Trong lịch sử 5000 năm của đất Trung Hoa, xã hội nông nghiệp là hình thái xã hội trải qua nhiều triều đại nhất và chiếm tỷ trọng cao nhất. Khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời, công cuộc công nghiệp hóa của Trung Quốc mới bước sang một tầm cao mới. Công nghiệp hóa đi kèm với sự phát triển của đô thị hóa.
Năm 1949, tỷ lệ đô thị hóa của Trung Quốc chỉ đạt khoảng 10,6% thì đến năm 2020, tỷ lệ này đã tăng lên khoảng 60,3%.
Tốc độ đô thị hóa không chỉ làm cho xã hội ngày càng phồn vinh mà còn mang lại một số tác động khó tránh khỏi và thế hệ "nông nhị đại" là một trong số đó.
Thế hệ "nông nhị đại": nông thôn không về nổi, thành phố lớn trụ không xong
"Nông nhị đại" là sản phẩm từ giai đoạn phát triển nhanh chóng của quá trình đô thị hóa. "Nông nhị đại" hay thế hệ nông dân thứ hai là những người sinh ra ở nông thôn, có hộ khẩu ở nông thôn, nhưng quanh năm làm việc ở thành phố.
Đối với "nông nhị đại", câu nói hình dung về họ ngắn gọn nhất: nông thôn về không nổi, thành phố lớn trụ không xong.
Tính đến năm 2018, trong tổng dân số khoảng 1,4 tỉ người dân Trung Quốc, khoảng 564 triệu người có hộ khẩu thường trú ở nông thôn, trong đó 289 triệu người là lao động di cư, tăng khoảng 1,8 triệu người so với năm trước đó. Tổng số lao động di cư chiếm khoảng một nửa tổng dân số nông thôn.
Mỗi năm, hàng triệu nông dân bước ra khỏi các ngôi làng khác nhau và đến những thành phố xa lạ với hành trang nặng nề, làm việc chăm chỉ vì cuộc sống của gia đình.
Khi đến thành phố, thế hệ nông dân thứ hai thường đi theo 3 hướng: Một là công nhân xây dựng trên các công trường theo dự án. Thứ hai, làm công nhân trong các nhà máy công nghiệp nhẹ gia công các sản phẩm điện tử và quần áo. Thứ ba, mở các quầy hàng nhỏ trên đường phố và ngõ hẻm, bán đồ ăn nhẹ và cửa hàng tạp hóa.
Thệ nông dân thứ hai lên thành phố lập nghiệp vẫn nói giọng địa phương giản dị, khi nhắc về quê hương, vợ con, trong lòng luôn xen lẫn niềm hạnh phúc và nỗi buồn.
Đâu là nguyên nhân khiến gần một nửa dân số nông thôn phải xa vợ con, cha mẹ, một mình lên thành phố làm việc nửa đời người?
Trước hết, lý do đơn giản và rõ ràng nhất là tiền
Tiền bạc luôn là nền tảng vật chất cho một cuộc sống hạnh phúc, gạt những thứ thuộc về tinh thần sang một bên, càng kiếm được nhiều tiền thì cuộc sống càng sung túc.
Một người lao động thuộc "nông nhị đại" chia sẻ thành quả làm việc chăm chỉ tại công trường xây dựng. |
Hầu hết người dân nông thôn đều giản dị và bao dung, chỉ cần gia đình sống ổn định, họ sẽ không ham tiền quá mức.
Nhưng hiện nay xã hội phát triển quá nhanh, giá cả tăng chóng mặt. Dù ở thành thị hay nông thôn, mức tiêu dùng không còn thấp.
Vào năm 2020, thu nhập ròng bình quân đầu người ở nông thôn của Trung Quốc vào khoảng 17.000 NDT/năm (khoảng 2660 USD), trong khi thu nhập bình quân đầu người ở thành thị đã đạt 44.000 NDT/năm (khoảng 6888 USD). Đồng thời, khoảng cách chênh lệch giá cả giữa thành thị và nông thôn đã giảm đáng kể.
Trước đây, người nông thôn bán đồ cho người nông thôn, người thành thị bán đồ cho người thành thị, giá các mặt hàng sẽ được tính theo giá chung của địa phương. Hiện nay với sự phổ biến của các trung tâm mua sắm lớn ở các vùng nông thôn và sự cải thiện của dịch vụ hậu cần của các nền tảng thương mại điện tử lớn ở nông thôn, hầu hết các mặt hàng đã được định giá ở mức chung.
