Trung Quốc thực thi Thịnh vượng chung: Thuế bất động sản và thuế thừa kế là biện pháp then chốt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trung Quốc sắp cải cách lớn hệ thống thuế trực thu, trong đó sẽ xúc tiến thuế bất động sản và thuế thừa kế để tạo thêm nguồn thu, giúp thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, thực hiện mục tiêu Thịnh vượng chung.
Ảnh: NetEase
Ảnh: NetEase

Ngày 17/8, tại Hội nghị lần thứ mười của Ủy ban Tài chính và Kinh tế Trung ương Trung Quốc, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã tham dự và đưa ra tuyên bố hướng tới mục tiêu "thịnh vượng chung" trong xã hội Trung Quốc.

Khái niệm thịnh vượng chung lần đầu tiên được đề xuất vào năm 1985. Kể từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đưa việc thực hiện thịnh vượng chung vào vị trí quan trọng hơn, thông qua các biện pháp hiệu quả để đảm bảo và cải thiện sinh kế của người dân, giành chiến thắng trong cuộc chiến thu hẹp khoảng cách giàu-nghèo và xây dựng xã hội khá giả toàn diện.

Thịnh vượng chung là gì? Tại cuộc họp báo của Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức ngày 26/8, ông Hàn Văn Tú, Phó Chánh Văn phòng Ban Kinh tế - Tài chính Trung ương, giải thích cho báo chí rằng thịnh vượng chung không nhằm "sát phú tế bần" mà cần được hiểu là những người "làm giàu trước" nên giúp đỡ những người đi sau.

Vậy Trung Quốc sẽ bằng cách nào để thêm nguồn thu nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, thực hiện xã hội hài hoà, thịnh vượng chung?

Theo nhiều chuyên gia có ảnh hưởng lớn ở Trung Quốc, việc thiết kế một cấu trúc hệ thống thuế khoa học hơn, giảm tỷ trọng thuế gián thu và đẩy mạnh thuế trực thu như thuế bất động sản, thuế thừa kế hay thuế quà tặng sẽ là chìa khóa mở ra cánh cửa sự thịnh vượng chung cho tất cả mọi người.

Khoảng cách giàu nghèo đang ở mức tương đối cao

Quá trình chuyển đổi kinh tế kéo dài 40 năm đã thay đổi tất cả các khía cạnh của Trung Quốc và cũng làm thay đổi mô hình phân phối thu nhập của người dân.

Trong hơn 40 năm cải cách và mở cửa (từ năm 1978), tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc đã tạo ra một phép lạ kinh tế Đông Á khác sau Nhật Bản. Tuy nhiên, chênh lệch thu nhập và giàu nghèo của người dân Trung Quốc cũng có xu hướng mở rộng, và vấn đề mất cân đối phân phối thu nhập càng trở nên nổi cộm.

Theo số liệu do Cục Thống kê Quốc gia công bố, hệ số Gini trong thu nhập khả dụng bình quân đầu người của người dân Trung Quốc năm 2019 là 0,465, ở mức tương đối cao. Trên thực tế, kể từ khi Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố năm đầu tiên (2003) của hệ số Gini, hệ số Gini của Trung Quốc luôn ở trên 0,4.

Hệ số Gini của Trung Quốc từ năm 2003 - 2019. Ảnh: Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc.

Hệ số Gini của Trung Quốc từ năm 2003 - 2019. Ảnh: Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc.

Hệ số Gini là một chỉ số thống kê được sử dụng phổ biến để phản ánh mức độ chênh lệch giàu nghèo. Hệ số này càng cao, xã hội càng thiếu công bằng. Hiện không có một tổ chức hay giáo trình quốc tế nào đưa ra tiêu chuẩn hệ số Gini chính xác nhất. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng nếu hệ số Gini nhỏ hơn 0,4 thì quốc gia có mức độ bất bình đẳng trung bình, hệ số Gini từ 0,4 đến 0,5 là quốc gia có mức độ bất bình đẳng cao và quốc gia có mức độ bất bình đẳng rất cao khi hệ số Gini lớn hơn 0,5.

