài lộc cũng để nhằm mục đích quay phim. Tuy nhiên, do trời có gió mạnh nên một phần bao lì xì rơi ra bên ngoài và có thể tạo ra những sự hiểu nhầm và gây phản cảm với người dân.
Qua Tuổi Trẻ Online, tôi chân thành xin lỗi những người dân ở cố đô Huế và các độc giả nếu mọi người cảm thấy chuyện đó phản cảm.
Mục đích của tôi chỉ là làm đoạn video quảng cáo và giúp cho cuốn sách tới tay nhiều người đọc hơn nữa.
* Khi ông đã có ý định ra mắt sách ở khinh khí cầu, có báo chí tham dự thì ông hoàn toàn ý thức được việc làm của mình sẽ được truyền tải đến với công chúng, truyền tải đến nhiều người chứ không phải như ông nói là chỉ quay clip quảng cáo?
- Tôi hiểu được điều đó. Tôi cũng đã nói rõ với báo chí việc đó và tôi chỉ tổ chức trong Sân vận động Tự Do.
Việc tôi không lường trước được là gió đẩy một phần bao lì xì ra ngoài sân vận động làm ảnh hưởng đến người dân xung quanh. Đấy là việc tôi cảm thấy gây phản cảm. Tôi xin lỗi về việc này.
Còn việc tôi làm ở trong Sân vận động Tự Do có diễn viên quần chúng, có kịch bản, đạo diễn... là đã được thống nhất trước với các bên và thông báo cho mọi người.
* Ông có giải thích mưa tài lộc nhằm gửi thông điệp cơ hội để kiếm tiền, làm giàu luôn ở quanh chúng ta. Nhưng việc làm giàu phải có kiến thức nền tảng, có đam mê với công việc chứ không chỉ rải tiền xuống là có thể khơi gợi ý chí làm giàu của mọi người?
- Thực tế khi tôi làm cơn mưa tài lộc, mục đích đầu tiên là giới thiệu cuốn sách. Trong cuốn sách, tôi có chia sẻ kiến thức làm thế nào để mọi người được tự do tài chính và mỗi người có khả năng giàu có hơn.
Bởi đó là công việc tôi đã làm nhiều năm nay và tôi tin ai cũng có thể làm được.
* Không ít người cho rằng trong hoàn cảnh một buổi ra mắt sách mà tác giả lại rải tiền như vậy thì bản thân hành động đó, nếu chỉ trong sân vận động thôi cũng là hành động phản cảm rồi?
- Như tôi đã nói, tôi đã bàn với các đạo diễn là làm video quảng bá sách như vậy thôi chứ cũng không suy nghĩ sâu xa gì cả. Nếu nhìn video đó thôi, thì tôi thấy rằng nó tương đối đẹp.
Qua đó, tôi muốn truyền đi thông điệp là sự giàu có, thịnh vượng xung quanh chúng ta. Chúng ta có thể nắm bắt được tự do tài chính và giàu có nếu chúng ta có kiến thức và các bạn có thể học hỏi được những điều đó thông qua cuốn sách của tôi.
* Tại kỳ họp quốc hội vừa qua, đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) đã nêu một trong 6 bất an lớn là hiện nay đồng tiền đang chi phối, thương mại hoá các mối quan hệ xã hội, làm suy thoái đạo đức.
Ông có nghĩ rằng hành động rải tiền của mình đang cổ suý cho rất nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ có tư duy chạy theo đồng tiền bất chấp tất cả không?
- Các bạn đọc sách thì thấy tôi chia thành 2 phần là tự do tài chính và làm giàu. Không phải ai cũng có thể giàu có nhưng ai cũng có quyền tự do tài chính, không trở thành nô lệ cho đồng tiền.
Muốn vậy thì mỗi người phải có kiến thức về tài chính. Mỗi người giàu có thì đất nước sẽ giàu mạnh hơn.
Chính phủ đang khuyến khích mọi người khởi nghiệp. Ở bất cứ lứa tuổi nào có ý tưởng khởi nghiệp đều tốt và đáng hoan nghênh.
Còn nếu nhìn lượng tiền tôi rải sẽ thấy mệnh giá cũng rất nhỏ và tôi đã cho vào phong bao lì xì. Vậy nên cảm xúc về việc đó rất ít và nó không đánh động lòng tham của mọi người.
Nếu làm giàu chính đáng thì sẽ đem lại sự thịnh vượng cho cá nhân, gia đình và quốc gia. Đó cũng là điều mà Chính phủ đang khuyến khích. Còn đánh động vào lòng tham của mọi người là điều không tốt.