Một trung tâm hậu cần của Alibaba ở nông thôn. |
Giá cả như nhau và chênh lệch thu nhập lớn khiến những người ở lại nông thôn ngày càng khó kiếm sống. Nếu chỉ trông chờ vào thu nhập từ đất canh tác, người dân chỉ lo đủ ăn, một khi gặp phải những vấn đề cần tiền gấp như con cái nhập trường, cưới xin, ma chay, bệnh tật… thì khó mà xoay xở được.
Khi so sánh thu nhập giữa người lên thành phố và người ở lại nông thôn, ngày càng nhiều người dân nông thôn, đặc biệt là những người trẻ tuổi, lựa chọn đổ xô lên thành phố.
Thứ hai, đó là sự biến đổi mạnh mẽ của địa vị xã hội
Khi các thành phố lần đầu tiên xuất hiện ở Trung Quốc, khái niệm "người thành thị" và "người nông thôn" có sự khác biệt rất lớn.
Về bản chất rốt ráo thì người thành thị hay người nông thôn đều cao quý như nhau và cần được đối xử bình đẳng, nhưng trong suy nghĩ của không ít người, người nông thôn luôn là người nông thôn, nếu không thể trở thành người thành thị, họ sẽ cảm thấy có chút gì đó thua thiệt, thấp kém hơn.
Đặc biệt là sau khi thế hệ nông dân thứ hai lên thành phố, họ cảm nhận được sự khác biệt về địa vị xã hội ở mọi nơi trong cuộc sống hàng ngày. Từ cảm giác về khoảng cách như vậy, ngày càng nhiều người dân nông thôn muốn đến thành phố lập nghiệp và trở thành một người thành thị.
Quần áo là lượt về quê là một hiện tượng đã có từ xa xưa, đặc biệt là đối với người dân nông thôn, nó không chỉ bao gồm việc kiếm một số tiền và trở về làng mở tiệc ăn mừng với mọi người mà còn bao gồm một sự thay đổi về địa vị, một hiệu ứng tâm lý "tôi bây giờ đã khác xưa rồi."
Ngoài ra, vấn đề hộ khẩu cũng là biểu hiện cơ bản của địa vị xã hội.
Theo chính sách hiện hành, nhìn chung, nếu người dân muốn sở hữu hộ khẩu ở thành phố lớn, họ cần ít nhất một ngôi nhà và một công việc ổn định.
Hộ khẩu thành thị có thể coi là một bước "thăng hoa" trọn vẹn, không chỉ là mục tiêu đáng theo đuổi nửa đời người, mà còn là lợi ích lớn cho chính con cái của họ.
Mọi người đều hy vọng con cái có một tương lai tốt hơn mình, và ra sức nỗ lực để tạo cho con cái một nền tảng tốt hơn, đặc biệt trong giáo dục vì đi học ở đâu ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển tương lai sau này.
Trẻ em ở nông thôn Trung Quốc chịu thiệt thòi hơn trẻ em ở thành thị. |
Những nơi tốt hơn có những nguồn tài nguyên giáo dục tốt hơn và những phương pháp giáo dục đúng đắn hơn. Cha mẹ của thế hệ "nông nhị đại" là nông dân, vì vậy nếu theo truyền thống, thế hệ "nông nhị đại" sẽ tiếp tục công việc của cha mẹ họ và làm đồng áng tại quê hương.
Lên thành phố, nếu mua được nhà, người lao động nhập cư có thể đăng ký hộ khẩu để con em họ được nhập hộ khẩu thành thị ngay khi chào đời. Bằng cách này, những đứa trẻ đáng lẽ ở nông thôn có thể lớn lên ở thành phố ngay từ đầu.
Nhìn chung, trường học ở thành phố lớn thường mang đến những cơ hội ươm mầm tài năng tốt hơn.
Cuối cùng, đó là thay đổi và bồi dưỡng quan niệm, tư tưởng
Thành phố lớn thường có nền kinh tế phát triển hơn và xã hội tiên tiến hơn, vì vậy thành phố lớn đã tập hợp được số lượng nhân tài và công dân lớn nhất.
Sau khi "nông nhị đại" đến thành phố, một số nếp nghĩ ban đầu của họ sẽ bị phá vỡ dưới ảnh hưởng của môi trường xã hội. Đặc biệt, một số tư tưởng phong kiến, lạc hậu sẽ được thay thế bằng những tư tưởng khoa học, tiên tiến hơn.
Tất nhiên cũng có không ít người không vượt qua được sự cám dỗ của thành thị, nghĩ mình đã mở rộng tầm nhìn nên đã đắm mình trong những cuộc ăn chơi thác loạn với thái độ trịch thượng.