Theo dữ liệu thu nhập khả dụng bình quân đầu người do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố năm 2019, 20% hộ gia đình giàu nhất có thu nhập khả dụng bình quân đầu người gấp hơn 10 lần so với 20% hộ gia đình nghèo nhất, và gấp hơn 3 lần so với nhóm 20% hộ gia đình trung bình.

Về chênh lệch tài sản, sau khi bước vào thế kỷ 21, khoảng cách phân bổ tài sản của người dân Trung Quốc đã mở rộng mạnh mẽ.

Theo báo cáo tài sản toàn cầu lần thứ 12 của Ngân hàng Credit Suisse, số lượng triệu phú USD ở Trung Quốc sẽ tăng 92,7% lên 10,17 triệu người vào năm 2025, cao hơn mức tăng 27,8% ở Mỹ lên 28,06 triệu người so với cùng kỳ.

Ông Anthony Shorrocks, kinh tế gia và tác giả của báo cáo trên, cho biết, "Tăng trưởng tài sản ở Trung Quốc trong 20 năm từ năm 2000 đến năm 2020 gần bằng với 80 năm tăng trưởng tài sản ở Mỹ từ năm 1925 đến năm 2005."

Theo dữ liệu từ báo cáo khảo sát của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, 20% hộ gia đình giàu có nhất hiện chiếm 63% tổng tài sản của các hộ gia đình, trong khi 20% hộ gia đình nghèo nhất nhất chỉ chiếm 2,6%.

Với số lượng tỉ phú đang tăng lên nhanh chóng, nhiều chuyên gia nhận định, trong tương lai, sự bất bình đẳng thu nhập và tài sản ở Trung Quốc sẽ ngày càng gia tăng, khi người giàu lại càng thêm giàu còn người nghèo thì ngày một nghèo đi.

Tăng tỷ trọng thuế trực thu, dùng thuế kiềm chế khoảng cách giàu nghèo

Trước những vấn đề này, Giáo sư Dư Diểu Kiệt, Bí thư Đảng ủy kiêm Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Quốc gia thuộc Đại học Bắc Kinh cho rằng, việc điều chỉnh hệ thống thuế là mấu chốt. Cơ cấu hệ thống thuế ở Trung Quốc hiện nay vẫn chủ yếu là thuế gián thu.

Theo thống kê của Industrial Research, năm 2020, thuế trực thu của Trung Quốc chiếm tỷ trọng tương đối thấp so với các nước khác trên thế giới, khoảng 45% tổng số thuế thu được, trong khi thuế gián thu tương đối cao, chiếm khoảng 55%. Ở các nước tiên tiến như Mỹ và Canada, thuế trực thu chiếm hơn 70%

Trong khi đó, thuế gián thu có đặc tính lũy thoái, tức thuế suất tăng khi thu nhập của người đóng thuế giảm. Ví dụ, nếu một sản phẩm có giá là 10 USD và thuế hàng hóa là 10%, thì tỉ lệ 1 USD so với 100 USD thu nhập/tháng của một người lao động sẽ cao hơn tỉ lệ 1 USD so với 1000 USD thu nhập/tháng của một người lao động khác. Do đó, người lao động có thu nhập thấp và trung bình sẽ phải chịu áp lực về thuế gián thu nhiều hơn.

Ngược lại, thuế trực thu có tính chất lũy tiến, những người có thu nhập cao hơn phải trả phần trăm thuế cao hơn so với những người có thu nhập thấp hơn.

Theo ông Dư, Trung Quốc nên tăng tỷ trọng thuế trực thu và xem xét đánh thuế suất cao với thuế tài sản.

Các loại thuế trực thu then chốt

1. Thuế thu nhập cá nhân

Trong số các loại thuế trực thu hiện nay, thuế thu nhập cá nhân là một trong những công cụ mạnh mẽ nhất để điều chỉnh phân phối thu nhập.

