Thúc đẩy thanh toán bằng nội tệ trong thương mại Việt – Nga

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Ngoại thương Nga (VTB) hôm nay 7-4 chính thức ký kết một biên bản ghi nhớ nhằm thúc đẩy việc thanh toán bằng đồng nội tệ trong giao dịch của doanh nghiệp hai nước.
Thúc đẩy thanh toán bằng nội tệ trong thương mại Việt – Nga

Cụ thể, hai bên ký kết Bản ghi nhớ về việc hỗ trợ nâng cao vai trò của Ngân hàng liên doanh Việt Nga (VRB) nhằm hỗ trợ cho việc tăng cường hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Nga.

Theo đó, BIDV và VTB thống nhất cùng nghiên cứu, xây dựng và báo cáo cơ quan có thẩm quyền hai nước phê duyệt việc triển khai thực hiện kênh thanh toán riêng nhằm hỗ trợ các hoạt động thanh toán xuất nhập khẩu giữa hai nước Liên bang Nga và Việt Nam. VRB được chọn là ngân hàng trung gian để triển khai kênh thanh toán này.

Một tổ công tác chung cũng sẽ được lập ra, và các bên sẽ thống nhất tiến độ thực hiện cụ thể trong tháng 4 để có thể thực hiện thanh toán song phương bằng đồng nội tệ của mỗi nước trong thời gian sớm nhất.

Tại buổi ký kết hôm 7-4 diễn ra tại TPHCM, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV, cho biết trong giao dịch thanh toán giữa hai nước, 97% là được thực hiện bằng đồng đô la Mỹ, và có 1,7% là qua đồng nội tệ. Với việc thúc đẩy thanh toán bằng nội tệ hai nước, rổ ngoại tệ của hai nước sẽ có đồng tiền của nhau, và cũng giúp tiết kiệm chi phí thanh toán, tạo lợi ích cân bằng cho cả hai nước.

Trả lời câu hỏi của báo giới về việc khi nào có thể đẩy mạnh được việc thanh toán bằng đồng nội tệ giữa hai nước, ông Hà cho rằng đây là vấn đề phức tạp, vì hiện có những khó khăn, như rủi ro về tỷ giá, cụ thể là hiện đồng rúp (Nga) đang bị mất giá. Ngoài ra, đồng tiền hai nước vẫn là đồng tiến yếu, và quan trọng nhất vẫn là cơ chế thanh toán của hai nước - hai nước có thói quen sử dụng tiền mặt nhiều. Tuy nhiên, việc này sẽ được đẩy mạnh nhờ quyết tâm của chính phủ hai nước, ông Hà nói, và cho biết thêm gần đây Trung Quốc và Nga cũng tổ chức thanh toán song phương bằng đồng nội tệ hai nước.

Hiện đồng rúp của Nga đang mất giá mạnh, trong khi đồng đô la Mỹ đang tăng giá so với các đồng tiền khác, vậy doanh nghiệp Việt Nam liệu có bị thiệt hại khi xuất khẩu hàng hoá và thu về bằng đồng rúp? Trả lời thắc mắc này của báo giới, ông Hà cho biết, đồng đô la Mỹ trên thế giới đang tăng giá, trong khi biên độ dao động của đồng rúp là khá lớn. Do đó, vấn đề đặt ra là phải đảm bảo lợi ích hài hoà của doanh nghiệp, nên trong cơ chế của ngân hàng phải tính toán đến các biện pháp như bảo hiểm rủi ro tỷ giá để đảm bảo doanh nghiệp không bị thiệt khi thanh toán bằng đồng nội tệ, ông Hà cho biết.

Ngoài việc thống nhất hợp tác triển khai kênh thanh toán bằng đồng nội tệ hai nước, BIDV và VTB cũng thống nhất sẽ báo cáo chính phủ hai nước cho phép các bên và VRB được tham gia phục vụ các dự án trọng điểm và chương trình hợp tác cấp nhà nước giữa Việt Nam và Liên bang Nga, gồm các lĩnh vực dầu khí, năng lượng, và cả năng lượng hạt nhân và an ninh quốc phòng. Theo đó, VRB sẽ cung cấp các dịch vụ cho các dự án này như tài khoản và thanh toán, cấp tín dụng, bao thanh toán, bảo lãnh, L/C, nhờ thu, ngân quỹ, tiền gửi,….

