Tiếp nối 2 phiên giao dịch trước đó, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục giảm mạnh ngay từ đầu phiên giao dịch ngày 13/3. Chỉ số VN-Index có lúc giảm tới 45,83 điểm, lùi về mức 723,82 điểm.
Đà giảm tạm thời được rút ngắn vào cuối phiên giao dịch buổi sáng, khi mức giảm thu hẹp về mức 30,70 điểm nhờ sự hồi phục đến từ nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Trên trang Facebook cá nhân, ông Nguyễn Duy Hưng (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán SSI) đã có những chia sẻ về thị trường.
"Nước bị ảnh hưởng nhất bởi dịch bệnh cúm Vũ Hán là Trung Quốc, nhưng thị trường chứng khoán giảm điểm ít nhất thế giới kể từ khi xuất hiện dịch bệnh đến nay cũng lại chính là thị trường chứng khoán Trung Quốc.
Sẽ là vô cùng hữu ích nếu chúng ta phân tích và rút ra kinh nghiệm từ những gì họ đã làm, từ hành động của Chính phủ, các bước đi của các cơ quan quản lý thị trường, cách ứng xử của doanh nghiệp cũng như phản ứng của nhà đầu tư" - ông Hưng nêu quan điểm.
Theo đánh giá của vị Chủ tịch SSI, tình hình hiện tại thực sự là bài kiểm tra đắt giá về sức chịu đựng cũng như bản lĩnh và khả năng hành động đối mặt với biến cố của mỗi người, mỗi vị trí.
Chủ tịch HĐQT SSI - ông Nguyễn Duy Hưng - chia sẻ trên trang Facebook cá nhân (Ảnh chụp màn hình)
|
UBCKNN tìm giải pháp hỗ trợ thị trường
Theo ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), hôm 4/3 vừa qua, cơ quan này đã tổ chức họp trực tuyến kết nối hai đầu cầu Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, cùng đại diện lãnh đạo hai Sở GDCK, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, đại diện lãnh đạo các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ,… để họp bàn tìm giải pháp hỗ trợ nhà đầu tư và thanh khoản thị trường vượt qua đại dịch Covid-19.
Cuộc họp đã ghi nhận nhiều ý kiến đề xuất của các thành viên thị trường. Trong đó có những giải pháp có thể báo cáo Bộ Tài chính để triển khai sớm, nhưng cũng có những ý kiến sẽ được sửa đổi, bổ sung trong quá trình hoàn thiện các nghị định, thông tư hướng dẫn Luật Chứng khoán (sửa đổi) sắp tới.
Trong phạm vi thẩm quyền, UBCKNN sẽ báo cáo Bộ Tài chính một số giải pháp góp phần giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động trong ngành chứng khoán và cho nhà đầu tư, bao gồm cả giải pháp cắt giảm một số loại giá dịch vụ chứng khoán và nới lỏng một số quy định về giao dịch ký quỹ (margin) áp dụng cho giai đoạn trước mắt.
Được biết, mức giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán hiện hành được quy định tại Thông tư 127/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Trong đó, CTCK phải nộp cho sở giao dịch chứng khoán một số khoản như: giá dịch vụ quản lý thành viên giao dịch (20 triệu đồng/năm); giá dịch vụ duy trì kết nối định kỳ (50 triệu đồng/thành viên/năm).
CTCK tham gia thị trường chứng khoán phái sinh còn phải nộp cho sở giao dịch chứng khoán khoản giá dịch vụ đăng ký thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh (20 triệu đồng), giá dịch vụ quản lý thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh (20 triệu đồng/năm).
Ngoài ra, các CTCK còn phải trả nhiều loại giá dịch vụ cho Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD).
Riêng đối với nhà đầu tư, ngoài phải trả các chi phí như thuế thu nhập cá nhân; lãi vay margin; giá dịch vụ lưu ký cổ phiếu, chứng chỉ quỹ,…/.