Có thể nói, thành phố thay đổi tư tưởng lối sống của "nông nhị đại" theo cả hai chiều ưu và nhược, nhưng ưu nhiều hơn nhược.
Với trẻ em, trường học ở thành thị có thể mang đến thêm kiến thức và kỹ năng. Đặc biệt trong những năm gần đây, với sự phân bổ không đồng đều của nguồn lực giáo dục, nhiều học sinh Trung Quốc đi học trung học ở thôn, làng, thị trấn đều chỉ mang tâm lý "học cho có, đằng nào cũng vào nhà máy làm."
Vì vậy, để con cái thoát khỏi số phận làm công nhân, nhiều nông dân đời thứ hai đã nỗ lực lên thành phố.
Những thuận lợi và khó khăn do thế hệ "nông nhị đại" mang lại cho thành phố
Một số lượng lớn "nông nhị đại" đã vào thành phố, mang lại cho thành phố những nguồn lợi và cả những thách thức.
Thứ nhất, trong quá trình đô thị hóa, tỷ lệ chiếm đất đô thị gia tăng đồng nghĩa với tốc độ mở rộng đô thị
Trong quá trình đô thị hóa, nhu cầu xây dựng những tòa nhà chọc trời rất lớn, cần nhiều nguồn nhân lực và "người thành thị" thường không muốn làm những công việc này, do đó, các ngành lao động này hầu hết do người nông thôn di cư đến thành thị làm.
"Nông nhị đại" có những phẩm chất nguyên sơ nhất của vùng quê, chịu thương, chịu khó, luôn có động lực vươn lên dù khó, dù mệt đến đâu.
Thứ hai, những người thúc đẩy GDP đô thị không chỉ giới hạn ở cư dân thành thị
Những nông dân thế hệ thứ hai sống ở thành phố sử dụng thu nhập kiếm được từ thành thị làm nguồn sinh kế của họ và quá trình từ thu nhập đến chi tiêu của họ diễn ra trong thành phố.
Tất nhiên, nhiều thế hệ "nông nhị đại" sẽ tiết kiệm thu nhập với hy vọng mua nhà, xây nhà hoặc lập kế hoạch cho con cái của họ.
Tuy nhiên, một số lượng lớn người lao động di cư đã thúc đẩy hoạt động của toàn bộ thị trường trong quá trình thu chi của đô thị, và nền kinh tế của toàn thành phố được phát triển hơn nữa.
Có lẽ thu nhập và chi tiêu của thế hệ "nông nhị đại" còn rất ít ỏi, nhưng với số lượng đông đảo như vậy, họ quả thực là một lực lượng không thể không kể đến trong quá trình phát triển kinh tế đô thị.
Cuối cùng, thế hệ "nông nhị đại" còn góp phần nâng cao chất lượng tổng thể của người dân Trung Quốc.
Khi ngày càng có nhiều "nông nhị đại" đến thành phố, họ đã mở rộng tầm nhìn và cập nhật tư duy và quan niệm của mình, và chất lượng tổng thể của người dân Trung Quốc đã được cải thiện một cách hiệu quả.
Nhưng đồng thời, làn sóng của "nông nhị đại" bên cạnh những lợi ích nêu trên cũng mang theo nhiều tác động tiêu cực.
Trước hết, sau khi một số lượng lớn nông dân đổ vào các thành phố, họ sẽ thúc đẩy sự mở rộng đô thị hóa bất thường, tức là sự phát triển của các "làng đô thị" (tiếng Anh: Urban Village)
Làng đô thị luôn là một trở ngại lớn đối với quá trình đô thị hóa của Trung Quốc. Làng đô thị, một mặt cung cấp cơ hội sinh tồn cho những cư dân nghèo đến từ các vùng nông thôn. Mặt khác, đây cũng là nơi sản sinh các vấn đề xã hội như ô nhiễm môi trường và tội phạm.
Các ngôi làng trong thành phố lớn thường có cấu trúc đơn giản, điều kiện sống rất kém và thường thiếu sự kiểm soát và quản lý. Môi trường ô nhiễm, giao thông mất trật tự, hàng rong lấn chiếm đâu đâu cũng thấy trên đường phố.
Nhằm tối đa hóa giá trị đất đai và cải thiện hình ảnh hiện đại của thành phố, việc phá bỏ, di dời làng đô thị dần trở thành mối quan tâm của chính quyền. Song điều này sẽ không đơn giản bởi những con người trong làng đô thị đều đang theo đuổi ước mơ và tương lai của mình.
Ngay cả nước Mỹ phát triển kinh tế nhất cũng có một số lượng lớn các khu ổ chuột, nơi điều kiện sống tồi tệ đến mức không ai có thể tưởng tượng được.