Để nâng cao vai trò cũng như năng lực tài chính của ngân hàng liên doanh VRB, hai bên cũng sẽ tính toán để tăng vốn điều lệ của ngân hàng này phù hợp nhu cầu tài chính sắp tới.

Theo ông Hà, những triển khai này nhằm thực hiện các tuyên bố chung của hai nước. Vào tháng 12 năm ngoái trong tuyên bố chung giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Nga Vladimir Putin, hai nước thống nhất tăng cường hợp tác trong thanh toán, bao gồm thanh toán bằng thẻ và đồng nội tệ của hai nước. Ngoài ra, hai nước cũng cho rằng cần tăng cường mạnh mẽ sâu rộng vai trò của ngân hàng liên doanh VRB trong các dự án song phương cấp nhà nước trong lĩnh vực dầu khí và năng lượng.

Trong phiên hội đàm chính thức giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev hôm qua, hai nước cũng đưa ra quyết tâm này, bao gồm việc giao cho ngân hàng VTB và BIDV tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc, tăng tiềm lực tài chính để VRB trở thành ngân hàng mạnh trong quan hệ hai nước, thúc đẩy hợp tác hai nước. Các dự án song phương cấp chính phủ hai nước cần có sự tham gia sâu rộng của ngân hàng này, và tổ chức thanh toán song phương bằng nội tệ và kết nối thanh toán bằng thẻ giữa hai nước.

Ngân hàng VRB được thành lập và khai trương từ năm 2006. Đến ngày 31-3-2015, ngân hàng này đã có tổng tài sản đạt 10.243 tỉ dồng (477 triệu đô la Mỹ), dư nợ cho vay 5.780 tỉ đồng, và đã hỗ trợ thực hiện thanh toán cho các doanh nghiệp, cá nhân có giao dịch thương mại giữa Việt Nam và Nga, với tổng trị giá thanh toán (bao gồm cả chuyển đổi) là 218,74 triệu đô la Mỹ.

Buổi ký kết chiều 7-4 được tổ chức ngay sau cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, cùng các lãnh đạo khác với trên 50 doanh nghiệp hàng đầu của Nga và Việt Nam, tại TPHCM, trong đó có Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Zarubezhneft, Tổng giám đốc Tập đoàn chế tạo ô tô Kamaz,...

Tại buổi gặp gỡ này, Thủ tướng Nga kêu gọi mở rộng lĩnh vực hợp tác của hai nước sang các lĩnh vực khác bên cạnh các lĩnh vực năng lượng, dầu khí... Chẳng hạn như, trong thời gian sắp tới có thể có liên doanh lắp ráp xe của Nga. Ngoài ra, Nga cũng đặc biệt chú ý và coi trọng những doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Nga.

Đề cập đến chuyện thanh toán bằng đồng nội tệ và vai trò của ngân hàng liên doanh Việt Nam - Nga, Thủ tướng Dmitry Medvedev cho biết, hai nước cần phải tìm cách tận dụng tiềm năng của tổ chức tài chính này, cũng như tìm mô hình hợp tác mới qua việc thanh toán bằng đồng nội tệ. “Chúng tôi có kinh nghiệm trong việc này (thanh toán bằng nội tệ - PV) với một số nước khác và chúng tôi cho rằng đây là thời điểm để chúng tôi sử dụng mô hình này với Việt Nam,” Thủ tướng Nga cho biết.

Hiện Nga đứng thứ 17 trong số 101 nước và vùng lãnh thổ đang đầu tư vào Việt Nam với 106 dự án và tổng số vốn đăng ký gần 2 tỉ đô la Mỹ. Việt Nam có 19 dự án đầu tư tại Nga với tổng vốn đầu tư là 2,47 tỉ đô la Mỹ.

Theo TBKTSG