Tính toán của Mỹ khi dồn dập cáo buộc Nga sắp "động binh" với Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Mỹ chấp nhận rủi ro nhất định khi đưa ra cáo buộc Nga sắp "động binh" với Ukraine với tuần suất dày đặc trong thời gian qua.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin (Ảnh: Reuters).
Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin (Ảnh: Reuters).

Bất chấp sự bác bỏ từ Nga, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden thời gian qua liên tục phát đi cáo buộc rằng Nga "chỉ còn vài ngày nữa" sẽ "động binh" với Ukraine.

Theo New York Times, các quan chức Mỹ thừa nhận rằng họ đang mạo hiểm với sự tín nhiệm Washington khi làm như vậy, nhưng họ cho biết, họ sẵn lòng chấp nhận rủi ro.

Phía Mỹ nói rằng, họ chấp nhận việc bị cáo buộc là cường điệu hóa tình hình, miễn điều này là cần thiết để họ có thể ngăn kịch bản Nga hành động quân sự với Ukraine.

"Nếu Nga không động binh với Ukraine, chúng tôi sẽ cảm thấy nhẹ nhõm vì Nga đã thay đổi hướng đi và chứng minh những dự đoán của chúng tôi là sai. Đó là kết quả tốt hơn rất nhiều so với con đường chúng tôi đang đi. Và chúng tôi sẵn sàng chấp nhận mọi sự chỉ trích từ các bên nhằm vào chúng tôi. Hôm nay tôi đến đây không phải để bắt đầu một cuộc xung đột, mà để ngăn chặn một cuộc xung đột", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào sáng 17/2.

Giới quan sát cho rằng, chính quyền Biden đang công bố các thông tin tình báo về kịch bản tồi tệ nhất có thể xảy ra, kèm theo những hậu quả nghiêm trọng. Đây được xem là chiến lược nhằm răn đe Nga, ngăn Moscow có hành động quân sự với Ukraine, diễn biến có thể kéo theo một cuộc xung đột quy mô lớn ở châu Âu.

Tuy nhiên, chính quyền Mỹ những ngày qua không che giấu nỗi lo ngại rằng, các động thái của họ có thể không còn hiệu quả. Giao tranh đã xảy ra ở miền Đông Ukraine giữa quân đội chính phủ Ukraine và phe đòi độc lập ở Donbass. Mỹ trước đó từng cảnh báo, những diễn biến căng thẳng ở khu vực này có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột diện rộng.

Kịch bản tốt nhất

Tuy nhiên, các chuyên gia và một số nhà lãnh đạo phương Tây giờ đây đang hướng tới kịch bản tốt nhất mà họ có thể kỳ vọng là Nga sẽ không "động binh" mà chỉ đưa quân tới biên giới Ukraine trong thời gian dài. Họ cho rằng, phương pháp này có thể giúp Nga duy trì áp lực lên Ukraine mà không đối mặt với rủi ro bị phương Tây áp những lệnh trừng phạt nghiêm trọng.

Hiện thời, cuộc tranh luận không liên quan tới điều gì đang xảy ra ở biên giới Ukraine, mà là Nga sẽ có hành động như thế nào ở khu vực này và mục đích của họ là gì.

Ban đầu, phía Mỹ cho rằng ông Putin dự tính gây áp lực để ngăn Ukraine từ bỏ tham vọng gia nhập NATO, và không ngả sang phương Tây. Tuy nhiên, sau đó, Nga đưa ra một đề nghị an ninh cho Mỹ và NATO vào cuối năm ngoái với những điều khoản rộng hơn rất nhiều, như yêu cầu NATO không mở rộng về phía đông, cam kết giới hạn vũ khí được triển khai tới gần lãnh thổ Nga.

Chính quyền Biden đang cố gắng dự đoán tính toán của ông Putin và những điều Tổng thống Nga mong muốn. Nếu vấn đề thực sự có thể được tháo gỡ thông qua một hiệp ước kiểm soát vũ khí mới - nhằm giúp xoa dịu những lo ngại của ông Putin về 2 hệ thống tên lửa đặt ở Ba Lan và Romania, hay quy tắc liên quan tới các cuộc tập trận mà Nga và NATO tổ chức, hai bên vẫn có cơ hội đối thoại để đạt thỏa thuận.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, Nga dường như mong muốn nhiều hơn thế. Thông qua tuyên bố muốn đảm bảo an ninh cho chính họ, Nga dường như muốn thay đổi lại trật tự đã được thiết lập ở châu Âu hậu Chiến tranh Lạnh sau khi Liên Xô sụp đổ.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa sẽ không có lối thoát cho căng thẳng hiện tại. Trong khủng hoảng tên lửa Cuba hồi năm 1962, Liên Xô đã quyết định rút tên lửa về nước để đổi lấy cam kết bí mật của Washington về việc đưa tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân Jupiter từ Thổ Nhĩ Kỳ về Mỹ.

Giới quan sát cho rằng Mỹ đang tìm kiếm một kịch bản tương tự như vậy. Ông Biden không lạ gì với chiến thuật đàm phán trao đổi như vậy. Ông có lẽ là chính trị gia hiếm hoi vẫn còn tại nhiệm ở Washington đóng vai trò lớn trong việc đàm phán các hiệp ước kiểm soát vũ khí với Liên Xô như SALT I và SALT II.

Theo Dantri.com