Trong thuế thu nhập cá nhân của Trung Quốc, tiền lương, tiền dịch vụ lao động và thu nhập từ sản xuất kinh doanh của các hộ công thương nghiệp cá thể chiếm tới 70,3% trong khi thu nhập từ cổ tức, tiền thưởng và chuyển nhượng tài sản chỉ chiếm 27,2%.

Ngoài ra, thuế suất biên cao nhất đối với trả công lao động là 45%, trong khi thu nhập từ đầu tư vốn chỉ chiếm 20%.

Theo ông Tống Hiểu Ngô, Giám đốc Ủy ban Học thuật của Hiệp hội Cải cách Hệ thống Kinh tế Trung Quốc, chính phủ cần cải thiện hơn nữa hệ thống thuế thu nhập cá nhân, giảm một cách thích hợp thuế suất từ thu nhập lao động, đồng thời tăng điều chỉnh thuế với thu nhập từ đầu tư vốn và thu nhập từ giao dịch tài sản.

Giáo sư tài chính Quách Ngọc Thanh của Trường Kinh tế, Đại học Nam Đài yêu cầu ngăn chặn triệt để các nhóm thu nhập cao như ngành điện ảnh, truyền hình trốn thuế thông qua "hợp đồng âm dương", đồng thời tăng mức phạt thuế đối với trốn thuế bất hợp pháp.

2. Thuế tài sản

So với các nền kinh tế phát triển, tỷ trọng thuế tài sản ở Trung Quốc tương đối thấp, chỉ chiếm 8,0% trong tổng thuế trực thu vào năm 2019, ở mức trung bình so với các nền kinh tế mới nổi.

Các quốc gia có tỷ trọng mức thuế tài sản tương đối cao trong thuế trực thu là Mỹ, Hàn Quốc và Vương quốc Anh lần lượt chiếm 16,1%, 15,6% và 15,4%, Canada, Nhật Bản và Pháp chiếm khoảng 13%.

Thuế tài sản gồm có 2 loại chính: thuế bất động sản (nhà, đất), và thuế thừa kế.

2.1. Thuế bất động sản

Thuế bất động sản nhà ở của Trung Quốc đang đến gần. Ảnh: NetEase
Thuế bất động sản nhà ở của Trung Quốc đang đến gần. Ảnh: NetEase

Khi nói đến sự giàu có, điều đầu tiên mọi người nghĩ đến là tài sản chính của gia đình - bất động sản. Bất động sản nhà ở chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản của người dân Trung Quốc, chiếm 65,61% của cải bình quân đầu người của hộ gia đình. Trong những năm gần đây, giá bất động sản tăng nhanh, đặc biệt là ở các thành phố cấp một và cấp hai đã dẫn đến sự phân hóa khoảng cách giàu nghèo.

Giáo sư Quách cho rằng thuế bất động sản có thể hạ nhiệt thị trường bất động sản và ngăn người có thu nhập cao che giấu tài sản thông qua đầu cơ bất động sản nhà ở.

Từ tháng 12 năm ngoái đến tháng 5 năm nay, trong vòng chưa đầy một năm, Bộ Tài chính đã ba lần đề cập đến việc tiến hành tích cực và kiên định pháp luật và cải cách thuế bất động sản, phát đi tín hiệu rằng thuế bất động sản là cấp thiết.

Mặc dù Trung Quốc đã sớm triển khai thuế bất động sản nhưng trên thực tế việc thí điểm áp dụng thuế bất động sản tại Trung Quốc diễn ra khá mờ nhạt. Các chương trình thí điểm tại Thượng Hải và Trùng Khánh hồi năm 2011 chỉ bao phủ một phần rất nhỏ của thị trường bất động sản địa phương.

Trong giai đoạn tới, Trung Quốc cần có nhiều thử nghiệm hơn, có thể là ở Bắc Kinh, Thâm Quyến và những nơi có giá nhà đất cao hơn.

Gần đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Lưu Côn cho biết Bộ đang nghiên cứu một dự thảo luật trong đó áp thuế trực tiếp đối với bất động sản tại nước này. Cơ chế thuế bất động sản hiện tại của Trung Quốc chủ yếu tập trung vào thu thuế ở khâu giao dịch thay vì khâu nắm giữ.