Lịch sử phát triển của Trung Quốc hiếm khi sinh ra các khu ổ chuột, đây quả thực là điểm mà người dân Trung Quốc tự hào.
Thứ hai, khó đảm bảo quyền lợi của người lao động nhập cư
Hiện tại, Trung Quốc đã có hơn 1.000 câu chuyện đau lòng xảy ra khi những người lao động nghèo từ nông thôn chọn cách nhảy lầu do khó đòi tiền lương.
Người lao động nhập cư làm việc cật lực cả năm nhưng gặp muôn vàn khó khăn khi cuối năm đòi lương. Điều khủng khiếp nhất là ở các thành phố có rất ít các quy tắc và quy định chặt chẽ liên quan để đảm bảo tiền lương cho người lao động nhập cư.
Ngay cả khi pháp luật đưa ra một số điều khoản, những vấn đề vẫn còn tồn tại như lao động nhập cư thiếu nền tảng văn hóa bị ép ký hợp đồng khi chưa hiểu rõ quyền lợi.
Không chỉ là vấn đề tiền lương, mà kế hoạch cho người lao động nhập cư về an sinh xã hội, phúc lợi và bảo hiểm y tế bệnh hiểm nghèo cũng không rõ ràng.
Người lao động nhập cư gặp phải nhiều vấn đề liên quan đến quyền lợi. |
Chính phủ Trung Quốc hiện rất coi trọng vấn đề này, trong những năm gần đây, nhiều địa phương đã liên tục cải thiện các chính sách nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động nhập cư, và những câu chuyện đau lòng của người lao động nhập cư đã giảm đáng kể.
Khi thế hệ "nông nhị đại" vào thành phố, họ hiếm khi có thể đưa cả gia đình đi cùng. Trong hoàn cảnh bình thường, họ sẽ để con trẻ lại cho ông bà chăm sóc.
Đôi khi một số gia đình không được may mắn như vậy, ví dụ thế hệ nông dân thứ nhất không còn con cái hay ông bà không đủ sức khỏe chăm sóc cho con cháu, những người già sống neo đơn một mình hay những đứa trẻ thường sống dựa vào người thân, họ hàng xa.
Vấn đề này đã và đang thu hút sự quan tâm lớn của xã hội. Những đứa trẻ bị bỏ rơi lại nông thôn, thiếu vắng sự đồng hành của cha mẹ thường có tâm lý thu mình, thiếu tự tin, khó hòa nhập với xã hội và tập thể.
Người già neo đơn khó có được sự quan tâm chăm sóc toàn diện về vật chất và tinh thần.
Đất nông nghiệp nông thôn bị lãng phí là vấn đề chính phủ Trung Quốc đang quan tâm. |
Ngoài ra, sau khi thế hệ "nông nhị đại" vào thành phố làm việc, cha mẹ họ không có khả năng lao động nên không thể tiếp tục canh tác ruộng đất ở quê nhà, dẫn đến tình trạng lãng phí nghiêm trọng tài nguyên đất và phát triển không hợp lý.
Tài nguyên đất là nền tảng của một quốc gia, không có lương thực thì sẽ không có khoa học, văn hóa và công nghiệp. Việc bảo vệ đất canh tác ở nông thôn càng quan trọng hơn.
Cuối cùng, những xung đột xã hội do thế hệ "nông nhị đại" gây ra ngày càng gay gắt. Sau khi thế hệ nông dân thứ hai vào thành phố, họ phải chịu sự phân biệt đối xử nghiêm trọng của xã hội vì không hòa nhập được với nhịp sống đô thị.
Một số người sống ở thành phố, do không có trình độ học vấn cao, thường bị coi thường và nhạo báng là "người nông thôn".
Kết quả là mâu thuẫn giữa thế hệ nông dân thứ hai và thế hệ thứ hai của các thành phố ngày càng gia tăng, thường làm nảy sinh một số vấn đề xã hội.
Hiện nay Trung Quốc đã có những biện pháp tích cực trong việc phối hợp quá trình đô thị hóa và tiến bộ ở nông thôn như tái thiết làng đô thị, xây dựng nông thôn mới, giải quyết vấn đề cho lao động nhập cư, bảo vệ "lằn ranh đỏ" đất canh tác, làm suy yếu khoảng cách hộ khẩu.
Trong tương lai, Trung Quốc đang hướng tới thế hệ "nông nhị đại" thoát ra khỏi tình trạng hiện tại và trở thành "trụ được thành phố lớn, về được làng quê nhỏ."
Thanh Hà (Tổng hợp từ QQ)