Thoạt nhìn, phiên bản tiếng Anh và tiếng Trung của trang web ByteDance (công ty mẹ của TikTok) trông tương tự. Cả hai đều đăng tải những hình ảnh lạc quan, vui vẻ của nhân viên văn phòng và một người cha rạng rỡ nhìn vào màn hình smartphone cùng con trai. Tuy nhiên, nếu kéo xuống cuối trang, sẽ có những khác biệt đáng kể.
Phiên bản tiếng Anh có phần hiển thị 5 thành viên hội đồng quản trị của ByteDance. Bốn trong số đó là các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Mỹ, gồm: Susquehanna International Group (SIG), General Atlantic, Coatue Management và công ty liên doanh Sequoia Capital. Tiếp đó là sơ đồ tổ chức các pháp nhân nước ngoài quản lý hoạt động của TikTok ở thị trường Mỹ, Australia, Singapore và Anh. Danh sách thành viên hội đồng quản trị và sơ đồ tổ chức này không xuất hiện trên trang web phiên bản tiếng Trung. Khác biệt này thể hiện những khó khăn ByteDance gặp phải trên con đường toàn cầu hóa.
Thoạt nhìn giao diện Web của ByteDance phiên bản tiếng Anh và Tiếng Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng, nhưng một số chi tiết cho thấy nhiều định hướng quan trọng. Ảnh: SCMP. |
Cuộc đấu tranh của ByteDance với sự tồn tại của TikTok và Douyin sẽ là hình mẫu cho các công ty Trung Quốc muốn vươn ra thị trường quốc tế trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang.
Trong khi ByteDance đặt trụ sở ở Trung Quốc, phần lớn doanh thu quảng cáo họ kiếm được lại đến từ thị trường quốc tế. Tuy nhiên, làm hài lòng cả hai là điều không hề dễ dàng. Mặc dù nguy cơ TikTok bị "trục xuất" khỏi Mỹ đã lắng xuống sau khi Joe Biden tiếp quản Nhà Trắng, ByteDance cũng tạm gác thương vụ bán TikTok tại Mỹ, kịch tính vẫn có thể kéo dài trong tương lai.
"Chính quyền Biden thích một giải pháp toàn thể về cách các công ty Trung Quốc hoạt động tại Mỹ cũng như những lo ngại về việc xử lý dữ liện người dùng", Paul Triolo, nhà phân tích chính sách công nghệ tại công ty tư vấn rủi ro Eurasia Group nói. Triolo cho rằng có nhiều khía cạnh trong cuộc đàm phán hiện có giữa các bên. Biden muốn xem xét kỹ lưỡng trước khi đưa ra bất kỳ sự chấp thuận nào.
Tuy nhiên, bất kỳ kế hoạch nào được chính phủ Mỹ đưa ra đều có thể được đón nhận rất khác ở quê nhà TikTok. Năm ngoái, khi TikTok nỗ lực đạt được các thoả thuận trong thương vụ với Oracle và nhận được sự ủng hộ của cựu Tổng thống Donald Trump, người Trung Quốc tức giận cho rằng, Zhang Yiming đã "quỳ gối" dưới áp lực của Mỹ. Đáp lại cơn thịnh nộ của người dân, ByteDane hứa sẽ giữa quyền kiểm soát với hoạt động kinh doanh của TikTok tại Mỹ. Zhang Yiming cũng nói sẽ không chuyển giao thuật toán của TikTok sau khi Bắc Kinh bổ sung danh mục kiểm soát xuất khẩu công nghệ.
Trong khi thương vụ chưa đến hồi kết, ông Trump không đắc cử, TikTok vẫn tiếp tục tìm kiếm một thoả thuận, chuẩn bị cho tương lai khó khăn. Trong thời gian tạm lắng, sự phổ biến của TikTok tại Mỹ đã tăng trở lại. Số lượt tải xuống tăng 33% vào tháng 12/2020, tăng 5,7 triệu lượt so với tháng trước đó. Các nhà quảng cáo cũng đã quay lại với ByteDance sau khi Biden thắng cử. Ở châu Âu, TikTok cũng đã tăng gần gấp đôi quy mô nhân sự trong những tháng qua và thiết lập văn phòng mới ở London bên cạnh hai văn phòng trước đó. Trái với những tín hiệu khả quan ở thị trường quốc tế, hoạt động kinh doanh của ByteDance ở Trung Quốc vẫn thấp hơn doanh thu ở các thị trường khác.
TikTok đang có những tháng ngày khá "yên ổn", nhưng đó không phải tương lai lâu dài. Chỉ vài ngày sau lễ nhậm chức, chính quyền Biden đã phát đi thông điệp về việc đối đầu Bắc Kinh trên nhiều mặt trận. "Chính quyền Biden rõ ràng sẽ tập trung vào các rủi ro bảo mật do công nghệ đến từ Trung Quốc. Tuy nhiên, Biden sẽ làm tốt hơn về chính sách với những vấn đề rủi ro đến từ ứng dụng nước ngoài", Justin Sherman, thành viên của tổ chức Sáng kiến Cyber Statecraft của Hội đồng Đại Tây Dương cho biết.
Chuyên gia Dev Lewis của tổ chức nghiên cứu Digital Asia Hub cho rằng chừng nào mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc còn căng thẳng, ByteDance vẫn là mục tiêu bị nhắm tới. "Dù TikTok có cố gắng tuân thủ bao nhiêu quy định và minh bạch dữ liệu đến mức nào, họ vẫn luôn bị gắn mác một công ty Trung Quốc", Lewis nói.
Giấc mộng toàn cầu hoá của ByteDance còn trở thành cơn ác mộng khi TikTok chính thức bị Ấn Độ cấm vào tháng 6/2020. ByteDance đã sa thải hàng trăm nhân viên và tìm cách bán các hoạt động của mình tại thị trường này. TikTok đang bị kẹt vào nhiều vấn đề phức tạp trong một cuộc chơi không do mình làm chủ. Tham vọng của Yang Zhing khi chọn công ty bằng tiếng Anh thay vì tiếng Trung đang chông gai hơn những gì ông hình dung.
Theo VnExpress