Theo ông Tống Hiểu Ngô, Giám đốc Ủy ban Học thuật của Hiệp hội Cải cách Hệ thống Kinh tế Trung Quốc, đối tượng chính của việc thu thuế bất động sản không phải là đông đảo người lao động phổ thông có thu nhập thấp và trung bình mà là những gia đình có thu nhập cao sở hữu nhiều nhà ở.

Ngoài ra, các chuyên gia kinh tế Trung Quốc còn nhấn mạnh vào các phương án đánh thuế thừa kế hay thuế quà tặng càng sớm càng tốt.

2.2. Thuế thừa kế

Thuế thừa kế đã được đưa ra bàn luận nhiều nhiều năm tại Trung Quốc, liệu rằng thịnh vượng chung sẽ đưa thuế này vào thực tế nhanh hơn? Ảnh: NetEase

Thuế thừa kế đã được đưa ra bàn luận nhiều nhiều năm tại Trung Quốc, liệu rằng thịnh vượng chung sẽ đưa thuế này vào thực tế nhanh hơn? Ảnh: NetEase

Ngoài thuế bất động sản, thuế thừa kế cũng là một phần quan trọng của thuế trực thu.

Mục đích chính của hệ thống thuế thừa kế là hạn chế sự tập trung quá mức của cải và giảm khoảng cách giàu nghèo. Trong xã hội hiện đại, việc thừa kế khối tài sản tư nhân khổng lồ sẽ dẫn đến hậu quả là gia tăng khoảng cách giàu nghèo, không có lợi cho sự phát triển lâu dài của đất nước và ổn định xã hội.

Thuế thừa kế là phương pháp phổ biến được các nước trên thế giới sử dụng để điều chỉnh chênh lệch giàu nghèo. Hà Lan áp dụng thuế thừa kế từ năm 1598, Anh 1694, Pháp 1703, Mỹ 1788, Ý 1862, Nhật Bản 1905 và Đức 1906.

Hiện thuế thừa kế của Mỹ dao động từ 18% đến 50%, Nhật từ 10% đến 50%, Anh khoảng 40%, quốc gia mới phát triển như Hàn Quốc cũng có thuế suất luỹ tiến 10%-50%.

Trong thời kỳ đầu kiến quốc Trung Hoa Dân Quốc, năm 1940, chính quyền Bắc Dương đã ban hành "Quy định tạm thời về thuế thừa kế."

Sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập, thuế thừa kế là 1 trong 14 sắc thuế được quy định trong "Nguyên tắc thực thi chính sách thuế quốc gia" do Hội đồng Nhà nước thông qua năm 1950, "Kế hoạch 5 năm lần thứ 9" năm 1994 và Đề cương Mục tiêu Tầm nhìn năm 2010. Tuy nhiên, do điều kiện vào thời điểm đó, thuế thừa kế vẫn chưa được thực hiện.

Trong những năm gần đây, khoảng cách giữa thu nhập và sự giàu có ở Trung Quốc ngày càng rộng và kỳ vọng của xã hội về việc thúc đẩy phân phối công bằng đã tăng lên, việc áp dụng thuế thừa kế một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý.

Tuy nhiên, cho đến nay, thuế thừa kế của Trung Quốc vẫn chưa chính thức thông qua và gây ra rất nhiều tranh cãi.

Trung Quốc hiện có một số lượng lớn các gia đình sở hữu khối tài sản khổng lồ, giới phân tích cho rằng việc đánh thuế thừa kế là cần thiết.

Theo giáo sư Quách Ngọc Thanh, việc đánh thuế bất động sản và thuế thừa kế là một dự án mang tính hệ thống, đòi hỏi phải có cơ chế quản lý hồ sơ tài sản và định giá tài sản hợp lý, xác định hợp lý đối tượng và phạm vi thu thuế và hệ thống thuế đáp ứng điều kiện quốc gia, khó đạt được trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, đây chính là xu hướng chung và chìa khóa để thúc đẩy sự thịnh vượng chung.

Thanh Hà (tổng hợp từ Sina)