Trong bài viết đăng ngày 24/11, hãng tin Nikkei (Nhật Bản) cho biết chính quyền Đài Loan trong nhiều năm qua đã tìm cách siết chặt hơn nữa quan hệ kinh tế với Trung Quốc.
Lượng hàng xuất khẩu sang đại lục và Hồng Kông chiếm đến khoảng 40% tổng lượng xuất khẩu của Đài Loan. Thế nhưng, kể từ tháng 11/2014, lượng hàng xuất bán đã liên tục giảm sút.
Nikkei cho biết sự chững lại của kinh tế Trung Quốc đã làm suy yếu lượng tiêu thụ các thiết bị điện tử di động, dẫn đến tình trạng tụt giảm về lượng đặt hàng vật liệu bán dẫn, vốn là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ngành công nghiệp xứ Đài.
Tương tự, lượng hàng xuất bán sang Trung Quốc của Hàn Quốc đã giảm rất mạnh. Nhiều loại hàng hóa, từ các sản phẩm hóa dầu, thép, máy móc nông nghiệp đến điện thoại smartphone, thiết bị văn phòng và các thiết bị liên lạc không dây, đều có số lượng đơn đặt hàng thấp.
Nhằm tránh bị tổn thất nhiều hơn, doanh nghiệp Hàn Quốc và Đài Loan đang mở rộng sang thị trường Việt Nam và Ấn Độ. Động thái này bao gồm cả việc thiết lập nhà xưởng sản xuất tại 2 nước này.
Thua lỗ vì cạnh tranh với doanh nghiệp Trung Quốc
Nikkei cho hay một số công ty tại Đài Loan cho rằng khó khăn không chỉ đơn giản xuất phát từ tình trạng suy yếu trong lượng tiêu thụ tại Trung Quốc. Vấn đề thực sự chính là số lượng các công ty Trung Quốc được chính quyền Bắc Kinh “chống lưng” đang ngày một tăng và các công ty này cướp mất cơ hội của doanh nghiệp Đài Loan.
Bắc Kinh đã chi rất đậm cho các ngành công nghiệp nội địa, chẳng hạn như ngành sản xuất chất bán dẫn và màn hình LCD.
Doanh thu của Wintek, hãng sản xuất màn hình cảm ứng lớn thứ 2 Đài Loan, đã giảm mạnh do phải cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ Trung Quốc. Wintek hồi tháng 10.2014 đã phải đệ đơn xin tái cơ cấu và đến tháng 7 vừa qua, đã phải ngưng niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán.
Doosan Engine, tập đoàn công nghiệp nặng hàng đầu Hàn Quốc, cũng lâm vào tình cảnh tương tự. “Chính phủ Trung Quốc ra chỉ đạo rằng các xưởng đóng tàu quốc doanh sẽ ưu tiên dùng động cơ của các nhà sản xuất trong nước. Kể từ đó, lượng hàng xuất khẩu của Hàn Quốc cứ giảm suốt”, Nikkei dẫn lời một lãnh đạo giấu tên của tập đoàn Hàn Quốc than thở.
Samsung Electronics, nhà sản xuất điện thoại smartphone lớn nhất thế giới, từng một thời thống trị thị trường Trung Quốc nếu tính về doanh số bán hàng. Nhưng trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 năm ngoái, 2 tập đoàn công nghệ Trung Quốc là Xiaomi và Lenovo đã lấn át hoàn toàn tập đoàn Samsung trên “sân nhà”.
Chuyển sang Việt Nam, Ấn Độ
Samsung đã dời dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam trong những năm gần đây. Một gã khổng lồ khác trong lĩnh vực công nghệ của Hàn Quốc là LG Electronics cũng đã mở một nhà máy lắp ráp smartphone và điện tử gia dụng tại Hải Phòng hồi tháng 3. LG đã bỏ 1,5 tỷ USD vào nhà máy này, theo Nikkei.
Hồi tháng 12/2014, chính phủ Hàn Quốc đã chủ trì một cuộc họp thượng đỉnh với các nước ASEAN tại thành phố cảng Busan. Các bên đã cùng thống nhất sẽ thúc đẩy kim ngạch thương mại lên mức 200 tỷ USD vào năm 2020, tức tăng vọt đến 45% so với năm 2014.
Trong khi đó, tại Đài Loan, các doanh nghiệp cũng có những bước đi tương tự. Tập đoàn Compal Electronics đã mở cửa trở lại một nhà máy ở miền bắc Việt Nam hồi tháng 7.
Tập đoàn Hon Hai, nhà cung cấp linh kiện điện tử lớn nhất thế giới, còn được biết đến với tên gọi Foxconn, đang có kế hoạch xây khoảng 10-12 nhà máy tại Ấn Độ vào năm 2020. Theo dự kiến, các nhà xưởng sẽ tạo ra 1 triệu việc làm.
Nikkei cho biết Hon Hai lâu nay vẫn xem Trung Quốc như nơi sản xuất chủ đạo, nhưng chi phí nhân công gia tăng và tăng trưởng kinh tế chậm lại gây khó cho hoạt động của tập đoàn Đài Loan.
Theo Báo Thanh Niên