Ngày 08/5 vừa qua, Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định số 340 cho phép thành lập Hiệp hội An ninh Mạng Quốc gia. Đây là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công dân và tổ chức Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực an ninh mạng, tự nguyện thành lập nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, đoàn kết bảo đảm an ninh mạng theo định hướng, chiến lược về an ninh mạng của Đảng, nhà nước, góp phần bảo vệ tổ quốc và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trên cơ sở đó, Đại hội lần thứ nhất Hiệp hội An ninh mạng quốc gia đã được tổ chức chiều nay (8/9) tại Hà Nội. Đại hội có sự tham gia của hàng trăm đại biểu đại diện cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân (chuyên gia, nhà khoa học) hoạt động trong lĩnh vực an ninh mạng.
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Đại tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an - nhận định: "Tình hình an toàn an ninh mạng trong thời gian qua diễn biến rất phức tạp trong bối cảnh cuộc cách mạng KHCN tiếp tục phát triển nhanh, trong khi sự phát triển trong nước chưa theo kịp. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước trong lĩnh vực an ninh mạng cũng diễn ra quyết liệt hơn, tác động sâu sắc đến tình hình an ninh chính trị toàn cầu, đặt ra rất nhiều khó khăn, thách thức trong công tác đảm bảo chủ quyền an ninh quốc gia trên không gian mạng".
Đại tướng Tô Lâm thẳng thắn chỉ ra những thách thức của trong việc đảm bảo an toàn, an ninh mạng tại nước ta hiện nay. Thứ nhất là chưa có sự đồng bộ, thống nhất về sự tham gia của các doanh nghiệp trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, lợi ích an ninh quốc gia, sẵn sàng đối phó với các thách thức trên không gian mạng.
Thứ hai là sự mất tự chủ về công nghệ, lệ thuộc vào nước ngoài, đặc biệt trong trường hợp xử lý những tình huống nguy cấp về an ninh mạng quốc gia. Đến nay về cơ bản các tổ chức, doanh nghiệp trong nước chưa làm chủ được các sản phẩm KHCN an ninh mạng thiết yếu, chủ yếu vẫn phụ thuộc vào các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài.
Thứ ba là nguy cơ bị tấn công mạng, khủng bố cơ sở hạ tầng trọng yếu; hoạt động gián điệp mạng chiếm đoạt các thông tin, tài liệu bí mật của nhà nước, Từ đầu năm 2022, hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, tiếp tục là mục tiêu tấn công mạng, gián điệp mạng, số lượng gia tăng hơn nhiều so với năm 2022 với hơn 16 triệu cảnh báo tấn công mạng.
Thứ tư là nguy cơ các thế lực thù địch triệt để lợi dụng không gian mạng để tuyên truyền phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ, kêu gọi kích động biểu tình, gây rối an ninh trật tự.
Thứ năm, tình hình tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhất là hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng ngày càng diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, gây ra thiệt hại rất lớn cho các tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, theo thống kê của Bộ Công an, đã xử lý gần 800 vụ việc với tổng số tiền thiệt hại lên đến hàng nghìn tỉ đồng. Hoạt động của các sàn giao dịch tiền ảo, tiền mã hóa trở nên phức tạp tiềm ẩn nhiều yếu tố vi phạm pháp luật, trong khi thu hút lượng lớn người tham gia, số lượng tiền giao dịch lên tới cả chục nghìn tỉ đồng mỗi tháng.
Để giải quyết được những thách thức này, theo Bộ trưởng Tô Lâm, chỉ cơ quan nhà nước thì chưa đủ. Phải có sự chung tay, tham gia tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Do đó, vấn đề đặt ra là phải tập trung xây dựng, triển khai nhiệm vụ giải pháp an ninh mạng. Bộ trưởng khẳng định: "Hiệp hội An ninh mạng quốc gia trở thành động lực chính cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ tổ quốc".
Đại hội đã thông qua chương trình, phương hướng hoạt động của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia nhiệm kỳ 2023-2028, Điều lệ của Hiệp hội và Đề án tổ chức nhân sự của Hiệp hội nhiệm kỳ I (2023-2028). Ban chấp hành và Ban thường vụ Hiệp hội đã nhất trí bầu Thượng tướng Lương Tam Quang - Thứ trưởng Bộ Công an đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hiệp hội. Phó Chủ tịch thường trực là Trung tướng Nguyễn Minh Chính - Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (ANM & PCTPCNC).
5 Phó Chủ tịch Hiệp hội gồm: Ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Đại tá Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel; Ông Tô Dũng Thái, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; PGS.TS Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần FPT; Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch điều hành Công ty cổ phần Tập đoàn công nghệ CMC.
Tổng thư ký Hiệp hội là Thượng tá Nguyễn Bá Sơn - Trưởng phòng, Cục ANM & PCTMCNC. Phó Tổng thư ký kiêm Chánh văn phòng là ông Vũ Duy Hiển, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ An ninh mạng quốc gia Việt Nam (NCS) và Thiếu tá Đào Đức Triệu, cán bộ Cục ANM & PCTPCNC.
Trước đó, Đại hội cũng đã bầu ra 28 nhân sự vào Ban Chấp hành Hiệp hội và 10 nhân sự vào Ban Thường vụ.
Sự ra đời của Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia có ý nghĩa quan trọng góp phần quy tụ, khơi dậy, lan tỏa sức mạnh tiềm năng của các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, học giả uy tín để xây dựng hệ sinh thái an ninh mạng, hội tụ chính sách công nghệ, nhân lực về an ninh mạng, góp phần nâng cao tiềm lực an ninh quốc gia, ứng phó hiệu quả với các thách thức phi truyền thống, với mục tiêu xây dựng không gian mạng an ninh, an toàn, lành mạnh, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Phát biểu bế mạc Đại hội, Chủ tịch Hiệp hội - Thượng tướng Lương Tam Quang chia sẻ rằng sau Đại hội, Hiệp hội sẽ nỗ lực triển khai ngay các hoạt động có ý nghĩa, thiết thực, tạo sức ảnh hưởng và lan tỏa, góp phần xây dựng Hiệp hội An ninh mạng quốc gia với phương châm "Quy tụ - Đoàn kết - Sáng tạo - Lan tỏa".
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu